Phút 'nghẹt thở' cứu người phụ nữ nhảy cầu ở sông Sài Gòn
Nhịp sống - Ngày đăng : 11:09, 05/11/2023
Khoảng 14h ngày 1/11, khi đang di chuyển trên cầu Sài Gòn, anh Nguyễn Hồng Sơn (27 tuổi, trú TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) trông thấy một người phụ nữ đứng giữa cầu, hướng từ Landmark 81 về quận 2.
"Tôi vừa quay mặt nhìn sang hướng khác, người phụ nữ đã trèo qua lan can, nhảy xuống sông", anh Sơn nhớ lại khoảnh khắc diễn ra trong tích tắc, không ai dám nghĩ đến. Anh vội cùng người dân đứng trên cầu đồng loạt tri hô.
Nghe tiếng động lớn cách nơi tàu neo đậu khoảng 100m tại bến Bình An (phường An Khánh, TP Thủ Đức), lại thấy đông người dân tập trung trên cầu Sài Gòn, anh Viết Tiến (máy trưởng Công ty buýt sông Sài Gòn - Saigon Waterbus) biết có người nhảy cầu.
Anh cùng hai đồng nghiệp tức tốc tháo dây neo, khởi động tàu buýt sông đến cứu người phụ nữ đang chới với giữa dòng nước.
Trong đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội, anh Tiến mặc áo phao, nhảy xuống giữ chặt và nâng người phụ nữ lên cao. Các nhân viên khác trên tàu thả phao xuống, cùng anh Tiến đưa nạn nhân lên tàu an toàn.
"Thời điểm đó tôi chỉ nghĩ làm sao cứu người nhanh nhất, không màng đến khó khăn hay sự an nguy của bản thân", anh nói. Là một thuyền viên, anh đã lường trước các tình huống, luôn chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cứu hộ cứu nạn.
Đứng từ trên cầu, anh Sơn nhìn thấy toàn bộ sự việc diễn ra nhanh, từ lúc người phụ nữ nhảy xuống, đến khi được đưa lên tàu chỉ khoảng 5 phút. Nếu chậm một phút, nạn nhân có thể đã chìm hẳn do đuối sức, có dấu hiệu ngất lịm.
"Tình huống xảy ra nhanh. Ai cũng nghĩ người phụ nữ không qua khỏi, nhưng may mắn bà được nhân viên buýt sông cứu sống", anh Sơn nói.
Cơ quan chức năng xác định người phụ nữ khoảng 64 tuổi, trú quận 4 (TPHCM), sức khỏe đã ổn định. Công an phường An Khánh đã bàn giao nạn nhân cho người nhà.
Máy trưởng Viết Tiến nói không riêng bản thân, mà những thuyền viên khác đều sẽ không ngần ngại lao xuống nước cứu người trong tình huống tương tự.
Ông Nguyễn Kim Toản, CEO Công ty TNHH Thường Nhật (Saigon Waterbus) gọi đây là "cam kết trách nhiệm làm nghề".
"Nếu phát hiện những sự việc bất thường, chúng tôi luôn ưu tiên cứu người, nhất là khu vực cầu Sài Gòn thường xuyên xảy ra những vụ nhảy cầu. Đó là điều đã khắc sâu trong tâm khảm người làm nghề đường thủy như chúng tôi", ông Toản nói.
Theo ông, từ năm 2017 khai thác vận hành tuyến buýt đường thủy đến nay, các thuyền viên đã cứu hộ thành công hơn 10 trường hợp. Các nạn nhân gồm cả nam và nữ, trong độ tuổi từ 30 đến 50, hiếm người trên 60 tuổi.
"Hầu hết họ đều quay lại cảm ơn anh em thuyền viên", ông Toản cho hay.
Để kịp thời động viên, khen thưởng việc cứu người trên sông Sài Gòn, Phòng Quản lý đường thủy TPHCM đã đề nghị Phòng Tổ chức cán bộ xem xét, trình Giám đốc Sở Giao thông Vận tải khen thưởng tập thể và cá nhân đã có hành động dũng cảm.