6 thói quen xấu làm tổn thương dạ dày

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 16:48, 15/11/2023

Thói quen ăn uống là một trong những yếu tố chính, ảnh hưởng trực tiếp đến dạ dày và sức khỏe của bạn. Dưới đây là tổng hợp các thói quen ăn uống có hại mà bạn cần tránh nhằm hạn chế nguy cơ mắc bệnh dạ dày.
6 thói quen xấu làm tổn thương dạ dày
6 thói quen xấu làm tổn thương dạ dày mà bạn cần tránh. Ảnh: Aboluowang

1. Ăn quá nhiều

Ăn uống không điều độ sẽ làm rối loạn nhịp bài tiết của dạ dày, làm suy yếu chức năng rào cản của niêm mạc dạ dày. Thường xuyên ăn quá nhiều có thể gây ra các vấn đề như chướng bụng, nhu động dạ dày chậm và làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày.

Lời khuyên: Mỗi bữa chỉ nên ăn đủ no khoảng 70%, không ăn quá no trong mỗi bữa, hoặc ăn sau khi đã no.

2. Chế độ ăn nhiều muối

Lượng muối cao sẽ làm giảm tiết acid dạ dày, giảm khả năng phòng vệ của niêm mạc dạ dày, khi đó hàng rào chất nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày sẽ dễ bị tổn thương, làm tăng nguy cơ viêm teo dạ dày. Bên cạnh đó, nitrit có trong thực phẩm ngâm chua có thể phản ứng với các amin, sản phẩm phân hủy của protein trong dạ dày để tạo ra chất nitrosamine gây ung thư, chất này cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày .

Vì vậy, ăn ít muối không chỉ có lợi cho việc ngăn ngừa và điều trị bệnh cao huyết áp mà còn tốt cho dạ dày.

Lời khuyên: Nên kiểm soát lượng muối ăn hàng ngày trong phạm vi 5 gam, đồng thời chú ý đến muối trong các loại gia vị như nước tương, dầu hào, bột ngọt... Ăn ít các thực phẩm ngâm như dưa cải muối, dưa chua.

3. Chế độ ăn nhiều chất béo

Thức ăn nhiều chất béo khiến dạ dày làm rỗng chậm, thức ăn đọng lại lâu trong dạ dày sẽ kích thích tiết axit dạ dày và làm tăng tổn thương axit dạ dày đến niêm mạc. Ngoài ra, chất béo sẽ kích thích mạnh tiết cholecystokinin, dễ gây trào ngược dịch mật và làm tổn thương niêm mạc dạ dày.

Lời khuyên: Nên nấu với ít dầu hơn như hấp, luộc, trộn, hạn chế chiên rán. Chú ý đến chất béo tiềm ẩn trong các loại nước sốt như sốt mayonnaise, sốt salad... Bạn cũng có thể ăn thịt nạc thay vì thịt mỡ để hạn chế chất béo.4. Ăn nhiều đồ hun khói và chiên rán

Thực phẩm hun khói dễ bị ô nhiễm bởi các chất có hại như hydrocarbon thơm đa vòng và formaldehyde. Ăn quá nhiều thực phẩm hun khói, thực phẩm chiên rán sẽ sản sinh ra nhiều chất gây ung thư, không tốt cho sức khỏe dạ dày.

Lời khuyên: Ăn ít cá hun khói, xúc xích hun khói, giăm bông, thịt xông khói, thịt gà hun khói và các thực phẩm hun khói khác. Đồng thời hạn chế các món chiên rán như khoai tây chiên, đùi gà rán, gà viên chiên, nấm chiên…

5. Ăn ít trái cây và rau quả tươi

Việc tăng cường ăn trái cây có thể làm giảm nguy cơ ung thư đường tiêu hóa, đồng thời tăng cường ăn các loại rau họ cải (cải chíp, bắp cải, súp lơ trắng, bông cải xanh, cải xoăn...) có thể làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày.

Lời khuyên: Ăn rau hàng ngày, tốt nhất là 150 - 200 gram mỗi bữa. Bên cạnh đó, bạn cũng nên ăn trái cây mỗi ngày để bổ sung đầy đủ chất.

6. Uống rượu và hút thuốc

Hút thuốc và uống rượu có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày, hút thuốc cũng liên quan chặt chẽ đến việc xuất hiện bệnh trào ngược dạ dày thực quản và làm tăng nguy cơ loét dạ dày.

Lời khuyên: Nếu nhất định phải uống rượu, tốt nhất nên uống rượu có độ cồn thấp như bia, không nên uống lúc bụng đói và không nên uống say.

Hoàng Xuyến (theo Aboluowang)