Cận cảnh máy bay huấn luyện hiện đại nhất của Không quân Việt Nam
Nhịp sống - Ngày đăng : 07:34, 06/11/2023
Cuối năm 2021, biên đội 12 chiếc máy bay huấn luyện hiện đại Yak-130 do Tổ hợp chế tạo hàng không Irkut (Nga) chế tạo đã được trang bị cho Trung đoàn Không quân 940 (Trường sĩ quan Không quân), thuộc biên chế Không quân nhân dân Việt Nam.
Từ giữa tháng 10 năm nay, Trung đoàn Không quân 940 đã về Trung đoàn Không quân 927 (sân bay Kép, Bắc Giang) để triển khai huấn luyện và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ được giao trong thời gian tới. Đây là lần đầu tiên Trường Sĩ quan Không quân có đơn vị cơ động thực hiện nhiệm vụ huấn luyện ở xa địa bàn đóng quân.
Cán bộ, phi công của Trung đoàn không quân 940 đã tích cực học tập quy chế sân bay; phương án bố trí đài trạm dẫn đường tại sân bay Kép; quy luật, điều kiện thời tiết; các phương án xử lý khi có tình huống trong huấn luyện.
Đồng thời, Trung đoàn 940 cũng bảo đảm kỹ thuật, hậu cần hiệp đồng chặt chẽ với Trung đoàn 927, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ bảo đảm huấn luyện bay tại sân bay Kép.
Sáng 3/11, đơn vị công tác của Trung đoàn 940 đã có buổi bay huấn luyện cùng Trung đoàn 927 tại sân bay Kép. Các phi công bắt buộc phải kiểm tra sức khỏe bao gồm huyết áp, nhịp tim...
Các máy bay Yak-130 được đội ngũ kỹ thuật kiểm tra, bơm nhiên liệu...
Khi nhận máy bay, tổ phi công cũng phải thực hiện quy trình kiểm tra tổng thể máy bay, xác nhận với tổ kỹ thuật máy bay trong tình trạng tốt để thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện.
Máy bay Yak-130 rời hangar lăn ra đường băng, chuẩn bị cất cánh thực hiện huấn luyện cho nhiệm vụ diễn tập hiệp đồng quân binh chủng, bay hỗn hợp cùng máy bay chiến đấu SU-30MK2 của Trung đoàn Không quân 927.
Yak-130 là loại máy bay huấn luyện 2 động cơ phản lực tiên tiến, có hai chỗ ngồi. Máy bay được trang bị thêm các giá treo vũ khí ở hai bên cánh, nên đây cũng là máy bay chiến đấu hạng nhẹ với khả năng trinh sát và tấn công vừa phải.
Đây là loại máy bay huấn luyện được đánh giá sẽ thay thế dòng máy bay huấn luyện L-39 - dòng máy bay huấn luyện phản lực cận âm được biên chế vào của Không quân nhân dân Việt Nam năm 1980 và sắp hết niên hạn sử dụng vào năm 2025.
Máy bay Yak-130 khá nhỏ gọn với chiều dài 11m; vận tốc tối đa của máy bay là 1.050km/h; tầm bay: 2.546km; trần bay tối đa: 12.500m. Khối lượng cất cánh tối đa của Yak-130 chỉ 9 tấn (so với SU-30MK2 là 34 tấn).
YAK-130 được trang bị một buồng lái cùng hệ thống điều khiển tân tiến nhất hiện nay, có khả năng mô phỏng được tính năng chiến đấu của máy bay thế hệ 4, 4+ và thế hệ 5 của cả Nga và châu Âu.
Điểm mạnh của Yak-130 chính là giúp phi công, học viên có thể thực hành, làm quen thao tác điều khiển, bay tương tự như trên các dòng máy bay chiến đấu hiện đại để có thể tiết kiệm thời gian đào tạo, chuyển loại tại đơn vị chiến đấu.
Một tiêm kích Yak-130 bay thông trường (bay tốc độ cao dọc đường băng ở khoảng cách 15-20m so với mặt đất) trong buổi bay huấn luyện ngày 3/11.
Đây được coi là một trong những dòng máy bay huấn luyện đa năng hàng đầu thế giới hiện nay, bên cạnh những dòng máy bay nổi tiếng như M-346 Master hay T-50 Golden Eagle.
Kết thúc buổi bay huấn luyện, các phi công Trung đoàn Không quân 940 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với 12 lần xuất kích thành công, hạ cánh an toàn trở về đơn vị.