Chuyên chưa về Phạm Văn Rạng: Siêu thủ môn từng 3 lần khuất phục Vua bóng đá Pele?

Câu chuyện thể thao - Ngày đăng : 08:05, 09/11/2023

Huyền thoại thủ môn châu Á, Lưỡng thủ vạn năng, từng… bắt dính 3 quả penalty của Pele. Việt Nam đã từng sở hữu một siêu thủ môn hàng đầu thế giới như vậy.
pham-van-rang-pele_02102020152017.png

Ông Phạm Văn Rạng (08/01/1934 – 07/11/2008) sinh ra tại Mỹ Tho, Tiền Giang, được coi là huyền thoại thủ môn số 1 trong lịch sử Việt Nam. Thuở còn tung hoành trên sân cỏ, cái tên Phạm Văn Rạng đã nổi như cồn không chỉ ở vùng đồng bằng Nam Bộ mà còn lan ra khắp châu Á. Cánh nhà báo nước ngoài khi nhắc đến ông luôn dùng mỹ từ “Đệ nhất thủ môn Á châu” và so sánh ông với Lev Yashin – Thủ thành của Liên Xô cũ, người được coi là xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá. Còn ở Việt Nam, ký giả Thiệu Võ đã kính nể mà dành tặng ông danh hiệu “Lưỡng thủ vạn năng”, cái tên đã trở thành thương hiệu gắn bó với ông trong suốt sự nghiệp cầu thủ cho tới ngày nay.

Không có nhiều ảnh tư liệu về thời niên thiếu của thủ môn Phạm Văn Rạng.

Là một thủ môn kỳ tài nhưng có lẽ ít ai biết khi mới chơi bóng, ông Rạng được xếp ở vị trí… trung phong. Tương truyền, hồi xa nhà lên Sài Gòn đi học, cậu bé Rạng khi ấy từng… trốn vé, trèo rào vào sân xem đội Ngôi sao Gia Định thi đấu. Ông mê mẩn những pha bay nhảy, cản phá của thủ thành Ba Quyến lúc bấy giờ. Tuy vậy, khi đi học, Rạng lại được thầy thể dục xếp đá… trung phong. Với bản tính quyết tâm cùng nền tảng thể lực hơn hẳn đám trẻ con cùng tuổi, Rạng chơi rất hay và ghi rất nhiều bàn thắng. Tuy nhiên, ước mơ được thi đấu ở vị trí trấn giữ khung thành chưa bao giờ thôi nhen nhóm trong lòng cậu bé.

Như một mối lương duyên, khi trường Rạng là Việt Nam học đường có trận đấu với trường Huỳnh Khương Ninh, thủ môn của đội bị dính chấn thương. Không bỏ lỡ cơ hội bằng vàng, Rạng lập tức xung phong bắt thay. Màn trình diễn của cậu bé Rạng hôm đó đã làm nản lòng tất cả các chân sút nhí bên phía trường Huỳnh Khương Ninh, và làm thầy giáo thể dục của cậu nhìn ra tiềm năng to lớn bên trong voc dáng nhỏ bé kia. Kể từ đó, Rạng giã từ vị trí oanh tạc khung thành và chuyển sang làm nhiệm vụ ngăn cản những kẻ có ý định thực hiện cuộc oanh tạc ấy.

"Người nhện" tài hoa Phạm Văn Rạng.

Năm 1951, chàng thiếu niên Phạm Văn Rạng khi ấy 17 tuổi đã được mời về thi đấu chuyên nghiệp cho đội Ngôi sao Bà Chiểu. Trái với hình ảnh quyết liệt, mạnh bạo khi đá tiền đạo, trong khung gỗ, Rạng lại có phong cách chơi nhẹ nhàng uyển chuyển một cách kỳ lạ. Những pha bay nhảy của Rạng luôn rất đẹp mắt và có đôi chút khoa trương của một chàng thiếu niên tuổi 17.

Lối bắt bóng bay bướm như đang biểu diễn của Rạng từng khiến cả cầu trường vỗ tay không ngớt. Ngay cả các cầu thủ đối phương sau trận đấu cũng không tiếc những lời tán dương giành cho cậu. Khi Rạng 19 tuổi, bước ngoặt trong sự nghiệp cậu xuất hiên. Năm 1953, Rạng liên tiếp được tuyển thẳng vào đội Tổng tham mưu, sau đó là Đội tuyển miền Nam Việt Nam, chắp cánh cho con đườngvươn ra biển lớn của chàng thiếu niên nhỏ con nhưng có tiềm năng khổng lồ.

Thủ thành Phạm Văn Rạng (đứng giữa, hàng cuối) và các đồng đội tại SEAP Games lần đầu tiên được tổ chức tại Thái Lan.

Ở SEAP Games lần 1 (tiền thân của SEA Games ngày nay) tổ chức năm 1959 trên đất Thái Lan, Phạm Văn Rạng khi ấy đã trở thành trụ cột không thể thiếu của Đội tuyển. Tương truyền hồi đó các cầu thủ phải… bắt xe đò từ Sài Gòn đi sang Thái Lan. Khi xe qua được tới nước bạn cũng là lúc từ đầu tới chân các tuyển thủ phủ kín một màu đất đỏ. Dù rất vất vả tuy nhiên Rạng cùng các đồng đội đã vùi dập đội chủ nhà với tỷ số 4-0 ngay ở màn ra quân. Tái ngộ ở trận Chung kết, họ tiếp tục cho Thái Lan nếm trái đắng lần 2 bằng chiến thắng 3-1 và đăng quang chức vô địch SEAP Games một cách đầy thuyết phục. Kể từ đó, tên tuổi của Phan Văn Rạng được biết đến nhiều hơn ở khắp khu vực, rồi dần dà lan ra cả châu Á.

Sau khi đã in dấu giày lên khắp các sân cỏ từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, năm 1964 ông Phạm Văn Rạng khi ấy 29 tuổi, nói lời chia tay đội tuyển Miền Nam Việt Nam sau 12 năm gắn bó.

Tấm hình rõ nét nhất của thủ môn Phạm Văn Rạng thời còn thi đấu cùng chiếc huy chương Vàng SEA Games danh giá.

Tuy nhiên năm 1966, “Cầu Vương” Lý Huệ Đường đích thân tìm tới tận nơi để mời ông về làm thủ môn cho đội Ngôi sao châu Á với lý do “ở châu lục này chẳng ai bắt banh được như ông”! Vậy là chỉ 2 năm sau khi nói lời giã từ sân cỏ, Lưỡng thủ vạn năng Phạm Văn Rạng đã tái xuất. Ở một trận bóng tại Malaysia, tài năng của Phạm Văn Rạng làm nản lòng mọi chân sút của CLB Chelsea của Anh quốc. Chiến thắng 2-1 trước Chelsea ngày hôm đó như một vụ nổ, đưa tên tuổi ông đi khắp thế giới. Tờ France Football – Tạp chí bóng đá lớn nhất nước Pháp – ngưỡng mộ gọi ông là “Đệ nhất thủ môn Á châu”.

Sau năm 1975, ông Phạm Văn Rạng vừa thi đấu vừa làm HLV cho CLB Tổng cục vật tư. Mãi cho tới 1978, ông mới chính thức giải nghệ ở tuổi… 44.

Dù tồn tài nhiều câu chuyện về việc ông Phạm Văn Rạng từng... bắt dính 3 quả penalty của Vua bóng đá Pele tuy nhiên chưa từng ghi nhận bạn bè, người thân hay ký giả nào thời đó nói về câu chuyện này. Bởi vậy nhiều khả năng câu chuyện trên chỉ là hư cấu. Tuy nhiên đây cũng là một màu sắc rất riêng, góp thêm phần ly kỳ về giai thoại cuộc đời của thủ môn Phạm Văn Rạng.

Hết thời huy hoàng vàng son, những chương còn lại trong câu truyện về cuộc đời thủ môn huyền thoại Phạm Văn Rạng nhuốm một màu buồn khiến nhiều người thương cảm. Không hiểu vì lý do gì, nửa cuối cuộc đời ông chọn trở thành công chức, đồng thời huấn luyện những đội bóng làng nhàng. Cuộc sống của ông từ đây cũng trở nên ngày một khó khăn. Đến độ, năm 2005, khi nhận được số tiền quà tặng 5 triệu đồng, ông không kìm được nước mắt vì “đây là số tiền lớn nhất mà tôi nhận được suốt 30 năm qua”.

Những năm cuối đời, nhờ sự trợ giúp của các đồng đội cũ như Tư Lê, Võ Thành Sơn, Tam Lang,… ông được xây tặng một căn nhà cấp 4 tại Quận 12, TP.HCM. Ngôi nhà này cũng là nơi ông Phạm Văn Rạng trút hơi thở cuối cùng vào ngày 07/11/2008, khép lại giai thoại hào hùng nhưng cũng lắm thăng trầm của huyền thoại thủ môn xuất sắc nhất lịch sử châu Á.

Thành tích cá nhân:

Á quân giải bóng đá châu Á 1958, 1962; huy chương Vàng SEAP Games 1959; huy chương Đồng SEAP Games 1963, 1965.

Tham dự Cúp Merdeka (1958-1962); Á vận hội 1958 tại Nhật Bản, 1962 tại Indonesia.

Được Liên đoàn bóng đá châu Á AFC vinh danh là thủ môn số 1 châu lục.

Nguồn, MXH