Học sinh sáng chế hệ thống phát hiện và cảnh báo điểm mù trên xe tải
Tin tức - Ngày đăng : 11:12, 11/11/2023
Em Phạm Đăng Minh (đứng) và Hoàng Văn Đồng nghiên cứu thực hiện đề tài. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)
Bằng sức sáng tạo của tuổi trẻ, hai em Phạm Đăng Minh và Hoàng Văn Đồng (học sinh lớp 12 Tin, Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lương Văn Tụy, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) đã thành công với sáng kiến "Hệ thống phát hiện và cảnh báo điểm mù trên xe ôtô tải."
Đề tài của hai em đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi "Sáng tạo dành cho Thanh, Thiếu niên, Nhi đồng Toàn quốc" lần thứ 19 năm 2023 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Trước thực trạng tai nạn giao thông liên quan đến điểm mù của xe ôtô tải tại Việt Nam ngày càng gia tăng, Minh và Đồng đã tìm tòi, học hỏi và quyết tâm thực hiện "Hệ thống phát hiện và cảnh báo điểm mù trên xe ôtô tải" để góp phần hạn chế tai nạn giao thông.
Theo em Phạm Đăng Minh, hệ thống có chức năng phát hiện và cảnh báo các vùng mù hay gây tai nạn như vùng mù phía trước xe, bên trái, bên phải, phía sau và một phần dưới gầm xe. Hệ thống còn có cảnh báo mở cửa cho lái xe bằng chốt khóa (cảm biến vị trí).
Các em đo đạc, tính toán góc mù trên xe tải để từ đó tìm vị trí lắp đặt cảm biến trong vùng mù; tính toán góc mù theo công thức vật lý và phần mềm soạn thảo để vẽ Autocad có thể ra được kết quả tính toán góc mù, thiết kế mạch điện tử bằng phần mềm Altiumo.
Em Hoàng Văn Đồng cho biết trong quá trình thực hiện, khó khăn lớn nhất là cả hai là chưa có kinh nghiệm lựa chọn linh kiện cho phù hợp, nhất là cảm biến, đồng thời hiệu chỉnh để cảm biến đo được khoảng cách điểm mù đến vật cản.
Tuy nhiên, các em đã được cô giáo Lê Thị Thùy Dương, giảng dạy môn Công nghệ, hướng dẫn đề tài đã chỉ ra lựa chọn cảm biến chống nước có chi phí phù hợp, lựa chọn phần mềm hiệu chỉnh khoảng cách.
Kết quả thử nghiệm cho thấy việc lắp đặt hệ thống tiện lợi do có kích thước nhỏ, dễ lắp đặt, đảm bảo độ chính xác, an toàn khi sử dụng, có tính ứng dụng và thực tiễn cao với giá thành chủ xe có thể chấp nhận được.
Với kết quả đạt được, hệ thống góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, đặc biệt tai nạn giao thông do đi vào điểm mù. Từ thành công, Phạm Đăng Minh và Hoàng Văn Đồng mong muốn phát triển lắp đặt hệ thống cảnh báo vùng mù trên nóc xe; phát triển hệ thống phát hiện và cảnh báo điểm mù trên xe container.
Chia sẻ về thành công của học sinh, cô giáo Lê Thị Thùy Dương cho biết: "Sau khi học sinh tìm hiểu thực trạng và đề xuất ý tưởng, nêu giải pháp, tôi yêu cầu các em xây dựng kế hoạch nghiên cứu và thực hiện đề tài phải phù hợp với điều kiện kinh tế; thiết kế phải nhỏ gọn, lái xe tin dùng; đưa ra các câu hỏi nghiên cứu cho ý tưởng thiết kế (như điểm mù của xe tải là gì, có mấy loại điểm mù, những loại điểm mù nào hay gây ra tai nạn cho con người nhất, cách khắc phục điểm mù, tại sao chọn cách khắc phục điểm mù là lắp đặt hệ thống phát hiện và cảnh báo điểm mù, khi trời mưa, sương mù, ban đêm, hệ thống có cảnh báo được không).
Bên cạnh đó, các em cần chỉ ra cơ sở lý thuyết của việc tính toán các vùng mù để từ đó đặt cảm biến cho phù hợp."
Sau đó, cô giáo hướng dẫn các em xác định nhiệm vụ của mạch điện tử điều khiển; thiết kế sơ đồ nguyên lý; sử dụng lập trình C (phần mềm IDE) cho mạch điện tử điều khiển. Hai em là học sinh chuyên Tin nên đã vận dụng kiến thức xử lý rất tốt, đề tài được thực hiện thuận lợi.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Cuộc thi "Sáng tạo dành cho Thanh, Thiếu niên, Nhi đồng Toàn quốc," đây là đề tài mới, có tính ứng dụng cao trong thực tiễn.
Kết quả này là động lực để các em tiếp tục sáng tạo, đạt thành tích cao hơn nữa, khẳng định chất lượng đào tạo mũi nhọn của Trung học Phổ thông Chuyên Lương Văn Tụy./.