TP HCM: Chậm di dời nhà ven kênh vì quá nhiều khó khăn
Xã hội - Ngày đăng : 22:12, 13/11/2023
Ngày 13-11, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM tổ chức hội thảo khoa học "Vấn đề nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn TP HCM".
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, chủ trì hội thảo.
TS Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho hay qua 5 năm triển khai trong giai đoạn 2016-2020, kết quả thực hiện công tác giải tỏa, di dời các hộ dân sống trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị còn khá khiêm tốn. Cụ thể, chỉ bồi thường và di dời được 2.479 căn trên tổng số 20.000 căn theo kế hoạch, đạt tỷ lệ 12,4% so với chỉ tiêu, chủ yếu tập trung ở các dự án sử dụng vốn ngân sách.
Theo TS Dư Phước Tân, TP HCM được Quốc hội ban hành Nghị quyết 98, trong đó có một số điều khoản có thể vận dụng tạo nguồn kinh phí đầu tư dự án giải tỏa di dời nhà ven kênh rạch trên địa bàn thành phố. Điều nay sẽ mở ra cơ hội để huy động nguồn lực đầu tư tiếp nối cho chương trình quan trọng về giải tỏa, di dời, tái định cư, ổn định cuộc sống cho những hộ dân sinh sống trên và ven kênh rạch.
TS Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng TP HCM đặt mục tiêu di dời nhà trên và ven kênh rạch ở giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025 đều cao so với nguồn lực.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP HCM, nhấn mạnh vấn đề đầu tiên đối với công tác di dời nhà trên và ven kênh rạch là tiền đâu? Theo ông, khi phân tích một số dự án thời gian qua thì có thể nhận thấy nguồn vốn trong tầm tay là 30%, vốn trong tầm nhìn là 30% và còn lại là nguồn vốn "ngoài đường chân trời". Từ đó cho thấy sự hạn chế nguồn lực tài chính ảnh hưởng lớn kết quả di dời nhà ven kênh.
Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, thành phố đặt ra chỉ tiêu cao nhưng thực tế công tác triển khai gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020 là 20.000 căn, giai đoạn 2021-2025 di dời 6.500 căn cũng là con số thể hiện sự tham vọng và sẽ còn nhiều thách thức phải giải quyết.
"Chúng ta phải tạo lực hút để người dân di dời mạnh hơn. Phải đảm bảo nguyên tắc nơi ở mới ít nhất là bằng nơi ở cũ thì họ mới đồng ý" – TS Nguyễn Hữu Nguyên nói.
Phó Chủ tịch UBND quận 7 Lê Văn Thành cho rằng thực tế có quá nhiều khó khăn khi di dời nhà ven và trên kênh rạch.
Ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 7, cho biết công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn như: người dân không đủ điều kiện nhà ở hoặc nền tái định cư nhà nhỏ, nhân khẩu đông; nhà qua nhiều thời kỳ nhưng người đang ở là cháu và không có giấy tờ, khi giải quyết tái định cư cũng không biết cấp cho ai.
"Tất cả người dân nghĩ đền bù theo giá thị trường, mặc dù họ mua giấy tờ qua các thời kỳ. Phải nói là thực tế rất khó khăn" – ông Lê Văn Thành nói.
- Tạo xung lực cho các dự án lớn (*): Tăng khả năng huy động nguồn lực xã hội
Phó Chủ tịch UBND quận 7 cho rằng cần rà soát lại tính năng giao thông thủy của một số kênh, rạch để xem xét có thể điều chỉnh, mở rộng chỉ giới xây dựng, tạo thêm quỹ đất bố trí tái định cư tại chỗ cho người dân. Dùng quỹ đất tại chỗ để tái tạo nền kinh tế, bù lại cho hộ nghèo bị giải tỏa, di dời mà không đủ điều kiện tái định cư.
Ông Bùi Đức Long, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 4.
Ông Bùi Đức Long, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 4 cũng nhấn mạnh khó khăn lớn nhất đối với các dự án di dời nhà ven kênh là nguồn lực tài chính và công tác tái định cư. Từ đó, ông cho rằng cần nghiên cứu có cơ chế tái định cư không tính tiền sử dụng đất như nhà ở xã hội để thuận lợi hơn trong công tác tái định cư.
Theo quyết định năm 2021 của UBND TP HCM về kế hoạch tổ chức thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn, giai đoạn 2021 - 2025, thành phố đặt ra chỉ tiêu bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch. Tính đến hết quý II/2023, TP HCM đã bồi thường, di dời được 657/6.500 căn. Dự kiến, đến hết năm 2025, TP HCM sẽ hoàn tất bồi thường, di dời thêm 2.574 căn. Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ bồi thường, di dời được 3.231/6.500 căn, đạt tỉ lệ gần 50%.