Đề xuất lập thêm 2 thành phố thuộc Hà Nội, dời cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô
Nhịp sống - Ngày đăng : 14:46, 10/11/2023
Đây là một trong số nhiều chính sách quan trọng được Chính phủ đề xuất áp dụng cho Hà Nội, được quy định trong dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi.
Dự thảo Luật gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).
Về chính quyền thủ đô, Chính phủ đề xuất thực hiện mô hình không tổ chức HĐND phường ở Hà Nội; tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố từ 95 lên 125, tỷ lệ đại biểu chuyên trách từ 20% lên 25%.
Số lượng Phó Chủ tịch HĐND cũng tăng từ 2 lên tối đa 3; mở rộng thành phần Thường trực HĐND so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của cơ quan này.
Theo phương án Chính phủ đề xuất, sẽ có thêm 2 thành phố trực thuộc Hà Nội được thành lập. Đó là thành phố logistics, dịch vụ ở khu vực phía Bắc, gồm vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, và thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học ở khu vực phía Tây, gồm vùng Hòa Lạc, Xuân Mai.
2 thành phố được đề xuất thành lập bổ sung sẽ có đặc thù khác so với chính quyền quận, huyện, thị xã là tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND, UBND, đại biểu HĐND chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị…
Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, Dự luật Thủ đô sửa đổi đề xuất nhiều cơ chế đặc thù, như Thành phố được tăng thêm biên chế phù hợp với nhu cầu thực tế; Thường trực HĐND thành phố có thêm một số thẩm quyền như quyết định các biện pháp giải quyết công việc đột xuất, khẩn cấp; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C...
Liên quan đến những quy định về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô, dự thảo Luật đề xuất trao cho Hà Nội nhiều cơ chế đặc thù.
Ví dụ, phân quyền từ Thủ tướng cho UBND Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật. Chính sách này tương tự TPHCM đang thực hiện.
Dự thảo luật cũng quy định mở rộng phạm vi dự án đầu khi quy hoạch chi tiết xác định đất thu hồi trong vùng phụ cận để tái thiết đô thị, tái định cư tại chỗ; quy định mang tính nguyên tắc về không gian ngầm, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng.
Về chính sách xã hội, Chính phủ đề xuất HĐND Hà Nội được quyết định bố trí ngân sách để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, vay mua nhà ở xã hội; hỗ trợ công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp vay mua nhà ở xã hội...
Ngoài ra, một số thẩm quyền về đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng cũng được đề xuất phân cấp cho HĐND, UBND Hà Nội. Theo đó, HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị; dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng; cho phép Hà Nội ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá riêng, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.
Về bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng đất đai, Chính phủ đề xuất thành phố quy định di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường kéo dài hoặc thâm dụng lao động, cơ sở y tế có nguy cơ truyền nhiễm, lây nhiễm cao ra khỏi khu vực nội đô lịch sử, đô thị trung tâm; cho phép hỗ trợ, ưu đãi thu mua, chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch.
Thành phố được giữ lại 100% tiền sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện nhiệm vụ phát triển Vùng Thủ đô, hỗ trợ di dời các cơ quan trung ương, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất theo quy hoạch để có quỹ đất phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng.
Tương tự cơ chế áp dụng cho TPHCM, dự thảo Luật quy định giao HĐND thành phố Hà Nội ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với thực tiễn; chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất dưới 1.000ha, đất trồng lúa dưới 500ha sang mục đích khác.
Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi sẽ được đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 10/11.