Muốn cãi vã mà không "toang", 8 nguyên tắc này là điều các đôi vợ chồng nên nắm chắc

Gia đình - Ngày đăng : 09:22, 14/11/2023

Cãi vã là điều không thể thiếu nhưng cãi thế nào để hôn nhân vẫn ổn định là điều mà chúng ta nên học hỏi.

Cãi vã là một điều không thể tránh khỏi trong mối quan hệ hôn nhân. Trong cuộc sống lâu dài bên nhau, chẳng có gì đảm bảo được rằng hai bên sẽ luôn hòa thuận. Những vấn đề xảy đến và chỉ cần góc nhìn, cách giải quyết khác biệt là đã đủ mâu thuẫn xảy ra.

Có không ít cặp đôi chỉ vì cãi vã mà hôn nhân sứt mẻ, tình cảm nhạt nhòa. Bởi vậy, cãi vã là điều không thể thiếu nhưng cãi thế nào để hôn nhân vẫn ổn định là điều mà chúng ta nên học hỏi.

Jessica Griffin, giáo sư tâm thần học và nhi khoa tại Đại học Massachusetts và Pepper Schwartz, giáo sư xã hội học và nhà tình dục học tại Đại học Washington đã đăng tải nghiên cứu về vấn đề cãi vã trong hôn nhân.

Theo hai giáo sư này, nhiều người có quan niệm các cặp đôi hạnh phúc biểu hiện ở chỗ ít cãi nhau, điều này hoàn toàn sai lầm. Họ không ít cãi, chỉ là việc sử dụng lí lẽ của cả hai khi tranh luận về vấn đề nào đó khôn ngoan hơn mà thôi.

Họ cho hay: "Khi làm việc với những cặp đôi đang tranh cãi nhưng không đạt được kết quả nào, chúng tôi thường khuyên họ ngừng 'cuộc chiến' lại. Sau đó, họ có thể nhìn nhận lại vấn đề và phát triển một kế hoạch khác để giao tiếp tốt hơn, hiệu quả hơn xung quanh chuyện đang gặp phải".

Trong mối quan hệ, cũng cần có những quy tắc tranh cãi. Nó giúp cả hai biết cần phải có chừng mực như thế nào bởi đôi khi chỉ cần "lỡ lời" thì quan hệ cũng theo đó mà đi xuống, rất khó hàn gắn.

Dưới đây là những nguyên tắc tranh cãi mà hai giáo sư mách bạn nên đề nghị và đưa ra trong cuộc sống vợ chồng. Nó được gọi là "Quy tắc giao tiếp cho các cặp đôi thành công".

Muốn cãi vã mà không toang, 8 nguyên tắc này là điều các đôi vợ chồng nên nắm chắc-1

1. Thành thật nhưng không tàn nhẫn

Đôi khi bạn chưa hài lòng điều gì đó về bạn đời hoặc nắm trong tay điểm yếu của họ, bạn cũng đừng nên tuôn ra một cách tàn nhẫn khi cãi cọ. Hãy thoải mái, thành thật nói ra vấn đề nhưng cũng cần khéo léo tránh tình cảm sứt mẻ.

2. Không lạm dụng hoặc làm nhục đối phương

Nhiều người khi cáu kỉnh lên là sẽ không giữ được sự bình tĩnh. Nó thật sự ảnh hưởng lớn đến mối quan hệ hôn nhân. Có những câu nói mang đến nỗi đau cả đời cho bạn đời của bạn.

3. Biết rõ mục tiêu là giải quyết vấn đề để tiếp tục đồng hành

Cãi cọ là để cả hai thêm phần thấu hiểu nhau hơn chứ không phải mang đến nỗi đau lớn rồi đường ai nấy đi. Bạn nên nằm lòng nguyên tắc này bởi dù sao đi chăng nữa, có tranh cãi hay cãi vã cũng nên phục vụ mục tiêu đồng hành cùng nhau.

4. Không trốn khỏi cuộc tranh cãi nhưng có thể tạm nghỉ

Khi cả hai bên có cơn giận lên đến đỉnh điểm và có thể "nóng quá mất khôn", các bạn hãy đề nghị tạm dừng vài chục phút để suy nghĩ và bình tĩnh lại. Những lời nói khi tức tối đôi khi vượt quá tầm kiểm soát của bạn.

5. Cố gắng sử dụng câu nói "Tôi nghĩ" thay vì đổ lỗi cho đối phương

Nhiều người có tâm lý suy diễn vô cùng nặng nề. Đáng tiếc là họ lại áp đặt sự nặng nề đó với bạn đời của mình. Bởi vậy, khi cãi vã họ thoải mái tuôn về đối phương những từ ngữ nặng nề. Họ cho rằng đó là suy nghĩ của đối phương và thật tiếc, toàn bộ suy nghĩ đó lại toàn là tiêu cực. Bởi vậy, khi đưa ra vấn đề lúc tranh cãi, điều gì mà bạn nghĩ thì hãy sử dụng câu nói: "Tôi nghĩ" chứ đừng đổ lỗi cho đối phương. Các bạn đang cùng phân tích vấn đề chứ không ép buộc nó cho ai.

6. Hãy nghĩ đến nhu cầu hoặc mong muốn tích cực

Bạn nên trình bày điều này trong khi cả hai vợ chồng cãi cọ. Ví dụ bạn nói rằng mình nhắc đến vấn đề chỉ vì muốn thấu hiểu và gần gũi bạn đời hơn. Mục đích của tranh cãi cũng thế. Bạn hoàn toàn không phải là một kẻ gây rối hay có nhu cầu làm tổn thương bạn đời của mình.

7. Hiểu rõ đối phương cũng đều mong muốn điều giống nhau: Kết nối và cải thiện mối quan hệ
Đừng nghĩ xấu về ai trong cuộc cãi vã. Bạn nên có suy nghĩ rằng đối phương cũng đang rất tích cực và mong muốn cải thiện mối quan hệ hôn nhân.

8. Giữ vững lập trường: "Chính bạn và tôi chống lại vấn đề, không phải bạn chống lại tôi"

Đừng biến vợ chồng trở thành kẻ thù, cả hai chỉ đang thảo luận và trao đổi về vấn đề xảy đến trong cuộc hôn nhân thôi. Nếu nghĩ rằng đối phương chống lại bạn, một cuộc công kích cá nhân rất dễ xảy ra.

Griffin và Schwartz lưu ý rằng điều quan trọng đối với cả bạn và đối phương là phải thực hành các quy tắc giao tiếp "khéo léo nhưng trung thực". Điều này giúp cả hai tìm ra gốc rễ của xung đột mà không làm ảnh hưởng đến tình cảm.

Hai giáo sư cũng kết luận rằng khi cãi cọ, hãy để đối phương được bày tỏ đủ ý kiến của mình. Sau đó bạn có thể đặt những câu hỏi có chủ đích về những ý kiến đó thay vì khăng khăn giữ vững lập trường, trốn chạy không muốn lắng nghe. Những ý kiến có qua có lại mới là cách để tình cảm cả hai không bị sứt mẻ mà vợ chồng sẽ ngày càng gần gũi, bền chặt hơn.

Nguồn: CNBC

Theo Phụ Nữ Mới