Hiện tượng địa chất hiếm gặp: Một hòn đảo núi lửa bất ngờ nổi lên mặt biển
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 06:44, 11/11/2023
Hiện hòn đảo mới này có chiều dài hơn 100 mét, nó được hình thành từ một vụ phun trào núi lửa dưới nước, bắt đầu vào ngày 21/10. Sự ra đời của nó mang đến cái nhìn thoáng qua về hiện tượng địa chất hiếm được quan sát trong thời gian thực.
Núi lửa dưới nước chiếm phần lớn núi lửa trên hành tinh. Các nhà khoa học, ước tính trên thế giới có 1.350 ngọn núi lửa trên mặt đất nhiều khả năng đang hoạt động và hơn một triệu ngọn núi lửa ẩn dưới đáy đại dương.
Điều này có nghĩa là cứ một ngọn núi lửa đang hoạt động trên đất liền thì có hàng trăm ngọn núi lửa dưới nước. Nó cũng chính là nguồn gốc cho sự hình thành một số quần đảo nhất định, chẳng hạn như đảo Hawaii (Mỹ), Tonga (Vương quốc Tonga) và Ogasawara (Nhật Bản).
Đặc biệt, do toàn bộ diện tích quốc gia xứ sở hoa anh đào nằm ở điểm giao nhau của 4 mảng kiến tạo, dẫn đến những ngọn núi lửa Nhật Bản đều nằm trong số núi lửa hoạt động mạnh nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, con người hiếm khi trực tiếp chứng kiến sự xuất hiện của hòn đảo được sinh ra từ một vụ phun trào núi lửa dưới nước. Trong quá khứ, đảo Hawaii (Mỹ) đều có trước thời đại của loài người.
Giáo sư địa chất James White, Đại học Otago (New Zealand), cho biết: "Cho đến khi hòn đảo chạm tới mặt nước, chúng ta sẽ không nhìn thấy nó ngay cả khi bạn đang đi trên một chiếc thuyền phía trên chúng".
Vụ phun trào ngoài khơi bờ biển Iwo Jima, cách Tokyo 1.000 km về phía nam, mang đến cái nhìn thoáng qua thời gian thực hiếm hoi về sự ra đời của một hòn đảo núi lửa, hiện là một phần của quần đảo Ogasawara.
Hòn đảo được sinh ra từ sườn núi lửa mẹ
Vụ phun trào ngoài khơi bờ biển Iwo Jima đạt đỉnh điểm vào cuối tuần trước đã sinh ra một hòn đảo mới, dài khoảng 100 mét tính đến ngày 30/10.
Theo White, vụ phun trào này dường như bắt nguồn từ sườn chìm của một ngọn núi lửa mẹ lớn hơn, nơi cũng tạo ra hòn đảo chính Iwo Jima.
May mắn thay, không có thiệt hại về người và tài sản khi hòn đảo này nhô lên khỏi mặt biển.
Khi núi lửa dưới nước phun trào, sức nặng của lớp nước phía trên thường ngăn cản sự thoát ra bùng nổ khí từ núi lửa. Trong quá trình núi lửa phát triển và vụ phun trào diễn ra ở vùng nước nông hơn, áp lực nước không còn đủ để giữ khí dẫn đến thúc đẩy vụ nổ với một lượng lớn hơi nước.
Tro bụi, các mảnh đá và dòng dung nham nguội từ vụ phun trào sẽ tích tụ và cuối cùng nổi lên khỏi mặt nước tạo thành một hòn đảo.
Những vụ phun trào của núi lửa dưới biển tạo ra các vụ nổ tương đối riêng biệt, trong đó các hạt tro bụi lớn hấp thụ những hạt nhỏ hơn, nó cũng gồm hỗn hợp magma nóng chảy và các vật liệu khác cho thấy hoạt động núi lửa đặc biệt phức tạp.
Tuy nhiên, hỗn hợp này, phần lớn được tạo thành từ tro bụi, khiến hòn đảo hiện rất dễ vỡ. Do đó, nó có thể dễ dàng bị sóng biển xói mòn và có thể biến mất trở lại dưới mặt nước, chưa kể những vụ phun trào gần Iwo Jima thường chỉ kéo dài một tháng.
Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng hiện rất khó để biết chính xác khi nào vụ phun trào sẽ dừng lại và hòn đảo này có thể tiếp tục phát triển.