Giá xăng dầu hôm nay 15/11/2023 tiếp đà leo dốc
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 06:43, 15/11/2023
Giá xăng dầu trong nước hôm nay 15/11/2023
Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 13/11 của liên bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm.
Cụ thể, giá xăng E5 giảm xuống mức 22.270 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm về 23.530 đồng/lít.
Giá dầu diesel giảm còn 20.880 đồng/lít. Giá dầu hoả giảm về mức 21.510 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 13/11 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 23.530 | -390 |
Xăng E5 RON 92-II | 22.270 | -340 |
Dầu diesel | 20.880 | -1.060 |
Dầu hỏa | 21.510 | -790 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 15/11/2023
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 15/11 tiếp đà leo dốc từ hai phiên đầu tuần.
Ngày 14/11, giá xăng dầu thế giới duy trì đà đi lên sau khi đã tăng hơn 1% vào phiên đầu tuần.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 20h42' ngày 14/11 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 82,68 USD/thùng, tăng 0,16 USD, tương đương 0,19% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 78,42 USD/thùng, tăng 0,16 USD, tương đương 0,2% so với phiên liền trước.
Giá dầu đi lên sau báo cáo của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho thấy nhu cầu vẫn mạnh và lo ngại nguồn cung có thể bị gián đoạn khi Mỹ đưa ra các biện pháp hạn chế xuất khẩu dầu của Nga.
OPEC đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2023 lên 2,46 triệu thùng/ngày, tăng 20.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. Đồng thời, OPEC cũng dự báo nhu cầu dầu thế giới năm 2024 tăng 2,25 triệu thùng/ngày, không thay đổi so với dự báo trước đó.
Trong khi đó, Reuters ngày 13/11 thông tin, Bộ Năng lượng Mỹ có kế hoạch mua 1,2 triệu thùng dầu để bổ sung vào kho dự trữ dầu mỏ chiến lược sau khi bán số lượng lớn nhất từ trước đến nay từ kho dự trữ vào năm 2022. Việc này có thể khiến nhu cầu tăng.
Ngoài ra, theo dự báo từ Hiệp hội Ô tô Mỹ, nhu cầu di chuyển tăng cao trong kỳ nghỉ lễ Tạ ơn ở nước này có thể thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.
Về phía nguồn cung, Bộ Tài chính Mỹ vừa yêu cầu các công ty quản lý tàu trước thông tin về 100 tàu nghi ngờ vi phạm lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dầu của Nga. Điều đó có thể gây gián đoạn nguồn cung dầu từ nhà xuất khẩu dầu bằng đường biển lớn nhất thế giới và làm tăng áp lực thâm hụt nguồn cung trên thị trường.
Cùng với đó, cả Saudi Arabia và Nga tuần trước đã xác nhận sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1,3 triệu thùng/ngày đến cuối năm nay. Thông tin này cũng hỗ trợ giá dầu.
Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - vừa được công bố trong tuần trước đã làm dấy lên lo ngại về nhu cầu chững lại, làm hạn chế đà tăng của giá dầu. Các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đã yêu cầu nguồn cung cho tháng 12 thấp hơn từ Saudi Arabia, nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới.