Điểm tin kinh doanh 13/11: Dự báo giá xăng dầu sẽ đồng loạt giảm vào hôm nay
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 13/11/2023
- Dự báo giá xăng dầu sẽ đồng loạt giảm vào hôm nay
Trong kỳ điều hành giá xăng dầu vào hôm nay, giá xăng dầu trong nước được dự báo sẽ đồng loạt giảm mạnh, trong đó có loại giảm cao nhất lên tới 700 đồng/lít.
Theo thông lệ, ngày 11/11 đến kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước nhưng do trùng ngày nghỉ cuối tuần nên sẽ lùi xuống 13/11, ngày làm việc đầu tiên của tuần mới.
Dự báo về giá xăng dầu bán lẻ trong nước tại kỳ điều hành này, nhiều ý kiến cho rằng, nếu cơ quan điều hành không tác động đến quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá các sản phẩm xăng dầu trong nước có thể giảm đồng loạt. Trong đó, giá xăng sẽ giảm từ 160-400 đồng/lít, tùy loại. Còn giá dầu bán lẻ trong nước vào ngày mai có khả năng giảm từ 450-700 đồng/lít.
Trong trường hợp liên bộ Công thương – Tài chính trích Quỹ bình ổn giá thì giá xăng có thể giữ nguyên.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 31 lần điều chỉnh, trong đó có 18 lần tăng, 9 lần giảm và 4 lần giữ nguyên.
Cơ sở để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dự báo về đà giảm của giá xăng dầu trong nước trong kỳ điều hành sắp tới là do giá xăng dầu thế giới biến động theo đà giảm. Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu đã trải qua 3 tuần giảm liên tiếp. Tuần này, giá xăng dầu ghi nhận mức giảm 4%, thấp hơn so với mức giảm 6% của tuần trước.
Giá xăng dầu hôm 12/11 trên thế giới tại thời điểm 6h35 phút (giờ Việt Nam): Giá dầu thô WTI giảm về mức 75,476 USD/thùng, tương đương 2,45%, giá dầu Brent giảm về 79,809 USD/thùng, tương đương giảm 2,21% so với phiên giao dịch trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, giá dầu thô WTI đã giảm 10,32%, giá dầu Brent giảm 12,52%.
Trong tuần này, giá xăng dầu trên thế giới liên tục giao dịch ở mức thấp khi chỉ quanh mức 75 USD/thùng với dầu thô và chưa đến 80 USD/thùng với dầu Brent.
Giá dầu thô WTI tương lai giảm hơn 4% xuống dưới 76 USD/thùng, nguyên nhân là do lo ngại về nhu cầu toàn cầu đã lấn át tác động của việc cắt giảm nguồn cung. Triển vọng nhu cầu nhiên liệu bị che mờ bởi những lo ngại sau báo cáo của Trung Quốc về xuất khẩu giảm tồi tệ hơn dự kiến trong tháng 11.
Về phía nguồn cung, các nhà sản xuất dầu thô hàng đầu Ả Rập Saudi và Nga đã tái khẳng định cam kết cắt giảm nguồn cung dầu tự nguyện bổ sung cho đến cuối năm nay.
Đối với dầu thô Mỹ là mặt hàng được giao dịch nhiều nhất trên thế giới. Giá Dầu thô hiển thị trong Kinh tế Thương mại dựa trên các công cụ tài chính không cần kê đơn (OTC) và hợp đồng chênh lệch (CFD).
- Chuyên gia nói ngành thiết kế chip Trung Quốc năm 2023 đối mặt với thua lỗ hàng loạt
Chuyên gia hàng đầu nói ngành thiết kế chip Trung Quốc đang đối mặt với thua lỗ hàng loạt năm nay trong bối cảnh cạnh tranh quá mức và làn sóng đổ xô vào lĩnh vực này do Bắc Kinh tập trung vào khả năng tự cung cấp nhiều hơn.
Wei Shaojun, Chủ tịch thiết kế mạch tích hợp (IC) tại Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc (CSIA), phát biểu tại một diễn đàn ở Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, rằng phần lớn ngành công nghiệp vi mạch sẽ chìm trong sắc đỏ trong năm nay vì sự “theo đuổi mù quáng” thành công trong một môi trường “cực kỳ khó khăn”.
Theo Wei Shaojun, dù lĩnh vực thiết kế vi mạch của Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 8% trong bối cảnh đầy thách thức, ám chỉ các lệnh trừng phạt thương mại cứng rắn hơn từ Mỹ, nhưng phần lớn các công ty thiết kế chip đều không ở tình trạng tốt.
Ông nói các công ty Trung Quốc nên cẩn thận với những nỗ lực nhằm đạt được khả năng tự cung tự cấp lớn hơn trong lĩnh vực chip để tránh thay thế các sản phẩm nước ngoài bằng các sản phẩm “cấp thấp” trong nước. Wei Shaojun cho biết vẫn còn nhiều thách thức khác nhau để đạt được những đột phá trong lĩnh vực chip cao cấp.
- 4 mã cổ phiếu nào được hưởng lợi nhất từ việc tăng giá bán lẻ điện?
4 mã cổ phiếu thuộc nhóm nhiệt điện và 2 mã cổ phiếu thuộc nhóm xây lắp điện sẽ được hưởng lợi nhiều từ việc tăng giá bán lẻ điện.
Theo các chuyên gia của CTCP Chứng khoán MB (MBS), việc tăng giá bán lẻ điện sẽ làm giảm đi những áp lực tài chính cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đồng thời cũng tác động tích cực lên chuỗi giá trị ngành điện. Theo đó, nhóm nhiệt điện bao gồm các mã chứng khoán như: Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (mã chứng khoán POW), CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã chứng khoán NT2), CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (mã chứng khoán HND), CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (mã QTP) sẽ hưởng lợi lớn nhất; tiếp đến là các mã cổ phiếu thuộc nhóm xây lắp như: CTCP Tập đoàn PC1 (mã PC1), CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (mã chứng khoán TV2.
Cụ thể, việc tăng giá điện lần này sẽ giúp EVN có thêm khoảng 26.000 tỷ doanh thu cho năm 2024, qua đó hỗ trợ cải thiện khả năng thanh toán cho EVN cũng như dòng tiền kinh doanh và hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp nhiệt điện này. Ngoài ra, việc EVN tăng giá điện cũng phần nào tạo dư địa lớn hơn để huy động từ các nguồn điện giá cao như than, khí, hỗ trở triển vọng sản lượng của các nhà máy này phục hồi trong thời gian tới.
- Nhu cầu vàng châu Á tăng mạnh bất chấp giá cao vì chiến sự Gaza
“Cơn khát” vàng huyền thoại của châu Á vẫn giữ nguyên trong thời điểm chuẩn bị cho cao điểm mùa lễ hội và mùa cưới, bất chấp giá cả tăng vọt do xung đột Israel-Hamas.
Từ lâu, vàng được coi là tài sản trú ẩn có giá trị. Ngày 27/10, giá vàng đã đạt mốc cao nhất trong 5 tháng với 2.000 USD/ounce, gần với mức cao nhất mọi thời đại. Giá vàng kể từ đó đã giảm xuống còn 1.950 USD.
Ông Bachhraj Bamalwa, chủ sở hữu cửa hàng vàng Nemiahand Bamalwa tại Kolkata (Ấn Độ) nhận định: “Tâm lý mua vào đang tăng bởi giá đã giảm một chút. Mọi người không chắc chắn khi nào giá có thể tăng trở lại bởi xung đột. Nhiều người tổ chức đám cưới từ tháng 11 đến tháng 1. Đối với họ, mua vàng là bắt buộc ”. Tại Ấn Độ, vàng không chỉ coi là tài sản tiết kiệm cho các cặp đôi mà còn tượng trưng cho may mắn.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết các nhà kinh doanh đồ trang sức lớn đã tích trữ hàng từ trước lễ hội và đang chờ xem liệu xung đột Israel-Hamas có leo thang ở Trung Đông hay không.
Giám đốc của Shiv Sahai and Sons, một trong những đại lý vàng miếng lớn của Ấn Độ, ông Ganesh Agarwal nhận định: “Nếu tình hình ổn định thì giá có thể giảm khoảng 100 USD/ounce trong vài tuần tới. Nhưng từ tháng 1 đến tháng 2, chúng tôi cho rằng giá có thể tăng lên tới 2.200 USD/ounce”.
Nhu cầu vàng tại Ấn Độ chủ yếu xoay quanh trang sức, không đơn thuần vì đầu tư. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nhà đầu tư tái cơ cấu hạng mục của họ bằng vàng.
Hoạt động mua vàng ở các nước châu Á khác cũng rất mạnh mẽ. Người phát ngôn của tập đoàn trang sức Chow Tai Fook (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết: “Gần đây, chúng tôi nhận thấy sự gia tăng trong hoạt động mua vàng ở Hong Kong, điều này có thể một phần bắt nguồn từ Lễ hội mùa Xuân sắp tới, theo truyền thống là mùa cao điểm để mua đồ trang sức bằng vàng. Khách hàng mua các sản phẩm như trang sức và tiền vàng để gửi lời chúc tốt đẹp đến những người thân yêu của họ”.
Tết Nguyên đán rơi vào ngày 10/2 năm sau, ghi dấu sự khởi đầu của kỳ nghỉ lễ lớn nhất ở Trung Quốc. Người phát ngôn của Chow Tai Fook cho biết việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến COVID-19 và số lượng đám cưới tăng lên đã đẩy mạnh nhu cầu về trang sức.
Vàng có khả năng tăng cao hơn nữa khi các quốc gia phương Tây dự kiến sẽ bơm thêm tiền mặt và giảm lãi suất ngân hàng vào năm tới, sau chu kỳ tăng nhằm ngăn chặn hạ cánh cứng kinh tế trong bối cảnh triển vọng toàn cầu ngày càng xấu đi do các cuộc xung đột.
CEO của trang Metals Daily – ông Ross Norman nói: “Cuộc xung đột ở Israel đã thúc đẩy nhu cầu vàng ở cả Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ”. Tuy nhiên, ông Norman cho rằng tác động từ xung đột có thể không kéo dài. Ông nói thêm, trong vài tháng tới, triển vọng về vàng có thể bắt nguồn từ những biến động của đồng USD và dòng vốn đầu tư.
- Chuẩn bị xuất khẩu lô tổ yến đầu tiên sang Trung Quốc
Theo Bộ NN & PTNT, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức chấp thuận cho một doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu tổ yến sang thị trường này.
Báo Tin Tức dẫn thông tin từ Cục Thú y, đến ngày 8/11/2023, có 45 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc và đã được Cục Thú y hướng dẫn thực hiện giám sát an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo yêu cầu của Trung Quốc tại Nghị định thư; trong đó, 9 doanh nghiệp đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký xuất khẩu và nộp cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tổ chức kiểm tra trực tuyến 5 trong số 9 doanh nghiệp này. Ngày 3/11/2023, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có Công hàm chính thức chấp thuận cho Công ty cổ phần Dinh Dưỡng AVANEST Việt Nam được xuất khẩu hai loại sản phẩm mà công ty đăng ký là tổ yến sạch và yến hũ chưng sẵn vào Trung Quốc kể từ ngày 20/10/2023.
Ngày 7/11/2023, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc có công điện gửi Cục Thú y chuyển Công hàm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo cho phép Công ty cổ phần Dinh dưỡng AVANEST Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc từ ngày 20/10/2023 trở đi.
Đối với các doanh nghiệp khác, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đang tiếp tục xét duyệt hồ sơ, đánh giá và sẽ thông báo sau khi kết quả đạt yêu cầu.