Cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông là quá nghiêm khắc?
Nhịp sống - Ngày đăng : 10:05, 15/11/2023
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang nhận được nhiều ý kiến liên quan đến nội dung "điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị nghiêm cấm".
Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, việc uống rượu rồi tham gia giao thông ngay thì rõ ràng là bị cấm; nhưng thực tế có người uống rượu từ buổi tối hôm trước mà sáng hôm sau đi làm, trong máu vẫn còn nồng độ cồn, nếu xử phạt thì "rất băn khoăn".
Đại biểu đề xuất nghiên cứu một tỷ lệ nhất định để giới hạn nồng độ cồn cho phép trong hơi thở và trong máu, không nhất thiết cứ có nồng độ cồn là bị xử phạt.
Câu hỏi đặt ra là: Có nên cho phép tài xế có tỷ lệ nồng độ cồn nhất định tham gia giao thông hay không?
"Quy định cấm tuyệt đối là quá nghiêm khắc"
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Hà Nội), nói quy định nghiêm cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, không chỉ được các đại biểu Quốc hội bàn luận sôi nổi mà còn tạo nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận xã hội.
Luật sư Bình cho rằng, nên cho phép tài xế có tỷ lệ nồng độ cồn nhất định. Bởi lẽ, nếu người dân tối hôm trước đi ăn liên hoan, sáng hôm sau đo nồng độ cồn vẫn còn mà bị phạt thì việc này không thực tế. Vì lúc đó, cơ thể tài xế vẫn tỉnh táo, vẫn có thể điều khiển phương tiện bình thường.
Ông Bình cho rằng quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn như vậy là quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam, có thể làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.
"Trong thực tế, không chỉ khi uống rượu bia hay các thức uống chứa cồn khác, mà trong máu hay hơi thở người sử dụng có nồng độ cồn, mà khi chúng ta ăn một số loại trái cây, nước ép trái cây lên men cũng có thể có nồng độ cồn.
Bởi một số thức uống và thực phẩm có thể chứa cồn, do quá trình lên men của đường hoặc tinh bột. Khi ăn hoặc uống những sản phẩm này, nồng độ cồn trong máu và hơi thở của người tiêu dùng có thể tăng lên", luật sư Bình lấy dẫn chứng.
Theo luật sư, nếu uống chút rượu rồi đi xe đạp mà cũng bị phạt, vậy thì việc triển khai luật sẽ khá phức tạp. Do đó, cơ quan chức năng cần điều chỉnh lại quy định theo hướng để giới hạn nồng độ cồn cho phép.
"Chúng ta có thể tham khảo, đối chiếu thêm những kinh nghiệm từ những quốc gia đã áp dụng thành công các tiêu chuẩn về nồng độ cồn cho các loại phương tiện khác nhau; đồng thời vẫn đảm bảo rằng các tiêu chuẩn này phù hợp và nhất quán với những quy định trong Bộ luật Hình sự", luật sư Bình nói thêm.
Cần ý kiến của nhà khoa học, chuyên gia y tế
Còn theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, cơ quan chức năng nên quy định người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn ở một mức độ nhất định, dựa trên căn cứ khoa học thì mới xử phạt vi phạm hành chính.
Ngoài ra, cũng cần có quy định người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn đến một mức độ nào đó khiến người điều khiển phương tiện say xỉn có thể gây tai nạn giao thông, thì cũng có thể xử lý hình sự theo khoản 4, điều 260 Bộ luật Hình sự.
Luật sư Cường cho biết, theo Luật Giao thông đường bộ 2008, người tham gia giao thông đường bộ có nồng độ cồn ở mức độ nhất định thì mới vi phạm giao thông và bị xử lý.
Tuy nhiên, từ năm 2019 theo quy định của Luật Phòng chống tác hại rượu bia, cứ có nồng độ cồn trong máu và khí thở khi tham gia giao thông là vi phạm pháp luật.
Ông Cường cho rằng, đã có sự thay đổi quan điểm về chính sách xử lý vi phạm đối với nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
"Ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, vấn đề quy định về nồng độ cồn cũng có hai quan điểm khác nhau. Có những quốc gia cho phép người tham gia giao thông có nồng độ cồn ở một mức độ nhất định, cũng không ít quốc gia quy định cấm tuyệt đối.
Hiện nay có khoảng 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, quy định cấm tuyệt đối về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Còn đa số các quốc gia trên thế giới đều quy định một mức cho phép nhất định, vượt mức đó thì mới vi phạm và mới bị xử lý", luật sư Cường nêu dẫn chứng.
Ông Cường cho rằng có quy định cấm tuyệt đối hay không sẽ phụ thuộc vào tổng kết thực tiễn áp dụng Luật Phòng chống tác hại rượu bia, căn cứ vào tình hình đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở Việt Nam và học tập kinh nghiệm thực tiễn ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay.
Tuy nhiên về mặt chính sách thì không nên thay đổi liên tục, thay đổi thường xuyên trong thời gian ngắn để tránh những tác động, xáo trộn không cần thiết trong đời sống xã hội.
Ngoài ra, việc thay đổi chính sách đối với quy định đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống tác hại rượu bia cũng cần có ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia y tế. Đặc biệt là phải có đánh giá về mức độ tác hại rượu bia đến đâu với người tham gia giao thông khi chỉ có một lượng nhỏ nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở.
"Khi nghiên cứu về vấn đề quy định nồng độ cồn cần phải đánh giá ở nhiều góc độ, nhiều trường hợp để có những quy định phù hợp", luật sư nói thêm.