Cảnh xót xa ở di tích quốc gia đền thờ Nguyễn Tri Phương

Dòng chảy - Ngày đăng : 07:00, 14/11/2022

Nơi đây, những vật dụng thờ cúng bằng đồng, những cổ vật trưng bày đã hoàn toàn biến mất. Trên nóc chánh điện của đền thờ, lưỡng long tranh châu cũng đã không còn.

Đường vào khu di tích đền thờ Nguyễn Tri Phương, hẻm số 522 đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa, Đồng Nai.

Lịch sử hình thành khu di tích

Khu di tích chúng tôi muốn nói đến là đền thờ danh tướng Nguyễn Tri Phương tại phường Bửu Hòa, Thành phố Biên Hòa (Đồng Nai). Nguyên thủy nơi đây là miếu thờ thành hoàng do người dân làng Mỹ Khánh (thuộc dinh Trấn Biên cũ) lập nên.

Đầu thế kỷ 19, do sự phát triển của địa phương, ngôi miếu được sửa sang nâng cấp để trở thành đình Mỹ Khánh. Năm 1873, để bày tỏ lòng ngưỡng mộ danh tướng Nguyễn Tri Phương bỏ mình sau khi đã chiến đấu ngoan cường với giặc Pháp, bà con Mỹ Khánh tạc tượng ông đưa vào thờ như vị phúc thần của làng. Từ đó, đình có thêm tên gọi là đền thờ Nguyễn Tri Phương.

Đền thờ Nguyễn Tri Phương đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1992.

Trên diện tích rộng 3000m2, đền được xây dựng theo hình chữ “công” với tiền đình, chánh điện và nhà khách. Cả ba đều lợp mái bằng ngói hình vảy cá. Trên đỉnh chánh điện có lưỡng long tranh châu và cặp phụng hoàng bằng gốm men xanh.

Đền thờ Nguyễn Tri Phương.

Ngoài sân, tấm bia đá ghi lại công trạng của Nguyễn Tri Phương được dòng tộc của ông khắc ghi dựng lên vào những năm đầu của thập niên 1990. Ngoài ra, khu di tích còn có bàn thờ thần nông, đài chiến sĩ và một nhà thờ trong đó có tượng Nguyễn Tri Phương, hai con hạc và một bát nhang thật lớn.  

Bên trong chánh điện, nhiều bức hoành phi, liễn đối sơn son thếp vàng đồ bát bửu, giá binh khí, áo mão có từ hàng trăm năm được trưng bày làm tăng vẻ trang nghiêm trong chánh điện ...

Một bộ áo mão được cho là do vua ban cùng bộ bát bửu bằng đồng đặt thẳng hàng hai bên hàng cột chính. Trên điện thờ, tượng Nguyễn Tri Phương được tạc bằng gỗ mít theo tương truyền do một bô lão trong làng khéo léo tạo nên.

Bên trong đền thờ.

Chúng tôi đến thăm đền vào dịp Tết. Mặc dù đền thờ Nguyễn Tri Phương đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1992 nhưng vào những ngày đầu năm mới cánh cổng đền vẫn khóa chặt. Phải khó khăn lắm mới có một cụ già mở khóa cho chúng tôi vào.

Ông là Phạm Văn Hê còn có tên là Năm Gạo, 82 tuổi Phó Ban quý tế của đền thờ. Dường như đoán được thắc mắc của chúng tôi, ông bày tỏ: “Có còn gì nữa đâu mà xem. Mất hết rồi. Từ nhiều năm nay, bọn trộm vào đây lấy hết đồ thờ, bất cứ thứ gì bán được chúng đều lấy. Hiện nay, những đồ thờ như lư hương đã được thay thế bằng loại lư nhựa bán ngoài thị trường bởi lư đồng đã không còn”.

Trộm không chừa một thứ gì

Ông đưa chúng tôi vào đền thờ. Trước khi vào, ở gần cửa, thấy một đống cát ngổn ngang những mảnh sành, ông nói: "Lưỡng long tranh châu trên nóc mà nó vẫn lấy. Bê đi không được chúng đập bỏ lại đó…".

Khung gỗ bị mục được bó lại bằng những thanh sắt.

Bước vào trong, ông chỉ lên trên mái, nhiều mảng ngói đã không còn được thay tạm bằng những tấm kính. Sườn nhà bằng gỗ cũng đã mục nát nhiều chỗ. Máng xối đã được thay thế bằng những tấm tôn. Bên dưới, đền hoàn toàn trống. Một vài chiếc bàn chơ vơ. Trên bục thờ, hương tàn khói lạnh…

Mái ngói bị vỡ phải lắp tạm bằng kính.

Đưa chúng tôi vào chánh điện, ông Năm Gạo chỉ những lư hương bằng nhựa rồi nói: “Trước đây, các lư hương bằng sứ Bát Tràng đã bị mất trộm. Không riêng gì lư hương, các chậu hoa bằng sứ cũng bị lấy mất nên phải thay thế bằng đồ nhựa bán ngoài thị trường…”.

Một chút ánh nắng lọt vào, chúng tôi nhìn lên mái. Nhiều miếng ngói đã bị vỡ lộ ra khoảng trống. Nắng đã vào thì mưa cũng sẽ đến. Những vật thờ cúng rồi sẽ ra sao?

Chánh điện

Chánh điện Lưỡng long tranh châu trên nóc bị lấy xuống và đập bể.

Chợt nhìn đến giá binh khí chỉ còn là những chiếc cán gỗ. Ông Năm Gạo cho biết, những chiếc lưỡi binh khí bằng đồng cũng đã bị trộm mất. Nghĩa là trong đền thờ, ở chánh điện hay bất cứ nơi đâu trong di tích, vật gì có thể bán được đều đã bị trộm lấy đi.

Ông tiếp tục hướng dẫn chúng tôi ra sân. Một hàng trụ, mỗi trụ gồm 12 ngọn đèn cũng đã bị lấy mất. Trên sân chỉ còn trơ gốc trụ. Ông chỉ ra phía hàng rào sát bờ sông, một khoảng sắt cũng đã không còn.

Phải đợi đến hết Tết, sáng ngày 8/2, chúng tôi đến Bảo tàng Đồng Nai để tìm hiểu thêm vụ việc. Sau hơn 2 giờ chờ đợi chúng tôi mới được phòng Hành chính cho biết, theo Quyết định số 39/2018/QD-UBND, đi tích đền thờ Nguyễn Tri Phương đã được giao về cho UBND Thành phố Biên Hòa.

Tại UBND Thành phố Biên Hòa chúng tôi được nhân viên Minh Đức yêu cầu chờ vì UB bận họp đầu năm. Sau hơn 1 giờ vẫn không có tín hiệu gì, chúng tôi được anh cho biết, "Cuộc họp không biết bao giờ xong. Thôi anh về và gởi câu hỏi chúng tôi sẽ chuyển đến giới chức có thẩm quyền trả lời".

Ông Năm Gạo chỉ cho chúng tôi xem một lư hương bằng nhựa bán ngoài thị trường được mua về để thay thế lư đồng bị mất cắp.

Mái chánh điện cũng bị bể ngói

Anh cho chúng tôi số điện thoại và địa chỉ email để tiện liên lạc. Những câu hỏi được gửi ngay hôm sau. Xác minh qua điện thoại, anh Dức thừa nhận đã nhận được mail. Anh cũng đã in và chuyển đến người phụ trách.

Giá binh khí chỉ còn trơ cán gỗ.

Hàng trụ đèn 12 ngọn bị tháo mất chỉ còn trơ gốc.

Đã qua một tuần chờ đợi, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi của UBND thành phố Biên Hòa.

Di tích đền thờ Nguyễn Tri Phương vẫn chìm trong hiu hắt …

Nguyễn Tri Phương là một danh tướng dưới thời nhà Nguyễn qua 3 triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Dưới thời Tự Đức, ông từng là vị Tổng chỉ huy quân đội chống lại quân Pháp xâm lược ở các mặt trận Đà Nẵng, Gia Định và Hà Nội. Thành Hà Nội thất thủ, ông bị quân Pháp bắt giữ. Ông đã cự tuyệt lời chiêu dụ đầu hàng của giặc Pháp đồng thời không chấp nhận cứu chữa và tuyệt thực tới chết.

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng trên VietNamNet ngày 16/02/2022

https://vietnamnet.vn/canh-xot-xa-o-di-tich-quoc-gia-den-tho-nguyen-tri-phuong-815971.html

Trần Chánh Nghĩa