Kinh tế vỉa hè sẽ tác động 2 mặt đến hình ảnh của TPHCM
Nhịp sống - Ngày đăng : 23:00, 14/11/2023
Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM vừa báo cáo UBND thành phố về giải pháp quản lý và phát triển vỉa hè trên địa bàn. Cơ quan này đưa ra quan điểm, các hoạt động kinh tế diễn ra trên vỉa hè sẽ tác động 2 mặt đến hình ảnh của TPHCM và dần tạo thành "nhãn dán" của người dân, du khách, đối tác đầu tư tìm đến thành phố, hướng tới định vị thương hiệu thành phố mang tên Bác.
Do đó, các hoạt động kinh tế vỉa hè dù ở thời điểm nào và lý do gì cũng cần lưu ý đến lợi ích dài hạn, tránh hiện tượng tiêu cực, mất an ninh trật tự đô thị.
Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, lợi ích kinh tế khi sử dụng không gian vỉa hè cần thỏa mãn các nguyên tắc đồng bộ và tương thích với các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - được đồng thuận của nhóm chủ thể liên quan - mọi người tham gia hưởng lợi từ những giá trị công, bao gồm cả người đi đường vãng lai.
Cơ quan này dẫn lại, các quy định pháp luật đã thể hiện rõ việc vỉa hè, hè phố là một bộ phận của đường đô thị, có chức năng quan trọng nhất là phục vụ chủ yếu người đi bộ, sử dụng bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Các hoạt động khác như tuyên truyền, văn hóa, thể dục thể thao, lễ hội, kinh doanh, buôn bán và hoạt động dân sinh đều phải do cấp có thẩm quyền quyết định.
Do đó, việc phát triển kinh tế vỉa hè cần hài hòa lợi ích giữa các cơ quan có thẩm quyền, người kinh doanh. Cơ quan quản lý Nhà nước cần quy hoạch cụ thể tuyến đường được phép kinh doanh trên vỉa hè phù hợp thực tế, quy định chi tiết mức thu phí sử dụng vỉa hè đối với mỗi đối tượng, quy mô kinh doanh và khung thời gian.
Việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè cần ứng dụng công nghệ triệt để, giá thuê, việc sử dụng tiền cho thuê phải công khai, minh bạch.
Cơ quan này đưa ra kiến nghị, ngoài bổ sung, điều chỉnh các quy định của pháp luật, TPHCM cần quy hoạch, phân vùng các loại vỉa hè hiện hữu để làm cơ sở quyết định hình thức khai thác, sử dụng. Trong đó, cần quy định về khu vực cấm toàn phần hoạt động kinh doanh, dừng đỗ xe, chỉ dành cho người đi bộ và khu vực cho thuê để dừng đỗ xe, kinh doanh buôn bán lâu dài.
Bên cạnh đó, TPHCM cần nghiên cứu, xây dựng phát triển không gian vỉa hè gắn với địa điểm tham quan du lịch, tạo dựng các khu phố có hình ảnh đẹp, thương hiệu riêng, hấp dẫn, quảng bá thương hiệu thành phố.
Trong đó, địa phương có thể nghiên cứu kết hợp không gian cảng, không gian vỉa hè, các tuyến đi bộ tại Cảng Ba Son, Cảng Sài Gòn, Công viên Bến Bạch Đằng để tạo điểm thu hút khách tham quan, du lịch.
Về những hệ lụy tiêu cực, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, kinh tế vỉa hè, kinh doanh hàng rong nếu không quản lý tốt sẽ tự phát triển cả về quy mô lẫn địa điểm hoạt động. Từ đó, TPHCM trở thành nơi thu hút đông người dân nhập cư không có việc làm, gây áp lực gia tăng dân số, dễ dẫn đến quá tải và những hệ lụy khác về y tế, giáo dục, nhà ở, môi trường, giao thông, tệ nạn, mất an ninh trật tự.
Bên cạnh đó, kinh doanh hàng rong tiềm ẩn nhiều nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm, tác động xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Nhiều người kinh doanh hàng rong còn gây mất mỹ quan và an toàn giao thông với tình trạng bày biện xe, gánh hàng lấn chiếm vỉa hè, chèo kéo khách.