Thống đốc nêu lý do mới giải ngân được 105 tỷ/120 nghìn tỷ cho vay nhà ở xã hội

Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 17:54, 06/11/2023

Có 4 ngân hàng lớn tự nguyện tham gia gói 120.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV song Thống đốc cho hay đến nay mới có 105 tỷ đồng cho 3 dự án được giải ngân.

Tiến độ giải ngân quá chậm

Trả lời chất vấn trước Quốc hội về tiến độ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội sáng 6/11, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua đã có 18/63 UBND cấp tỉnh công bố dự án tham gia chương trình với 53 dự án. Đến nay đã có 105 tỷ đồng cho 3 dự án ở 3 tỉnh/thành được giải ngân.

Thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết của Chính phủ tiến tới mục tiêu 1 triệu căn hộ trong 10 năm tới, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng sử dụng nguồn tiền từ các tổ chức tín dụng, lãi suất ưu đãi cũng từ các ngân hàng. Có 4 ngân hàng tự nguyện tham gia gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV, mỗi ngân hàng cam kết giải ngân 30.000 tỷ đồng.

NHNN đã có văn bản hướng dẫn 4 ngân hàng này thực hiện; đồng thời có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố quan tâm công bố các dự án theo diện cho vay theo gói tín dụng này. NHNN yêu cầu các ngân hàng ban hành quy trình nội bộ để triển khai.

Tuy nhiên, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thừa nhận việc giải ngân còn hạn chế là do nguồn cung nhà thuộc đối tượng hạn chế.

Theo Thống đốc, nhu cầu nhà ở lớn nhưng nhu cầu đi vay để mua nhà lại là vấn đề người dân cân nhắc kĩ lưỡng.

Điều kiện cho vay còn những điểm chưa phù hợp. Mặt khác, chương trình thực hiện thời gian dài 10 năm, đồng thời sẽ mở rộng cho các ngân hàng thương mại cùng tham gia nên giá trị gói vay này sẽ được nâng lên. Hiện một số ngân hàng đã tham gia vào gói tín dụng này với giá trị 5.000 tỷ đồng.

“Thời quan qua, việc giải ngân gói tín dụng còn hạn chế do nguồn cung nhà thuộc đối tượng hạn chế. Nhu cầu nhà ở lớn nhưng nhu cầu đi vay để mua nhà lại là vấn đề người dân cân nhắc kĩ lưỡng. Điều kiện cho vay còn những điểm chưa phù hợp”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

NHNN kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố sớm công bố danh mục các dự án thuộc diện cho vay. Đồng thời NHNN sẽ tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân nắm rõ.

chi hong.jpg
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 6/11. (Ảnh: quochoi.vn).

Chủ đầu tư cũng không mặn mà

Theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, đến hết tháng 9/2023, cả nước đã hoàn thành 46 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô khoảng 20.210 căn; đang triển khai 419 dự án, với quy mô khoảng 392.635 căn.

Có thể thấy tiến độ giải ngân gói tín dụng này là quá chậm. Tuy nhiên khó khăn vướng mắc đến từ nhiều phía, cả ở ngân hàng, doanh nghiệp chủ đầu tư, chính quyền địa phương, thậm chí cả ở người đi vay.

Đầu tháng 7/2023, UBND TP.HCM đã công bố 6 dự án đủ điều kiện với tổng mức vay dự kiến 2.776,7 tỷ đồng. Trong đó, có 3 dự án NƠXH dành cho người thu nhập thấp với tổng mức vay dự kiến 910 tỷ đồng; 1 dự án NƠXH phục vụ cho công nhân thuê với mức vay dự kiến 700 tỷ đồng; và 2 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư với tổng mức vay dự kiến 1.166,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong 6 dự án nói trên chỉ có dự án NƠXH phục vụ cho công nhân thuê thuộc Cụm Công nghiệp tại P.Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức do CTCP ThuThiemGroup (Công ty ThuThiemGroup) làm chủ đầu tư được ngân hàng cam kết cho vay.

Cụ thể, Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Q.7 đã thẩm định và đồng ý cấp tín dụng cho Công ty ThuThiemGroup vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với hạn mức cho vay tối đa 585 tỷ đồng.

Tuy nhiên, BIDV cho biết chủ đầu tư là ThuThiemGroup chưa có nhu cầu giải ngân để thực hiện dự án nên chưa ký kết hợp đồng tín dụng và các hợp đồng đảm bảo với ngân hàng theo quy định. Ngân hàng này cho biết sẽ giải ngân sau khi chủ dự án hoàn thiện và cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan.

Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp chia sẻ với VietNamNet rằng, khi tiếp nhận hồ sơ thẩm định, các ngân hàng lại có quy định riêng về điều kiện vay nhằm đảm bảo thu hồi nợ.

Theo vị này, các quy định của ngân hàng đối với chủ dự án NƠXH, nhà ở công nhân là phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng. Trong khi đó, theo Luật Đất đai, tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất thì không có quyền thế chấp.

Do đó, chủ đầu tư không thể dùng khu đất dự án NƠXH làm tài sản đảm bảo để vay ngân hàng mà phải dùng tài sản khác dù dự án đã được chủ đầu tư giải phóng mặt bằng và chuyển đổi sang đất dự án NƠXH đúng quy hoạch.

Đại diện doanh nghiệp này còn cho biết, hầu hết các chủ đầu tư dự án NƠXH sau khi có quyết định giao đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất vẫn chưa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận nên không đủ điều kiện vay vốn.

Trả lời phỏng vấn của VietNamNet hồi đầu tháng 10, bà Phùng Thị Bình, Phó TGĐ Agribank cho biết, dù đang tiếp cận nhiều dự án nhưng quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc trong việc giải quyết các thủ tục pháp lý, gây mất rất nhiều thời gian cho các doanh nghiệp khi thực hiện.

Bà Bình cho rằng, các doanh nghiệp không mặn mà với việc tham gia các dự án thuộc gói tín dụng này bởi họ bị khống chế mức lợi nhuận không quá 10%. Hơn nữa, mức giá bán và người mua nhà lại do các sở, ban ngành của tỉnh/thành phố nơi có dự án lựa chọn.

“Chỉ cần dự án chậm tiến độ thôi là chủ đầu tư sẽ không có lãi, nên họ không mặn mà với việc tham gia vào những dự án như thế này”, bà Bình nói.