Thủ tướng yêu cầu tổ chức nhiều hơn festival phim, âm nhạc quốc tế
Nhịp sống - Ngày đăng : 16:42, 15/11/2023
Chỉ đạo này được thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu kết luận tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam, sáng 15/11.
Người đứng đầu Chính phủ nhận định du lịch Việt Nam còn nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội để tiếp tục phát triển thời gian tới, song cũng còn những hạn chế, yếu kém cần hoàn thiện thêm.
Thiếu sự kiện văn hóa, du lịch mang tầm quốc tế
Về liên kết phát triển du lịch giữa các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng đánh giá chưa có hiệu quả, còn tình trạng "mạnh ai nấy làm", chưa tạo được chuỗi dịch vụ du lịch quốc gia và quốc tế, chưa có các chiến dịch kích cầu du lịch tầm cỡ quốc gia.
Các sản phẩm du lịch chưa thực sự có trọng tâm, trọng điểm, không có nhiều sản phẩm đặc sắc Việt Nam theo tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng Việt Nam chưa có nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm quốc tế, được tổ chức chuyên nghiệp cao, thường xuyên để trở thành thương hiệu sản phẩm du lịch của Việt Nam như Lễ hội pháo hoa ở Đà Nẵng, Festival di sản Huế.
Định hướng một số quan điểm phát triển du lịch trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh cần xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc Việt Nam dựa trên nguồn lực con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử.
"Khi tình hình thay đổi thì phải có tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận phù hợp, theo hướng chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh, thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, dự báo, đánh giá dựa trên dữ liệu…", theo người đứng đầu Chính phủ.
Ông chỉ đạo cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát; cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng đầu vào của ngành du lịch.
Về giải pháp, Thủ tướng cho rằng cần phát huy vai trò định hướng của cơ quan du lịch quốc gia và vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Quảng Ninh, Ninh Bình...
Bên cạnh đó, cần chú trọng việc hình thành các liên kết vùng động lực tăng trưởng du lịch (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hà Nội - các tỉnh miền núi phía bắc; Huế - Đà Nẵng; Khánh Hòa - Ninh Thuận - Lâm Đồng, TPHCM và phụ cận; Cần Thơ - Cà Mau - Kiên Giang).
Người đứng đầu Chính phủ cũng định hướng xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh. Trong đó, đẩy mạnh phát triển và khai thác phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh (du lịch hội nghị - hội thảo - sự kiện, du lịch golf, du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực, sức khỏe...).
Đặc biệt, theo người đứng đầu Chính phủ, cần nghiên cứu, tổ chức nhiều hơn các festival phim, âm nhạc… quốc tế, giới thiệu, tạo cảm hứng cho các nghệ sĩ quốc tế sáng tác về Việt Nam, đề cập tới Việt Nam trong các tác phẩm nghệ thuật... Thủ tướng gợi ý tổ chức các sự kiện này tại một địa điểm nhất định để tạo điểm nhấn, thương hiệu.
Những điểm đến xinh đẹp đều "đóng băng"
Chia sẻ trước đó, đại diện Tập đoàn Vingroup kiến nghị cần có chính sách miễn visa linh hoạt, miễn visa cho một số thị trường chủ lực trong một số giai đoạn ngắn hạn theo chiến lược phát triển du lịch quốc gia; có chính sách liên quan đến thuế để gia tăng sức mạnh cạnh tranh của dịch vụ ngành du lịch.
Cùng với đó, cần nâng cao tỷ lệ số hóa, tự động hóa ở các cảng hàng không nhằm mang đến sự thuận tiện, nhanh chóng và thoải mái cho du khách trong thủ tục xuất nhập cảnh.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings, chia sẻ mặc dù ngành du lịch có những nỗ lực và kết quả nhất định trong năm 2023, nhưng đây là giai đoạn đầy biến động, thách thức.
"Hàng không chưa có lợi nhuận; du lịch, khách sạn, nhà hàng hoạt động cầm chừng; những điểm đến xinh đẹp như đảo ngọc Phú Quốc, như vịnh biển Nha Trang đẹp nhất thế giới, con đường di sản miền Trung Huế - Đà Nẵng - Hội An, Kỳ quan Vịnh Hạ Long… cũng đang đóng băng vài chục nghìn phòng khách sạn; dịch vụ giải trí, nhà hàng đều ngưng trệ", bà Thảo phản ánh thực tế.
Bà cho rằng cần hành động khẩn trương để những điểm đến đông vui trở lại.
Trong bối cảnh còn rất nhiều thách thức đối với cả ngành du lịch, hàng không, bà Thảo nhấn mạnh rất mong Chính phủ tiếp tục có các hỗ trợ về thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm phí cho các đường bay quốc tế mới, ngành ngân hàng giảm lãi suất cho hàng không, khách sạn, du lịch.
Bà cũng đề xuất có các chính sách hỗ trợ về phát triển đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam, chính sách quản lý slot bay, quản lý hoạt động khai thác tại các Cảng hàng không để tăng năng lực thông qua các cảng hàng không.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Sun Group, góp ý cần đẩy mạnh quảng bá du lịch thông qua các hội nghị xúc tiến tới những thị trường trọng điểm; tăng cường hợp tác hàng không để thúc đẩy công tác mở rộng thị trường, mở thêm đường bay, đặc biệt ở các thị trường như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia…
Đồng thời, bà Hoài Anh nhấn mạnh cần mở lại các đường bay thẳng, đón dòng khách từ Nga và các quốc gia Đông Âu.
Lãnh đạo Sun group cũng đề xuất Chính phủ mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu cho du lịch lớn và thời gian lưu trú dài hạn như Australia, Canada, Mỹ, các nước còn lại thuộc EU và một số nước khu vực Trung Đông như Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Saudi Arabia, Kuwait…