Tranh luận việc Tòa án nhân dân tối cao muốn đổi tên tòa án tỉnh, huyện
Nhịp sống - Ngày đăng : 18:01, 09/11/2023
Tại thảo luận tổ về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi chiều 9/11, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho biết, về tổ chức bộ máy tòa án, dự luật dự luật quy định tổ chức nhân dân phúc thẩm thay cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân sơ thẩm thay cho Tòa án nhân dân cấp huyện.
Về đề xuất thay đổi này, ông Hải cho rằng cần phải cân nhắc. Bởi, chức năng, nhiệm vụ của Tòa sơ thẩm, phúc thẩm vẫn giống như Tòa án nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh.
"Nên chăng cần đặt ra vấn đề đổi tên hay không?", ông Hải đặt câu hỏi và lý giải đi kèm với sự thay đổi này là một loạt các thủ tục hành chính thay đổi.
Cũng thảo luận về vấn đề này, đại biểu Cao Mạnh Linh (Thanh Hóa) cho hay, về bản chất, chức năng khi đổi tên từ Tòa án nhân dân cấp huyện, tỉnh sang Tòa án nhân dân sơ thẩm, phúc thẩm không thay đổi, mà chỉ thay đổi về tên gọi.
"Chức năng không thay đổi, phạm vi thẩm quyền không thay đổi. Rõ ràng việc này không thay đổi về bản chất, nhưng kéo theo nhiều hệ lụy như sẽ phải đổi tên đổi biển, cơ quan, con dấu, giấy tờ tài liệu phát sinh cho thấy hoàn toàn không cần thiết", ông Linh nhấn mạnh.
Theo cơ quan soạn thảo, việc đổi tên nêu trên để thể chế hóa nhiệm vụ "bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử" được đề ra tại nghị quyết 27 của Trung ương. Đồng thời, quy định này phù hợp với định hướng phát triển lâu dài của tòa án.
Tuy nhiên, theo ông Linh, nếu chỉ thay đổi về tên gọi sẽ không bám sát hoàn toàn tinh thần Nghị quyết đặt ra là thẩm quyền tòa án theo thẩm quyền tố tụng và không gắn với quan hệ hành chính. Cụ thể, giữa các tòa có quan hệ qua thẩm quyền tố tụng, thông qua phúc thẩm, giám đốc thẩm.
Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (Trà Vinh) lại thống nhất với dự thảo luật là cần thiết đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh thành Tòa án nhân dân phúc thẩm, tòa án nhân dân cấp huyện thành tòa án nhân dân sơ thẩm.
Lý giải về việc này, bà Nga cho biết, đây là việc thể chế hóa các quan điểm của Đảng được đề ra tại Nghị quyết 27 của Trung ương về bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử.
Hơn nữa, đại biểu này cũng lý giải, theo Hiến pháp 2013, Tòa án thực hiện thẩm quyền tài phán của quốc gia, không phải Tòa án của tỉnh, của huyện hay địa phương nào.
Tòa án hoạt động theo thẩm quyền tố tụng nên việc tổ chức tòa án theo cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm không đơn thuần là đổi tên mà chính là tuân thủ Hiến pháp. Từ đó, góp phần thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử và khẳng định địa vị pháp lý của Tòa án.
Theo nữ đại biểu này, việc đổi mới tổ chức Tòa án theo thẩm quyền sẽ dẫn đến phải sửa con dấu, biển hiệu của Tòa án nhưng lợi ích to lớn và lâu dài mang lại sẽ lớn hơn nhiều so với chi phí thực hiện việc chuyển đổi con dấu, biển hiệu.
"Việc tổ chức Tòa án nhân dân phúc thẩm, Tòa án nhân dân sơ thẩm theo thẩm quyền xét xử không phải là việc thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực", bà Nga nói.
Bà Nga cho biết thêm, cơ chế lãnh đạo của cấp ủy Đảng, giám sát của cơ quan dân cử địa phương đối với tòa án, quan hệ phối hợp công tác với các cơ quan thực thi pháp luật vẫn được thực hiện theo quy định hiện hành.
Điều này không ảnh hưởng đến tổ chức, hoạt động và quan hệ phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng, không tăng thêm đầu mối, biên chế...