Đồng Tháp chi gần 185 tỷ đồng đưa sếu đầu đỏ trở lại Tràm Chim
Nhịp sống - Ngày đăng : 18:00, 08/11/2023
Ngày 8/11, ông Nguyễn Phi Đa - Chánh văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết, tỉnh này đã phê duyệt đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022-2032 với kinh phí gần 185 tỷ đồng.
Mục tiêu của đề án là tái tạo cảnh quan, môi trường phù hợp để sếu đầu đỏ hiện diện thường xuyên, làm tổ và sinh sản trong khu bảo tồn, tiếp nhận 60 cá thể sếu từ Thái Lan chuyển giao, gây đàn thêm khoảng 40 cá thể.
Đề án được chia thành 2 giai đoạn, từ năm 2022 đến năm 2028, Tràm Chim sẽ tiếp nhận 30 con sếu 6 tháng tuổi. Nếu thuận lợi, sếu sẽ sinh sản sau 5 năm.
Giai đoạn 2 gồm các năm tiếp theo, sẽ tiếp nhận số lượng sếu còn lại và chăm sóc tốt cho đàn sếu sinh sản tại khu bảo tồn.
Ông Đa cho biết, dự kiến tổng kinh phí thực hiện đề án là gần 185 tỷ đồng. Trong đó gần 52 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; 56 tỷ đồng dùng để tiếp nhận, nuôi dưỡng, nghiên cứu sinh sản và tái thả đàn sếu; 25 tỷ đồng chi cho công tác cải tạo, phục hồi hệ sinh thái và sinh cảnh sống của sếu; 17 tỷ đồng được dành cho công tác truyền thông, giáo dục và các hoạt động liên quan.
Ông Đoàn Văn Nhanh - Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn và Hợp tác Quốc tế (Vườn Quốc gia Tràm Chim) - cho biết, lần cuối đàn sếu về vườn là năm 2021. Dự kiến cuối năm nay vườn sẽ tiếp nhận 2 cá thể sếu đầu tiên thuộc đề án vừa được phê duyệt.
Những công tác cải tạo bãi ăn, nơi sếu làm tổ đã được triển khai. Ngoài khu bảo tồn, khoảng 200ha lúa ma ở vùng đệm vườn quốc gia cũng đang được tỉnh Đồng Tháp xây dựng nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sếu đầu đỏ kiếm ăn.
Vườn Quốc gia Tràm Chim có diện tích 7.313ha, chia thành 5 phân khu chức năng. Vườn nằm trong vùng trũng ngập sâu của Đồng Tháp Mười, có khoảng 130 loài thực vật, hơn 230 loài chim, trong đó có 32 loài quý hiếm.
Tràm Chim cũng có 130 loài cá, 23 loài động vật đáy, lưỡng cư, bò sát....