Thời sự 24 giờ: Trả hồ sơ, điều tra bổ sung vụ bà Hàn Ni xúc phạm bà Nguyễn Phương Hằng
Xã hội - Ngày đăng : 06:00, 15/11/2023
Bộ GD-ĐT kiến nghị thi tốt nghiệp THPT 2025 với 2 môn bắt buộc
Tại cuộc họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì ngày 14/11, Bộ GD-ĐT kiến nghị kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 gồm hai môn bắt buộc là Toán, Văn cùng hai môn tự chọn.
Bộ GD-ĐT cho biết đã lấy ý kiến rộng rãi về ba phương án thi. Trong đó, phương án 1 là thí sinh thi hai môn bắt buộc Ngữ văn, Toán và hai môn tự chọn (trong các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Phương án 2 gồm ba môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và hai môn tự chọn. Phương án 3 là thi bốn môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và hai môn tự chọn.
Kết quả, đa số lựa chọn phương án hai hoặc ba môn bắt buộc.
Xem thêm: Đề xuất thi tốt nghiệp 2025 với 2 môn bắt buộc: Gọn nhẹ, phù hợp với thế giới
Xem thêm: Lời cảm ơn cho một mùa thi vừa qua
Lý do mà Bộ đưa ra là giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm chi phí cho gia đình các em và cả xã hội bởi so với kỳ thi hiện tại, số môn thi giảm hai, số buổi thi giảm một. Phương án này cũng không gây mất cân bằng giữa khối khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên. Tỷ lệ thí sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội của ba năm gần đây luôn khoảng 64-68%.
Với 9 môn lựa chọn, Bộ cho rằng học sinh đã được kiểm tra, đánh giá toàn diện, thể hiện điểm số trong học bạ. Việc được lựa chọn hai môn thi tạo điều kiện để thí sinh theo đuổi định hướng nghề nghiệp, năng lực và sở thích của bản thân.
Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ GD-ĐT có đề án toàn diện, bài bản, trong đó cụ thể về việc chuẩn bị ngân hàng đề thi, các phương án tổ chức thi.... Ngoài ra, Bộ cần lưu ý việc đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục khi xây dựng đề án về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Trả hồ sơ, điều tra bổ sung vụ bà Hàn Ni xúc phạm bà Nguyễn Phương Hằng
VKSND TP.HCM tiếp tục trả hồ sơ lần 2 vụ án bà Đặng Thị Hàn Ni (46 tuổi - luật sư, nhà báo), luật sư Trần Văn Sỹ (66 tuổi) bị tố xúc phạm bà Nguyễn Phương Hằng, để đề nghị điều tra làm rõ một số vấn đề.
Trước đó, 2 bị can này bị Công an TP.HCM đề nghị truy tố về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Theo nội dung vụ việc, bà Đặng Thị Hàn Ni đã sử dụng tài khoản Youtube cá nhân và Facebook cùng tên “Nhà báo Hàn Ni” có một số buổi ghi hình với nội dung đăng tải liên quan đến vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng.
Xem thêm: Bà Nguyễn Phương Hằng yêu cầu bà Hàn Ni và luật sư Trần Văn Sỹ bồi thường 500 tỷ
Xem thêm: Một năm khuấy đảo MXH tới ngày vướng lao lý của bà Nguyễn Phương Hằng
Cơ quan điều tra giám định nội dung clip có tiêu đề “bà Hằng có quyền ngồi xổm trên pháp luật không”, đăng tải ngày 3/9/2021 và xác định, bà Hàn Ni có 4 phát ngôn liên quan đến thông tin bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của bà Nguyễn Phương Hằng.
Xem thêm: Khi các tiến sỹ, luật sư phạm luật
Về lý do đề cập đến vợ chồng bà Phương Hằng, Công ty Đại Nam cũng như quỹ Hằng Hữu, bà Hàn Ni nói rằng, trước đó, bà Nguyễn Phương Hằng có nhiều buổi livestream xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bà.
Về những thông tin phát ngôn trong các clip, bà Hàn Ni khai, lấy từ các báo chính thống đã đăng tải, không có xác minh tính đúng sai cũng như không cần có sự chấp thuận của cơ quan báo chí.
Xem thêm: Vy Oanh nói gì về bản án của bà Nguyễn Phương Hằng?
Đối với luật sư Trần Văn Sỹ, CQĐT xác định ông Sỹ đã sử dụng kênh Youtube cá nhân “LS Trần Văn Sỹ” đăng tải những clip thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm bà Nguyễn Phương Hằng, ông Huỳnh Uy Dũng, xâm phạm đến lợi ích của Công ty CP Đại Nam.
Mức thu phí mỗi km cao tốc vàng đai 4 Hà Nội từ 1900 đồng – 7.220 đồng
UBND TP Hà Nội vừa đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải và hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên thống nhất mức giá và lộ trình tăng phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc cho dự án thành phần 3 theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đây là cơ sở để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án này, trong đó có phương án tài chính, hoàn vốn cho công trình.
Xem thêm: Phí cao tốc do Nhà nước đầu tư nên thấp hơn 30-40% trạm BOT
Xem thêm: Cao tốc còn thiếu tiện ích, thu phí có hợp lý?
Theo đề xuất, nhóm 1 (gồm xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn) có mức phí thấp nhất mỗi km là 1.900 đồng, cao nhất là nhóm 5 (xe tải từ 18 tấn trở lên, container 40 ft) 7.220 đồng. Như vậy, xe con lưu thông trên toàn bộ vành đai 4 dài 113 km, mức phí dự kiến khoảng 214.000 đồng, xe nhóm 5 khoảng 815.000 đồng.
Mức phí các loại phương tiện được tăng 3 năm một lần cho đến thời điểm dự án hoàn vốn. Đến năm 2054, khi gần kết thúc hoàn vốn, mức phí mỗi km cao tốc lên tới 5.400 đồng với xe nhóm 1 và 20.520 đồng với xe nhóm 5.
Xem thêm: Có nên thu phí tất cả đường cao tốc do Nhà nước đầu tư?
Theo UBND Hà Nội, khung giá sử dụng dịch vụ đường cao tốc vành đai 4 có tham chiếu các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông theo hình thức BOT giai đoạn 2017-2020 và các quy định hiện hành.
Lãnh đạo Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam nhận định đề xuất của Hà Nội cơ bản phù hợp tại thời điểm năm 2027 và lộ trình tăng giá từng thời kỳ của 3 dự án cao tốc Bắc Nam theo phương thức PPP là Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Xem thêm: Đề xuất thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư: Đừng để 'trăm dâu đổ đầu tằm'
Dự án thành phần 3 vành đai 4 Hà Nội gồm xây dựng đường cao tốc 113 km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Điểm đầu dự án tại điểm nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Tổng mức đầu tư 55.052 tỷ đồng. Dự án khởi động từ năm 2022, mục tiêu đưa vào khai thác từ 2027.
Thủ Đức tổng kiểm tra nồng độ cồn đến 31/12/2023
Sáng 14/11, Công an TP. Thủ Đức (TPHCM) tổ chức lễ ra quân tổng kiểm tra, kiểm soát người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường vi phạm nồng độ cồn và các chất kích thích khác.
Động thái này được đưa ra sau khi xảy ra vụ tài xế say xỉn lái ô tô gây tai nạn liên hoàn làm 1 người chết, 2 người bị thương trên đường Nguyễn Văn Tăng (phường Long Thạnh Mỹ, TP. Thủ Đức) vào chiều 12/11.
Xem thêm: Nhận diện nồng độ cồn khi ăn hoa quả, tránh bị phạt lúc tham gia giao thông
Xem thêm: Cấm tuyệt đối hay đặt ngưỡng để xử lý vi phạm nồng độ cồn?
Thượng tá Tân Xuân Tiên - Phó Trưởng Công an TP. Thủ Đức cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, Công an TP. Thủ Đức phối hợp với các Đội, Trạm thuộc Phòng CSGT Công an TPHCM tổ chức nhiều đợt ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó có vi phạm nồng độ cồn, chất kích thích.
Xem thêm: Đề nghị nghiên cứu ý kiến 'quy định phạt nồng độ cồn quá nghiêm khắc'
“Các chuyên đề ra quân xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đều được thực hiện rất quyết liệt và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng nhiều vụ tai nạn thương tâm vẫn xảy ra vì nhiều lý do khác nhau”, Thượng tá Tân Xuân Tiên cho hay. Đợt ra quân lần này kéo dài đến hết ngày 31/12/2023
Vì sao Trung Quốc ngưng nhập tôm hùm bông Việt Nam?
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (NAFIQPM – Bộ NN&PTNT) vừa có báo cáo gửi lãnh đạo Bộ về kết quả làm việc trực tuyến với Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật của Tổng cục Hải quan Trung Quốc liên quan đến việc xuất khẩu tôm hùm bông. Theo đó, xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc bị ách tắc không rõ nguyên nhân từ 8/2023 đến nay.
Xem thêm: 10 sự thật kỳ lạ về tôm hùm: thức ăn cho lợn, đi tiểu qua đầu, có 2 dạ dày,…
Sau khi trao đổi trực tuyến với Vụ giám sát kiểm dịch động thực vật của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, được biết Tháng 5 năm nay, Trung Quốc đã sửa đổi Luật Bảo vệ động vật hoang dã, trong đó cấm đánh bắt, sử dụng, kinh doanh, buôn bán đối với tôm hùm bông và các loài trong danh mục động vật hoang dã nguy cấp cần bảo vệ. Những thay đổi này đã được thông báo đến các hải quan địa phương để thực hiện quy định trên khiến xuất khẩu chậm lại.
Trong quy định mới này, với tôm hùm bông nuôi, Trung Quốc yêu cầu phải có chứng minh quá trình nuôi rõ ràng; không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên (con giống phải là thế́ hệ F2). Về thủ tục nhập khẩu tôm hùm bông nuôi vào Trung Quốc, nhà nhập khẩu các nước (gồm Việt Nam) phải xin cấp phép về Bảo vệ động vật hoang dã từ Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc).
Các cơ sở bao gói, nuôi tôm hùm bông xuất khẩu phải thực hiện đăng ký danh sách kèm theo thông tin cụ thể về cơ sở nuôi tôm hùm. Riêng thủ tục thông quan lô hàng và kiểm tra an toàn thực phẩm không thay đổi so với trước đây.
Sau khi nhận được danh sách đăng ký của phía Việt Nam, Trung Quốc sẽ tổ chức kiểm tra trực tuyến hoặc trực tiếp đối với cơ sở nuôi và công bố trên website của Tổng cục Hải quan nước này.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất của tôm hùm Việt Nam. Tính đến hết tháng 8, xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc đạt 76 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ 2022. Mỗi kg tôm hùm bông đang được các hộ nuôi bán với giá 1-1,3 triệu đồng, giảm một nửa so với cách đây hai tháng.