Bắt đầu chất vấn các Bộ trưởng Công Thương, Giao thông, Xây dựng
Nhịp sống - Ngày đăng : 14:58, 06/11/2023
Sau nhóm lĩnh vực về kinh tế ngành gồm: kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng, chiều nay 6/11, Quốc hội bước vào phiên chất vấn thứ hai với phần trả lời chất vấn của bộ trưởng các bộ thuộc nhóm lĩnh vực: công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường.
Tương ứng với nhóm này, Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhóm lĩnh vực này vào sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo tập trung hoàn thiện, ban hành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch Điện VIII) và đang tập trung hoàn thiện kế hoạch thực hiện.
"Các giải pháp bảo đảm cung ứng điện và an ninh năng lượng quốc gia cũng được triển khai kịp thời", theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, hiệu quả cao; kim ngạch xuất khẩu nông sản 10 tháng đầu năm đạt 43,08 tỷ USD, xuất siêu 9,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2023 đạt 43 triệu tấn lúa, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, các cân đối lớn và ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhằm hỗ trợ xử lý các khu vực sạt lở nghiêm trọng, cấp bách vùng đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đã bố trí 4.000 tỷ đồng, theo báo cáo của Phó Thủ tướng.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư 6 dự án giao thông trọng điểm quốc gia với tổng vốn đầu tư gần 400.000 tỷ đồng.
"Từ năm 2021 đến nay đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 659km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đưa vào khai thác là 1.822km; phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành và vượt mục tiêu 3.000km đường cao tốc theo Nghị quyết Đại hội XIII", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Chính phủ cũng tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về quản lý phát triển đô thị, xây dựng, quản lý nhà và thị trường bất động sản. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững.
Một kết quả đáng chú ý được Phó Thủ tướng đề cập là việc phê duyệt, tích cực triển khai Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về quy hoạch, xây dựng, quản lý, vận hành nhà chung cư…
Trong khi đó, Phó Thủ tướng cho biết công tác bảo vệ môi trường được chú trọng, nhất là kiểm soát môi trường, nước thải ở các khu công nghiệp, làng nghề, các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chính phủ nhìn nhận công tác giải phóng mặt bằng, triển khai thi công của một số dự án hạ tầng trọng điểm, nhất là hạ tầng năng lượng và giao thông còn chậm; chưa ban hành Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy định về hoạt động lấn biển.
Ngoài ra, việc phát triển đô thị thông minh còn hạn chế; thị trường bất động sản còn khó khăn; chất lượng môi trường ở một số nơi còn chậm được cải thiện...