Ô tô cỡ nhỏ liệu có nguy cơ 'tuyệt chủng' trong trào lưu xe điện?
Xa lộ - Ngày đăng : 22:30, 03/11/2023
Quá trình chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang năng lượng điện chắc chắn sẽ định hình lại ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Hầu hết mọi thứ liên quan đến ô tô đều đang thay đổi, từ khái niệm và cách các nhà sản xuất thiết kế, phát triển xe, cho đến cách khách hàng lái xe và tương tác với xe.
Một số quốc gia và nhà sản xuất đã chuẩn bị kỹ càng hơn cho sự thay đổi này so với số khác, và có thể nói rằng từng phân khúc cũng vậy.
Trong khi SUV và xe hạng sang có xu hướng dễ thích ứng hơn với hệ truyền động mới, thì các phân khúc khác, như xe cỡ nhỏ (còn gọi là supermini hoặc phân hạng B) phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Vấn đề mấu chốt nằm ở giá bán.
Pin vẫn đang là yếu tố quan trọng trong giá thành sản xuất xe điện. Và chi phí đó gần như cố định dù là một chiếc xe hạng sang hay một chiếc xe đô thị nhỏ xinh.
Đây là lý do tại sao các nhà sản xuất ô tô Mỹ và châu Âu bắt đầu phát triển danh mục sản phẩm xe điện của họ bằng xe sang. Những người mua xe ở phân khúc này dễ chấp nhận mức giá cao hơn, còn những người tìm kiếm xe nhỏ, giá rẻ sẽ không sẵn lòng hoặc không có khả năng chi trả cao hơn.
Đó là lý do tại sao trên thị trường hiện nay không có nhiều xe điện cỡ nhỏ. Liệu điều này có tiếp diễn trong tương lai?
Tương lai mờ mịt
Trong nửa đầu năm 2023, chỉ có 18 mẫu xe điện cỡ nhỏ khác nhau cho phân khúc A và B có mặt ở châu Âu. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, số lượng nhiều gần gấp đôi, với 34 mẫu khác nhau. Ở Mỹ chỉ có hai mẫu: Chevrolet Bolt EV và Mini Electric.
Trong khi đó, trên thị trường có rất nhiều xe động cơ đốt trong cỡ nhỏ cho người mua lựa chọn.
Tương lai của ô tô cỡ nhỏ vì thế có hai mặt. Một mặt là có những sản phẩm được sản xuất ở châu Âu, sẽ tồn tại tùy thuộc vào việc nhà sản xuất có thể giảm chi phí pin hay không.
Châu Âu là khu vực có chi phí sản xuất ô tô rất cao, nên bất kỳ sự gia tăng chi phí nào cũng sẽ ảnh hưởng tới sự sống còn của những phân khúc có tỷ suất lợi nhuận thấp.
Bên cạnh đó, áp lực lớn đến từ phía các chính phủ do ưu tiên xe điện đã buộc các nhà sản xuất phải ngừng sản xuất ô tô cỡ nhỏ hoặc chuyển dây chuyền sản xuất ra ngoài châu Âu.
Mặt khác, trong khi áp lực này ngày càng gia tăng đối với các nhà sản xuất châu Âu, nó lại trở thành cơ hội hoàn hảo để ngành công nghiệp Trung Quốc lấp chỗ trống.
Trên thực tế, Trung Quốc có thể sản xuất ô tô điện rẻ hơn nhờ chính sách khuyến khích của chính phủ nước này, cùng với lực lượng lao động cạnh tranh hơn.
Một chiếc xe cỡ nhỏ của Trung Quốc có giá trung bình thấp hơn 58% so với xe cùng loại không phải của Trung Quốc sản xuất, nghĩa là nó có tiềm năng tạo cú sốc ở các thị trường nước ngoài.
Do đó, ô tô cỡ nhỏ do châu Âu sản xuất đang có nguy cơ "tuyệt chủng", trừ khi chi phí sản xuất giảm hoặc có các quy định hạn chế ô tô Trung Quốc tràn vào khu vực thị trường này.
Ô tô cỡ nhỏ có thực sự là phân khúc quan trọng?
Điều này đưa chúng ta đến một tình thế khó khăn nhưng thú vị. Liệu các nhà sản xuất ô tô Mỹ hay châu Âu sẽ quan tâm đến việc sản xuất ô tô cỡ nhỏ vốn không mang lại lợi nhuận cao như các phân khúc lớn hơn?
Hay liệu các công ty có rời bỏ hoàn toàn phân khúc này, nhường lại sân chơi cho các công ty Trung Quốc?
Hoặc có thể tồn tại sự kết hợp, trộn lẫn trong sản xuất không? Hiện chúng ta thấy một số thương hiệu phương Tây đầu tư vào các nhà máy và sản xuất ô tô ở Trung Quốc, để phục vụ cả cho cả thị trường Trung Quốc và nước ngoài. Và mọi người vẫn đang mua những chiếc xe này.
Phân khúc xe nhỏ hạng A và B chiếm 23% doanh số xe du lịch ở châu Âu trong năm 2022, chiếm 51% ở Ấn Độ, 28% ở Đông Nam Á - Thái Bình Dương, và 38% ở châu Phi.
Do đó, đây vẫn là một phân khúc quan trọng xét về mặt số lượng. Liệu phương Tây nhường chúng cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc ngay cả khi chúng không mang lại lợi nhuận như các phân khúc cao hơn? Chỉ thời gian mới có thể trả lời.
Theo Dân trí