Tiền ồ ạt đổ về, trả lãi trăm nghìn tỷ, chỉ một ngân hàng huy động tăng trưởng âm

Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 11:16, 04/11/2023

Lãi suất huy động xuống mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây nhưng tiền gửi vào ngân hàng vẫn đạt con số kỷ lục. Đáng chú ý, loạt ngân hàng tăng mạnh mức chi cho việc trả lãi tiền gửi với mức tăng lên đến trên 150%.

Hơn 9,2 triệu tỷ đồng gửi vào ngân hàng

Theo báo cáo tài chính quý III được 27 ngân hàng niêm yết vừa công bố, có tới 26 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng dương về tiền gửi của khách hàng.

Trong đó, SeABank là ngân hàng có mức tăng trưởng lượng tiền gửi vượt trội (14,4%) so với quý trước. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, số dư tiền gửi tại nhà băng này đạt hơn 140.000 tỷ đồng.

Tiếp đến là HDBank với mức tăng trưởng tiền gửi trong quý III đạt 10,4%. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, ngân hàng này huy động hơn 341.000 tỷ đồng, dẫn đầu trong số các ngân hàng với mức tăng trưởng đạt 58%.

VPBank cũng gây ấn tượng không kém khi lượng tiền gửi của khách hàng tại ngày 30/9 đạt hơn 421.000 tỷ đồng, tăng 8,7% so với quý trước và tăng 39% so với đầu năm.

Nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần khác có mức tăng trưởng tiền gửi của khách hàng đạt mức khá so với đầu năm như NamA Bank (21%), VietBank (24,9%), SHB (18,2%), BacABank (18,2%), OCB (12,7%), MSB (11%),

Theo đó, tính đến 30/9, tổng lượng tiền gửi của khách hàng tại 27 ngân hàng thương mại cổ phần đạt hơn 9,22 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm.

Với uy tín và vị thế sẵn có, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước gồm BIDV, Vietcombank và VietinBank lần lượt dẫn đầu toàn ngành về lượng tiền gửi của khách hàng (Agribank chưa công bố báo cáo tài chính quý III).

Cụ thể, lượng tiền gửi tại BIDV là 1,567 triệu tỷ đồng, tăng 7,5% so với đầu năm. Tại Vietcombank là 1,34 triệu tỷ đồng, tăng 8,5%, và tại VietinBank là 1,31 triệu tỷ đồng, tăng 4,9% so với đầu năm.

Dù tỷ lệ tăng trưởng về lượng tiền gửi của khách hàng tại 3 ngân hàng nói trên thấp hơn so với nhiều ngân hàng TMCP, nhưng xét về con số tuyệt đối, rõ ràng nhóm “ông lớn” này không có đối thủ.

Trong khi đó, Sacombank là nhà băng huy động được nhiều tiền nhất trong nhóm các ngân hàng tư nhân, đạt 507.000 tỷ đồng. Tiếp theo là MB, ACB, SHB, VPBank, Techcombank, HDBank, LPBank, và VIB. Đó là những ngân hàng có số dư tiền gửi đạt từ 200.000 tỷ đồng trở lên.

TPBank là ngân hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng âm về tiêu chí này khi lượng tiền gửi 9 tháng đầu năm đạt hơn 193.000 tỷ đồng, giảm 0,6%.

TIỀN GỬI KHÁCH HÀNG TẠI CÁC NGÂN HÀNG NIÊM YẾT TRONG 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2023 
STTNGÂN HÀNGTIỀN GỬI (tỷ đồng)TĂNG TRƯỞNG SO VỚI 9 THÁNG NĂM 2022
1BIDV1.583.5447,50%
2VIETCOMBANK1.349.0078,50%
3VIETINBANK1.310.3244,9%
4SACOMBANK507.83311,70%
5MB479.7338,10%
6ACB445.5007,60%
7SHB427.44918,20%
8VPBANK421.47239%
9TECHCOMBANK409.04514,1%
10HDBANK341.71358,30%
11LPBANK228.4015,80%
12VIB213.5346,70%
13TPBANK193.753-0,60%
14EXIMBANK153.9683,60%
15NAM A BANK151.32021,10%
16SEABANK140.96322%
17MSB129.61910,7%
18OCB115.15212,70%
19BAC A BANK114.58618,20%
20ABBANK92.83910,40%
21VIET A BANK87.65824,90%
22VIETBANK85.84813%
23NCB75.3615,60%
24KIENLONGBANK56.3978%
25VIETCAPITAL BANK53.8667,50%
26PGBANK34.0989,1%
27SAIGONBANK22.87811,60%
TỔNG: 9.225.861 tỷ đồng

Bất ngờ ngân hàng trả lãi khủng

Với việc tiền gửi của khách hàng liên tục tăng lên mức kỷ lục trong 9 tháng đầu năm, đặc biệt là 2 quý gần đây, nên dù lãi suất huy động theo công bố của các ngân hàng đã xuống thấp chưa từng có, nhưng 27 ngân hàng niêm yết lại chi rất mạnh tay cho việc trả lãi cho khách hàng gửi tiền.

Theo thống kê, tổng số tiền 27 ngân hàng này đã trả lãi cho người gửi tiền trong 9 tháng đầu năm là 398.723 tỷ đồng, tăng mạnh 79% so với cùng kỳ năm 2022 và tương đương với khoảng gần 5% so với tổng lượng vốn huy động của các ngân hàng này.

Trong đó, những ngân hàng dẫn đầu về mức chi lãi huy động đương nhiên đều là những ngân hàng dẫn đầu về lượng tiền gửi.

Cụ thể, BIDV đã chi hơn 63.000 tỷ đồng chỉ để trả lãi cho khách gửi tiền, tăng 61% so với 9 tháng đầu năm ngoái. VietinBank đứng thứ hai với 53.000 tỷ đồng, tăng 58%; Vietcombank chi 40.565 tỷ đồng, tăng mạnh 76%; SHB chi 26.754 tỷ đồng, tăng 73%; Sacombank chi 23.855 tỷ đồng, tăng mạnh 92%.

Chi phí trả lãi huy động của VPBank cũng tăng “khủng”, đạt tới 112% sau khi nhà băng này chi 19.500 tỷ đồng.

ACB cũng đã chi tới 19.000 tỷ đồng cho việc trả lãi huy động, tăng 83% so với cùng kỳ; HDBank cũng chi lớn lên mức 17.500 tỷ đồng, tăng 118%.

Thậm chí, mức tăng trưởng của chi lãi huy động tại MB và Techcombank còn lần lượt đạt 128% và 151% với con số 16.000 tỷ đồng và 14.500 tỷ đồng.

Techcombank cùng với MSB là hai ngân hàng tăng mạnh nhất về tốc độ tăng trưởng của chi trả lãi huy động. Mức tăng tại MSB lên đến 159% so với 9 tháng đầu năm ngoái.

Ngoài ra, một số nhà băng có mức chi cho việc trả lãi huy động tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm ngoái như: ABBank (100%), TPBank (109%), KienLongBank (113%).

Việc các ngân hàng tăng mạnh mức chi cho việc trả lãi tiền gửi 9 tháng đầu năm không phải do lãi suất tiền gửi tăng cao mà chủ yếu do lượng tiền gửi của dân cư liên tục tăng cao trong những tháng gần đây.

Số liệu mới nhất vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, trong tháng 8, người dân gửi thêm vào hệ thống ngân hàng khoảng 43.723 tỷ đồng. Mức tăng này cải thiện đáng kể so với mức 6.700 tỷ đồng tháng 7 liền trước hay mức 35.300 tỷ đồng của tháng 6 và 14.700 tỷ đồng của tháng 5.

THỐNG KÊ CHI PHÍ LÃI TIỀN GỬI TẠI CÁC NGÂN HÀNG 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2023
STTNGÂN HÀNGTRẢ LÃI TIỀN GỬI (đvt: tỷ đồng)THAY ĐỔI SO VỚI CÙNG KỲ 
1BIDV63.28261%
2VIETINBANK53.00058%
3VIETCOMBANK40.56576%
4SHB26.75473%
5SACOMBANK23.85592%
6VPBANK19.481112%
7ACB18.99983%
8HDBANK17.472118%
9MBBANK16.083128%
10TECHCOMBANK14.500151%
11LPBANK12.60076%
12VIB11.90079%
13TPBANK10.000109%
14NAM A BANK8.90078%
15EXIMBANK7.80069%
16BAC A BANK7.79042%
17SEABANK7.50065%
18MSB5.900159%
19VIETBANK5.30057%
20VIET A BANK5.30980%
21ABBANK5.100100%
22NCB4.37268%
23KIENLONGBANK3.900113%
24VIETCAPITAL BANK3.50063%
25OCB2.05051%
26PG BANK1.60058%
27SAIGONBANK1.50081%
TỔNG: 398.723 TỶ ĐỒNG