Cái chết nhiều uẩn khúc của tỷ phú giàu thứ 3 thế giới khi rơi khỏi máy bay
Tin thế giới - Ngày đăng : 22:21, 12/11/2023
Cái chết của tỷ phú Alfred Loewenstein đến nay vẫn là một trong những bí ẩn của lịch sử. Nhà tài phiệt người Bỉ vốn là người giàu thứ 3 thế giới thời điểm đó, được coi là biểu tượng giàu có của "Thời vàng son" (Gilded Age).
Tuy nhiên, 1 năm trước khi diễn ra sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929 dẫn tới cuộc đại suy thoái toàn cầu, ông đã ra đi sau vụ tai nạn khó lý giải.
Sinh ra ở vạch đích, "giàu sụ" nhờ biết chớp thời cơ
Sinh ngày 11/3/1877, Alfred Léonard Loewenstein xuất thân trong gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu làm chủ ngân hàng tư nhân. Từ nhỏ, ông đã được cha mình là Bernard - một nhà tài chính người Đức gốc Do Thái - dạy dỗ cẩn thận.
Khi trưởng thành, ông thành lập một công ty thủy điện có trụ sở ở Bỉ với tên gọi Société Internationale d'Énergie Hydro-Électrique. Công ty này có mối liên hệ mật thiết với giới ngân hàng, hướng tới mục tiêu vào các quốc gia đang phát triển trên toàn cầu.
Bằng cách cung cấp cơ sở hạ tầng về điện cho các nước, Loewenstein kiếm được rất nhiều tiền. Ông cũng rất nhanh nhạy đầu tư vào nhiều mặt hàng "béo bở" như lụa tổng hợp trước khi chúng tăng giá chóng mặt.
Bên cạnh đó, với niềm đam mê hàng không và từng tự thực hiện hàng trăm chuyến bay, Loewenstein còn được mệnh danh là "nhà tài chính bay" của Bỉ.
Khi Thế chiến thứ nhất nổ ra, Loewenstein đã trở thành một trong những người đàn ông quyền lực nhất châu Âu.
Điều này được thể hiện rõ khi chính phủ Bỉ lưu vong với tư cách là quốc gia trung lập sau cuộc xâm lược của Đức, Loewenstein đã đề nghị cho chính phủ vay 50 triệu USD không tính lãi để mua tất cả khoản nợ của đất nước.
Khi lời đề nghị này bị từ chối, ông đã chuyển sang Anh, mở một công ty đầu tư vào năm 1926. Chỉ riêng khoản đầu tư trong thập niên 1920 đã mang về cho ông khoản lợi nhuận lên tới hơn 1 triệu USD.
Kể từ đó, ông trở thành một trong những nhân vật tiếng tăm, thậm chí được các nguyên thủ quốc gia mời tham vấn.
Loewenstein còn kiểm soát các đồn điền cao su ở Congo, sở hữu nhiều cơ sở sản xuất than tại Đức và trở thành cổ đông chính trong hệ thống đường sắt của Bỉ.
Tuy nhiên, cuộc sống riêng của ông không được biết tới nhiều. Loewenstein được mệnh danh là "người đàn ông bí ẩn của châu Âu" hay "ông già Noel của Bỉ".
Ông dành nhiều thời gian cho sở thích sưu tập ngựa. Đàn ngựa thuần chủng của ông từng giành chiến thắng ở những cuộc đua lớn như Grande Steeple-Chase de Paris năm 1926 và 1928.
Trước khi qua đời đột ngột, ông từng đưa ra nhận định: "Tôi thích nguồn năng lượng và tính hiệu quả của các doanh nhân Mỹ. Đó là lý do tôi muốn giao dịch với họ".
Cái chết bí ẩn trong vụ tai nạn "vô cùng kỳ lạ"
Chuyến bay định mệnh của Loewenstein diễn ra đúng vào dịp quốc khánh Mỹ - ngày 4/7/1928. Đó là chuyến đi khởi hành từ London (Anh), dự kiến tới Brussels (Bỉ).
Chuyến đi tưởng chừng bình thường như hàng trăm lần khác ông từng thực hiện với đoàn tùy tùng của mình. Trên chuyên cơ riêng của ông còn có viên phi công Donald Drew, thợ máy Robert Little, người phục vụ Fred Baxter, thư ký Arthur Hodgson, hai nhà viết mã Eileen Clarke và Paula Bidalon.
Chiếc Fokker Trimotor cất cánh vào khoảng 18h. Khi máy bay đang bay qua eo biển Manche ở độ cao khoảng 1.200m thì Loewenstein muốn đi vệ sinh. Ông rời ghế đi vào khoang vệ sinh nhỏ nằm ở phía sau cabin và biến mất từ thời điểm đó mà không ai trên máy bay hay biết cho tới khi họ nhận ra tiếng cánh cửa bị gió đập mạnh từ phía sau.
Ngay lập tức, viên phi công Drew cho máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống một bãi biển gần Dunkirk. Đây là lãnh thổ nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội Pháp. Tất cả 6 người trên máy bay đều bị chính quyền bắt giữ và thẩm vấn.
Bộ Hàng không Anh đã tiến hành kiểm tra chiếc máy bay Fokker Trimotor vào ngày 12/7 và đưa ra kết luận nó không thể bị mở một cách tình cờ. Những thử nghiệm đưa ra đều kết luận, việc vô tình mở cửa máy bay ở độ cao trên 300m cũng rất khó khăn chứ chưa nói tới độ cao 1.200m nếu không có trợ lực rất mạnh.
Một tuần sau đó, ngày 19/7, thi thể của ông Loewenstein được tàu đánh cá gần bờ biển Pháp tìm thấy gần Boulogne.
Cuộc điều tra chính thức diễn ra nhưng không đưa thêm được các tình tiết mới. Theo lời khai của phi công Drew và thợ máy Robert, cửa thoát hiểm rất dễ mở. Phải chăng ông Alfred Léonard Loewenstein đã đi nhầm cửa?
Dù một lượng cồn nhỏ được tìm thấy trong máu của tỷ phú người Bỉ nhưng điều đó rất khó xảy ra vì hai cánh cửa dễ phân biệt. Cửa thoát hiểm có chữ "exit" và gắn chốt lò xo được điều khiển bên trong, về lý thuyết phải có hai người đàn ông mới mở được.
Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy cơ thể nhà tài phiệt không có dấu hiệu bị tác động từ bên ngoài ngoại trừ hộp sọ và phần xương gãy được cho là do va chạm.
Cơ quan điều tra kết luận, cái chết là do tai nạn. Tuy nhiên, vẫn có giả thuyết cho rằng, ông bị giết theo lệnh của những người thừa kế, hoặc cố ý tự sát trước khi đế chế của mình sụp đổ hoàn toàn.
"Ngay cả khi bị mất vài chục triệu franc, điều đó cũng không thể khiến ông ấy cố ý nhảy từ máy bay xuống", một người bạn của Loewenstein đưa ra nhận định.
Lạ lùng hơn, chỉ vài năm sau, con trai ông là Robert cũng bị một trong những người hầu của mình bắn vì lý do bí ẩn. Người này cũng chết trong vụ tai nạn máy bay vào năm 1941.
Mặc dù đến nay chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ Alfred Loewenstein bị "chơi xấu". Nhưng chắc chắn, cái chết "từ trên trời rơi xuống" của nhà tài phiệt người Bỉ khiến đối thủ của ông được hưởng lợi rất nhiều.
Năm 1987, tác giả William Norris đã lật lại vụ án, trình bày các quan điểm của mình trong một cuốn sách mang tựa "Man who feel from the sky" (Tạm dịch: Người đàn ông rơi xuống từ bầu trời).
Trong đó, Norris phát hiện ra đối tác kinh doanh của Loewenstein gồm Albert Pam và Frederick Szarvasy, là những người hưởng lợi rất nhiều sau cái chết của ông.
Cụ thể, giá cổ phiếu công ty của họ (International Holdings) đã tăng vọt trên thị trường. Khoản lợi nhuận khổng lồ 13 triệu USD không rõ từ đâu ra. Số tiền này phù hợp với một số hợp đồng bảo hiểm ẩn danh được thực hiện trước khi Alfred Loewenstein qua đời.
Thậm chí, tác giả này còn đưa ra giả thuyết về việc các đối tác kinh doanh đã thuê người ám sát Loewenstein. Đó là viên phi công Donald Drew và thợ máy Robert Little. Hai người này đều đưa ra lời khai về việc cửa thoát hiểm có thể mở ra dễ dàng.
Mặc dù vậy, đó vẫn chỉ là giả thuyết. Tới nay, cú rơi khỏi máy bay của nhà tài phiệt giàu thứ 3 thế giới vẫn còn là bí ẩn.