Chuyên ngành cấp cứu ngoại viện cần cơ chế đặc thù để phát triển

Tin Y tế - Ngày đăng : 15:59, 09/11/2023

TPHCM - Chuyên ngành cấp cứu ngoại viện, mặc dù những năm qua có sự phát triển, nhưng hiện nay vẫn cần có cơ chế đặc thù để hút nhân lực và phát triển để cứu được nhiều người dân kịp thời hơn.
Chuyên ngành cấp cứu ngoại viện cần cơ chế đặc thù để phát triển
Cần nhiều cơ chế đặc thù phát triển cấp cứu ngoại viện. Ảnh: Hương Sơn

Phải xem cấp cứu ngoài bệnh viện là ngành nghề

Hiện nay, TPHCM có 39 trạm cấp cứu, bao phủ hết quận, huyện, TP Thủ Đức, giúp rút ngắn khoảng cách tiếp cận người bệnh.

Năm 2014, số cuộc gọi cấp cứu khoảng 8.500 cuộc/năm, thì đến nay, sau gần 10 năm, số cuộc gọi đến Trung tâm Cấp cứu 115 đã là 300.000 cuộc/năm.

Trong đề án "Nâng cao năng lực Trung tâm Cấp cứu 115 theo hướng chuyên nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo" của Sở Y tế TPHCM cho biết sẽ phát triển Trung tâm Cấp cứu 115 theo 3 cụm y tế chuyên sâu và mở thêm 2 trạm cấp cứu đường thủy và đường hàng không.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hệ thống cấp cứu 115 ở 3 cụm y tế chuyên sâu sẽ kết nối, không chỉ đáp ứng tại TPHCM mà cả phía Nam.

Đối với cấp cứu ngoại viện, đây là một trụ cột không thể thiếu trong bất kỳ hệ thống y tế nào. Một nghiên cứu cho thấy, đối với các nước có mức thu nhập từ trung bình đến thấp, nếu đẩy mạnh phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện đúng nghĩa thì có thể giúp tăng 45% bệnh nhân được cứu sống.

Luật Khám, chữa bệnh đã quy định chức danh chuyên môn cấp cứu viên ngoại viện là phải có giấy phép hành nghề. Tuy nhiên, hiện loại hình nghề nghiệp này chưa được đào tạo chính quy.

Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng cho rằng, trước hết phải xem cấp cứu ngoài bệnh viện là ngành nghề, từ đó sẽ có cơ sở đề xuất cơ chế chính sách đặc thù.

"Cần thiết có các chính sách thu hút được người trẻ theo đuổi ngành cấp cứu ngoại viện, từ đó mới tuyển dụng được nhân sự phù hợp. Thứ nhất, cần có mức thu nhập làm sao hỗ trợ, giữ chân đội ngũ cấp cứu ngoại viện. Sau khi tuyển dụng được, cần có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo hoặc bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp.

Thứ hai, phải xem đây là nghề đặc thù với công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để có chế độ ưu đãi, phụ cấp phù hợp.

Thứ ba, phải có bảo hiểm ngành nghề cho lực lượng cấp cứu ngoại viện khác nhân viên y tế công tác tại bệnh viện", bác sĩ Dũng nói.

Cần chứng chỉ theo quy định

Trong khi chờ triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh và cho bổ sung mã ngành đào tạo nhân lực cấp cứu viên ngoài bệnh viện thì các trường đào tạo các ngành thuộc nhóm sức khỏe sẽ bổ sung những chương trình đào cho những nhân viên y tế đã và đang làm công tác cấp cứu ngoài bệnh viện để sau đó cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định.

Là một trong những đơn vị đầu tiên tại phía Nam thực hiện cấp cứu đường không với sân đỗ máy bay ngay nóc của bệnh viện, Thượng tá, TS-BS Bùi Đức Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (TPHCM), cho biết, bệnh viện chính thức vận chuyển cấp cứu từ 20 năm nay. Tuy nhiên, giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn, một năm chỉ 1-2 trường hợp được vận chuyển. Đến nay, việc vận chuyển, cấp cứu người bệnh đã nhanh chóng và thuận tiện hơn.Theo bác sĩ Thành, cấp cứu đường không bảo đảm được hiệu quả, thời gian vàng trong điều trị. Để thực hiện được loại hình cấp cứu đường không đòi hỏi phải bảo đảm quy trình chuẩn, chặt chẽ; có sự phối hợp của nhiều cơ quan từ trung tâm điều phối, trung tâm điều hành bay. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ nhân viên y tế để thực hiện cấp cứu vận chuyển đường không phải có chứng chỉ theo quy định.

HƯƠNG SƠN