Xuất hiện mô hình lớp học thông minh chuyển đổi số tại Việt Nam
Cuộc sống số - Ngày đăng : 15:58, 14/11/2023
Chuyển đổi số giáo dục là một trong những chủ trương nhằm thay đổi phương pháp dạy và học truyền thống bằng việc ứng dụng nhiều hơn các công nghệ số.
Chính sách này đã phát huy hiệu quả rõ nét trong đại dịch Covid-19, khi các lớp họp online đã giúp việc học tập của học sinh không bị gián đoạn.
Sự xuất hiện và ra đời của các nền tảng học tập Make in Viet Nam theo hướng EduTech cũng đã và đang từng ngày làm thay đổi bộ mặt giáo dục Việt Nam.
Tiếp nối xu hướng này, mới đây, tại Việt Nam còn xuất hiện cả mô hình lớp học thông minh, giúp chuyển đổi số phương pháp dạy và học truyền thống.
Đây là một không gian lớp học được công nghệ hóa, ứng dụng các thiết bị thông minh để hỗ trợ quá trình học tập và giảng dạy.
Bộ giải pháp này bao gồm cả phần cứng là các thiết bị (tablet, máy tính, bảng tương tác thông minh,..) và phần mềm là bài giảng nội dung số đã có sẵn, theo khung của Bộ Giáo dục & Đào tạo, cùng với đó là một hệ thống quản lý chung.
Tại lớp học thông minh, mỗi học sinh sẽ có một thiết bị học tập là chiếc máy tính bảng, chứa các nội dung học tập được số hóa. Giáo viên có thể tương tác với học sinh thông qua máy tính hoặc một tấm bảng thông minh.
Theo đó, giáo viên có thể ra đề bài cho cả lớp thông qua bảng tương tác thông minh. Trên đó, có sẵn các hệ thống học liệu, với giáo trình và các bộ đề theo từng bộ môn, lớp học. Học sinh sẽ sử dụng máy tính bảng được phát trên lớp để hoàn thành bài tập.
Thông qua hệ thống do Nexta phát triển, câu trả lời của các em được đồng bộ lên bảng thông minh. Nhờ vậy, giáo viên sẽ ngay lập tức nắm bắt được tiến độ hoàn thành và chất lượng câu trả lời của cả lớp.
Người dạy cũng có thể chữa bài từ xa, hoặc chủ động chọn bài làm của một học sinh, trình chiếu lên bảng để chữa bài.
Trả lời câu hỏi của PVVietNamNet, ông Đinh Trung Đức, Phó Giám đốc điều hành Nesta cho biết, chi phí để đầu tư một lớp học thông minh gồm máy tính bảng cho học sinh, thiết bị giảng dạy cho giáo viên và bảng tương tác thông minh sẽ rơi vào khoảng từ 200 - 300 triệu đồng.
Mỗi lớp học sẽ phục vụ được cho khoảng 40 học sinh. Chi phí đầu tư cho các lớp học là trọn gói và có thể tăng giảm phụ thuộc vào số lượng học sinh.
Hiện Nexta đã triển khai mô hình lớp học thông minh tại khoảng 20 trường ở Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hải Phòng,... với khoảng hơn 20 lớp học.
“Trên thị trường hiện nay, chi phí đầu tư cho 1 lớp học thông minh thường phải mất từ 1 tỷ đến 1,2 tỷ đồng. Chi phí cho một mô hình lớp học thông minh Make in Viet Nam do Nexta triển khai chỉ bằng 1/3 so với các hãng nước ngoài", ông Đức chia sẻ.
Khi được hỏi về cách thức triển khai mô hình này, ông Đức cho hay, mỗi trường học có thể đầu tư một hoặc một vài phòng học thông minh.
Khi đến tiết học về chuyển đổi số hoặc làm quen với các công nghệ, nhà trường có thể bố trí việc giảng dạy tại lớp học này.
Thông qua các lớp học thông minh, ngoài việc được tương tác học tập theo một phương thức mới thú vị hơn, học sinh cũng có thể ganh đua với nhau bằng cách tham gia vào các cuộc thi trực tuyến trên nền tảng.
Đối với giáo viên, họ sẽ tiết kiệm thời gian trong việc soạn giáo án, chuẩn bị bài. Thay vào đó, giáo viên có thể tập trung dành thời gian cho việc xây dựng phương pháp giảng dạy tương tác một cách hiệu quả.
Do bài làm của học sinh được đồng bộ liên tục lên hệ thống, giáo viên sẽ biết bạn nào đang yếu ở đâu, từ đó có biện pháp hướng dẫn học sinh ôn luyện.
Trong cùng một tiết học, giáo viên cũng có thể xây dựng được lộ trình học cá nhân hóa, khác nhau đối với từng học sinh.
Khảo sát của Nexta tại Trường tiểu học Chu Văn An (Hà Nội) cho thấy, 97% các em học sinh hứng thú khi học tập tại lớp học thông minh.
Các em cũng sáng tạo hơn trong cách thức học tập, khối lượng luyện tập trong các lớp học thông minh được ghi nhận nhiều hơn gấp 3 lần so với lớp học thông thường.
Theo ông Đinh Trung Đức, các lớp học chuyển đổi số sẽ trở thành một xu hướng ở Việt Nam. Do vậy, trong tương lai gần, sẽ ngày càng có nhiều nhà trường nghiên cứu và ứng dụng mô hình này.
Tuy vậy, thách thức để triển khai các mô hình lớp học thông minh đến từ việc chưa có một định nghĩa cụ thể về thế nào là lớp học chuyển đổi số, để các nhà trường từ đó có định hướng đầu tư.
Ở một số thành phố lớn, mọi người đã biết đến mô hình này nhưng tại địa bàn các tỉnh, thông tin về lớp học chuyển đổi số còn hạn chế, dẫn tới việc hiểu không đúng, không đủ.
“Có những nơi cho rằng lớp học chuyển đổi số chỉ đơn giản là mua thêm những chiếc laptop, tablet bỏ vào trong các lớp học. Tuy nhiên, khi có các thiết bị này, nhiều giáo viên, học sinh hoang mang vì không biết phải ứng dụng cụ thể trong việc giảng dạy và học tập như thế nào. Đây là lý do cần đến những mô hình lớp học thông minh hoàn chỉnh”, ông Đinh Trung Đức nói.