Lãng mạn một nghĩa khí Nam Bộ
Dòng chảy - Ngày đăng : 13:14, 03/11/2023
Có thể nói Một thời ngang dọc là một chân dung tổng hợp những nhân vật mang tính chất rất đặc thù Nam Bộ của nhà văn Sơn Nam.
Những nguyên mẫu lên phim.
Ba Lành là hình ảnh của một Đơn Hùng Tín trong truyện Sự ra đời của Đơn Hùng Tín, một người đi ăn cướp của người giàu để chia cho người nghèo. Nhân vật Ba Lành, sau khi trở thành chủ soái của Nghĩa Dõng Đoàn, bởi nôn nóng muốn tìm cách nhanh nhất đánh thắng quân Pháp đã kéo quân lên núi Cấm làm... ông đạo, tin rằng nhờ vào phép màu đạn bắn sẽ không thủng nghĩa quân.
Hình ảnh đạo sĩ này đã từng được nhà văn Sơn Nam mô tả trong tác phẩm Những ông đạo đồng bằng sông Cửu Long. Đó là những kẻ nuôi ý chí lớn nhưng do ý thức rõ sự hạn chế của con người nên gửi niềm tin vào sức mạnh của thần thánh.
Trong phim có cảnh hội đồng Dương được nhận huy chương nông nghiệp của thực dân Pháp, tổ chức một bữa tiệc liên hoan có món “bò gác tréo” là chi tiết được nhà văn Sơn Nam tả rất sinh động trong truyện Con trích ré.
Một nhân vật khác dễ gây ấn tượng với người xem là ông Vân Tiên mù do nghệ sĩ Lê Bình thủ diễn. Đó chính là hình ảnh của nhân vật trong tác phẩm Người mù giăng câu. Ông bị mù sống nhờ nghề giăng câu nhưng hay mượn lời thơ trong tác phẩm Lục Vân Tiên để châm chích mỗi khi gặp bọn cường hào ác bá.
Cô gái tên Thơm (Hoài An đóng) là bóng dáng của “con Bảy” trong truyện Con Bảy đưa đò, một nữ thương hồ rày đây mai đó trên sông nước. Chỉ vì yêu Sáu Đạt (Công Hậu), một cán bộ Việt Minh mà trở thành một chiến sĩ cách mạng.
Thầy Năm Hên (Thành Lũy đóng), một “ông đạo” giỏi võ nghệ, biết bốc thuốc được xây dựng từ hình tượng của nhân vật trong truyện Tướng cướp cờ đen. Chi tiết thầy Năm Hên và Ba Lành đi bắt cá sấu được hình thành từ truyện Bắt sấu rừng U Minh Thượng.
Hầu hết những nhân vật, những tình tiết diễn ra trong phim Một thời ngang dọc đều được bắt gặp đó đây trong các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam mà phần lớn là ở tập truyện Hương rừng Cà Mau (tập 1 và 2).
Một thử nghiệm mới trong chuyển thể.
Theo nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân, tác giả của bộ phim, thì khác với cách chuyển thể trọn vẹn từ văn học sang điện ảnh như anh đã làm qua bộ phim Mê Thảo
Thời vang bóng với tiểu thuyết Chùa Đàn của Nguyễn Tuân, kịch bản Một thời ngang dọc được xây dựng một cách độc lập về cốt truyện. Tác giả kịch bản đã lấy ra trong tác phẩm của Sơn Nam những nhân vật đặc trưng nhất, đắp thêm “da thịt” - cũng từ những chi tiết của nhà văn để hình thành nên một truyện phim được dẫn dắt bởi ý tưởng chủ đạo, hướng về cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp và giành độc lập cho Tổ quốc.
Đó là những nhân vật sống vào thời kỳ tiền cách mạng, bị áp bức bóc lột nhưng không biết đấu tranh cách nào để giải thoát. Những cuộc khởi nghĩa tự phát như kiểu Ba Lành thường gặp thất bại và họ đã tìm được đúng đường khi theo Sáu Đạt về với Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội của Nguyễn Ái Quốc.
Từng chuyển thể thành công truyện ngắn Cây huê xà của Sơn Nam thành bộ phim dài hai tập trước đây, lần này, với Một thời ngang dọc, nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân cùng với đạo diễn Xuân Cường đã làm toát lên phần nào bối cảnh sông nước, phong tục tập quán cùng tinh thần hiệp nghĩa của con người miền Tây Nam Bộ. Đây là một tính cách có giá trị đạo đức truyền thống: bên cạnh chất anh hùng hảo hán là chữ tín - hứa một lời là nhớ cho đến chết.
Bối cảnh trong phim Một thời ngang dọc phần lớn được quay ở xã Bình Hòa Phước, huyện Đông Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ở đây, hiện còn có đến 10 ngôi nhà cổ ba gian có tuổi thọ trên 100 năm, rất thuận lợi cho việc thiết kế loại phim cổ trang. Diễn viên Quyền Linh trong vai Ba Lành được xem là phù hợp từ nhân dáng “sần sùi” đến cái hồn bên trong toát lên được vẻ nhân hậu, mã thượng. Toàn bộ những cảnh đánh võ trong phim đều do cascadeur thực hiện, lúc cao điểm có đến 12 võ sĩ tham gia.
Ca khúc chính của phim Thương khúc ca xưa là của nhạc sĩ trẻ Nguyễn Nhất Huy. Trước đó, ca khúc Lưu luyến tình quê anh viết cho phim Cây huê xà đã trở thành một bài hát mang âm hưởng dân ca được yêu thích.
------------------------
Tóm tắt truyện phim
Ba Lành (Quyền Linh) là một chàng nông dân giỏi võ nghệ yêu Sen (Lâm Bảo Như), con gái của ông già mù Vân Tiên. Nhưng nhan sắc mặn mà của Sen lại lọt vào tầm ngắm của hội đồng Dương (Thương Tín). Hắn tổ chức võ đài với mục đích mượn tay một võ sĩ người Pháp để giết Ba Lành hòng chiếm đoạt Sen nhưng âm mưu bất thành vì Ba Lành lại là người chiến thắng. Thế nhưng anh buộc phải đi biệt xứ khi bị gài bẫy, vu cho tội danh giết người. Hận tên hội đồng gian ác đã giết mẹ và người yêu của mình, Ba Lành trở về, một mình đột nhập vào nhà hội đồng Dương định trả thù nhưng thất bại vì đám bảo vệ của hắn quá mạnh. Không có con đường nào khác, Ba Lành bèn tỉ thí với tướng cướp Năm Bùn (Phương Điền) để nắm quyền lãnh đạo băng cướp. Anh biến băng cướp thành Nghĩa Dõng Đoàn, nêu tiêu chí “trừ gian diệt bạo, cứu khổ phò nguy”. Thanh thế Ba Lành và Nghĩa Dõng Đoàn càng lúc càng lan rộng, được sự ngưỡng mộ của dân chúng.
Ba Lành có người bạn thân là Sáu Đạt, cũng là một nông dân giỏi võ, có mối hận thù với thực dân Pháp và bọn địa chủ bóc lột nhưng không đi theo con đường đấu tranh tự phát của Ba Lành mà được giác ngộ cách mạng. Sáu Đạt cản ngăn không cho Ba Lành nôn nóng trả thù hội đồng Dương nhưng thủ lĩnh Nghĩa Dõng Đoàn vẫn đưa “đội quân” tay không chống lại súng đạn, dẫn đến thảm kịch đẫm máu. Trước khi chết, Ba Lành mới thấy hết nỗi đắng cay tuyệt vọng nên trao lại toàn bộ anh em trong Nghĩa Dõng Đoàn cho Sáu Đạt. Sáu Đạt hướng anh em theo con đường kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.