Ratcliffe liệu có thể giải cứu Man Utd khỏi nhà Glazer bằng 25% cổ phần?
Bóng đá quốc tế - Ngày đăng : 06:29, 03/11/2023
Có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa để giải cứu Man Utd khỏi nhà Glazer, nhưng Sir Jim Ratcliffe chỉ muốn mua lại 25% cổ phần đội bóng…
"Nhà Glazer bán Man Utd" là đề tài được đun sôi âm ỉ suốt một năm qua. Trong những diễn biến mới nhất, Sheikh Jassim bin Hamad Al Thani, doanh nhân quyền lực người Qatar đã quyết định rút khỏi cuộc đua mua "Quỷ đỏ", đồng nghĩa ứng viên duy nhất còn lại là tỷ phú Sir Jim Ratcliffe.
Tuy vậy, ông chủ tập đoàn hóa chất khổng lồ INEOS lại đưa ra đề nghị khá kém hấp dẫn cho giới chủ lẫn chính người hâm mộ Man Utd. Theo đó, ông Ratcliffe chỉ mua lượng cổ phần thiểu số của Man Utd, dự kiến khoảng 25% cổ phần. Chú giải thêm, "thiểu số" trong ngôn ngữ tài chính tức là dưới 50%.
Người nắm giữ "cổ phần thiểu số" tức là sở hữu dưới 50% cổ phần, đồng nghĩa việc không phải cổ đông nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp. Hiểu nôm na, Ratcliffe muốn trở thành cổ đông lớn tại Man Utd chứ không phải là ông chủ của đội bóng này.
Hội đồng quản trị Man Utd sẽ sớm nhóm họp theo kế hoạch được sắp xếp từ lâu để đưa ra quyết định. Nguồn tin từ nội bộ Man Utd cho biết, rất khó để sớm đạt được thỏa thuận bởi một loạt vướng mắc có thể nảy sinh.
Đơn cử như tỷ phú Ratcliffe sẽ mua cổ phiếu loại A hay loại B, điều gì xảy đến với các cổ đông khác hay liệu nhà Glazer có "pha loãng" cổ phiếu của họ hay không...
Cần biết, để duy trì quyền lực tại Man Utd, nhà Glazer đã chia cổ phiếu của Man Utd thành 2 loại A và B, trong đó loại B có giá trị gấp 10 lần loại A và chỉ có thành viên gia đình tài phiệt này được nắm giữ. Ratcliffe sẽ không phải nhọc công, tốn sức hay tiêu tốn quá nhiều tiền bạc để có được quyền lực tương đương…
Lý giải về quyết định chỉ trở thành cổ đông thiểu số ở Man Utd của Ratcliffe, Jordan Gardner, nhà đầu tư từng sở hữu cổ phần của câu lạc bộ (CLB) Helsingor ở Đan Mạch, Dundalk ở Ireland và Swansea City, đội bóng đang chơi tại giải Hạng Nhất Anh, đưa ra quan điểm: "Nhìn chung, đầu tư nhỏ giọt là cách tốt nhất để các nhà đầu tư bước chân vào các đội bóng nhưng không phải chịu nhiều tránh nhiệm. Họ sẽ không bị soi mói và cũng là cách để hạn chế rủi ro cho số tiền đầu tư".
Hồi tháng 9, Fenway Sports Group (FSG) đã bán số ít cổ phần của Liverpool cho Dynasty Equity, một công ty quản lý quỹ hay có thể hiểu là quỹ đầu tư tư nhân ở Mỹ. Thỏa thuận này có trị giá từ 100 đến 200 triệu USD, tương đương 1,9% đến 3,8% cổ phần đội chủ sân Anfield.
Tại Newcastle United, Public Investment Fund (PIF), Quỹ Đầu tư Công Saudi Arabia, sở hữu 80% cổ phần, trong khi PCP Capital Partners (10%) và các anh em Reuben (10%) nắm giữ phần còn lại. Silver Lake, một quỹ đầu tư tư nhân ở Mỹ khác, sở hữu 18% cổ phần tại City Football Group, công ty mẹ của Man City.
Trong khi đó, Crystal Palace có 4 cổ đông lớn là Steve Parish, Josh Harris, David Blitzer và John Textor. Một số đội bóng khác tại Premier League cũng có nhiều chủ sở hữu như một xu hướng.
Nguồn lực tài chính eo hẹp cũng như giá trị các CLB ngày càng tăng khiến việc trở thành ông chủ đội bóng thông qua cách mua trên 50% cổ phần trở nên khó khăn hơn. "Không phải ai cũng sẵn sàng chấp nhận rủi ro để mua lại một đội bóng. Vậy tại sao không mua 20% cổ phần? Chừng này là đủ để có một chỗ trong hội đồng quản trị.
Nhiều người thường để ý tới tỷ lệ phần trăm cổ phần, nhưng thực ra nên tập trung vào quyền hạn đi kèm với số cổ phần đó. Bạn có thể chỉ sở hữu 10% cổ phần nhưng sức ảnh hưởng lại hơn 10%!", chuyên gia tài chính bóng đá Kieran Maguire đưa ra quan điểm trên tờ The Athletic.
Theo Ajadi, trợ lý Giám đốc tại Deloitte's Sports Business Group tiếp lời: "Tất cả phụ thuộc vào những gì được thương lượng trên bàn đàm phán. Không có thỏa thuận nào tuyệt đối giống thỏa thuận nào. Có thể có trường hợp cổ đông nào đó có nhiều quyền lực hơn tỷ lệ số phần trăm cổ phần họ sở hữu".
Trở lại với trường hợp tỷ phú Ratcliffe và Man Utd. Với khối tài sản ước tính hơn 36 tỷ USD, người sáng lập INEOS đủ khả năng mua đứt Man Utd, được định giá từ 6 đến 6,5 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ cần bỏ ra một phần tư số tiền vừa nêu, Ratcliffe vẫn giành được phần lớn quyền lực tại Old Trafford.
Có thể vị tỷ phú này không tự quyết định ghế khán đài sơn màu gì, ban huấn luyện nên ký hợp đồng với cầu thủ nào hay giá một chiếc xúc xích trong sân là bao nhiêu, những việc thực tế ông không cần can thiệp, Ratcliffe lại có quyền kiểm soát các hoạt động của đội bóng với tư cách cổ đông lớn.
Các cổ đông còn lại dù sở hữu 75% cổ phần không thể kiểm soát hoạt động vì thiếu sự đồng nhất giữa quá đông người.
Một khía cạnh khác là vị thế của Ratcliffe. Nhà Glazer muốn bán Man Utd và ông chủ INEOS là khách hàng duy nhất. Người hâm mộ cũng như cổ đông khác của đội chủ sân Old Trafford cũng chán ngán giới chủ người Mỹ đến tận cổ và mong chờ sự giải thoát đến từ Ratcliffe (một cổ động viên Man Utd từ tấm bé) như nắng hạn chờ mưa rào.
Vào sinh nhật thứ 70, Sir Jim Ratcliffe đã nhận được lời chúc từ những huyền thoại của Man Utd, bao gồm David Beckham và Sir Alex Ferguson. Song, món quà lớn nhất dành cho vị tỷ phú này là một ghế trong hội đồng quản trị đội bóng.
Một năm sau nhiều đồn đoán, thương vụ đổi chủ của Man Utd đang tiến đến hồi kết. Sheikh Jassim bin-Hamad al-Thani đã rút lui vì sự "ngáo giá" của gia đình Glazer. Ngay lập tức, giới thạo tin tiết lộ Ratcliffe tiến gần một thỏa thuận mua lại 25% cổ phần Man Utd.
Nếu được hội đồng quản trị chấp thuận, sự xuất hiện của Sir Jim Ratcliffe sẽ nhanh chóng kéo theo đợt tăng vốn để mang lại nguồn tiền mới cho đội bóng. Tiếp đến, Ratcliffe và cộng sự Sir David Brailsford (Giám đốc thể thao Ineos) sẽ giữ hai ghế tại ban kiểm soát được lập ra để giám sát hoạt động bóng đá của Man Utd. Thành viên còn lại của ban này là Joel Glazer, Chủ tịch hiện tại của Man Utd.
Cách dàn xếp này đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Ratcliffe trở thành một phần của đội bóng ông yêu mến từ thuở thiếu thời và giữ ngọn cờ tiên phong trong công cuộc hồi sinh sự thịnh vượng của CLB vĩ đại bậc nhất lịch sử túc cầu.
Trong khi đó, gia đình Glazer vẫn nắm quyền kiểm soát khối tài sản có thể ví là "con gà đẻ trứng vàng" như Man Utd nhưng vẫn thu về được khoản tiền lớn.
Nhà Glazer vẫn có thể "cưỡi sóng" dư luận lẫn lợi nhuận nếu Ratcliffe thành công và tìm ai đó để đổ lỗi nếu vị tỷ phú này thất bại. Về phần cổ động viên, mặc dù nảy sinh tranh cãi vì thương vụ "nửa nạc, nửa mỡ" này, nhưng ít nhất vẫn có triển vọng chứng kiến một số sự thay đổi.
Những người có thể đang tự hỏi điều gì đang chờ đợi họ là những cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu của Man Utd được niêm yết trên sàn chứng khoán New York. Trước thời điểm nhà Glazer thông báo "đánh giá chiến lược" Man Utd cách nay gần một năm, cổ phiếu của đội bóng này giao dịch ở mức khoảng 13 USD.
Đến tháng 2/2023, trong bối cảnh có những đồn đoán gây sốt về đề nghị khổng lồ đến từ Qatar, giá cổ phiếu Man Utd tăng lên gần 27 USD cho một cổ phiếu.
Kể từ đó, đã có những thăng trầm nhưng tin tức mới nhất về việc có sự tham gia của Ratcliffe đã làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, giảm hơn 10% trong tuần trung tuần tháng 10. Ở mức 17,5 USD, đây là mức thấp nhất kể từ khi nhà Glazer thông báo về khả năng bán Man Utd.
Mặc dù đề nghị của Ratcliffe được đánh giá cao, vẫn còn nhiều hoài nghi chưa thể giải đáp về chi tiết thỏa thuận vị tỷ phú này đưa ra cho nhà Glazer. Các nhà đầu tư đặt niềm tin vào việc mua lại toàn bộ CLB có lẽ sẽ thất vọng, trong khi khả năng bán thêm cổ phần dẫn đến nguy cơ giảm tỷ lệ sở hữu của họ.
Với triển vọng thương mại của Man Utd vốn không phụ thuộc chặt chẽ vào thành tích trên sân cỏ, những cổ đông nhỏ lẻ sẽ không quan tâm lắm về việc tái cơ cấu đội bóng để cải thiện chuyên môn.
"Fergie time" là thuật ngữ nói về những phút bù giờ trong thi đấu bóng đá, khoảng thời gian Man Utd thường tạo ra điều kỳ diệu dưới thời Sir Alex Ferguson. Thương vụ Man Utd đã bước qua thời gian thi đấu chính thức và bước vào những phút bù giờ này.
Điều được chờ đợi bây giờ là tỷ phú Ratcliffe có thể mang lại điều kỳ diệu nào cho các nhà đầu tư và người hâm mộ, thông qua thỏa thuận với nhà Glazer.
Tác phẩm nghệ thuật đắt nhất của Leonardo da Vinci, từng được bán với giá 450 triệu USD tại cuộc đấu giá của Christie's vào năm 2017, chỉ mất vài phút để hoàn tất giao dịch. Cuộc đấu giá về một tài sản quý giá khác, Man Utd, đã mất gần một năm để tiến gần tới một phần giao dịch giữa giới chủ Man Utd và tỷ phú Ratcliffe, với giá trị không rõ ràng.
Tháng 11/2022, nhà Glazer quyết định bán Man Utd với kỳ vọng thu về từ 6 đến 8 tỷ USD. Tuy nhiên, sau khi dò tìm khách hàng tiềm năng trên khắp thế giới, giới chủ Man Utd chỉ tìm được một nhà đầu tư duy nhất sẵn sàng mua lại toàn bộ cổ phần đội bóng.
Đó là Sheikh Jassim bin Hamad al-Thani. Tuy nhiên, doanh nhân quyền lực người Qatar này đã rút lui vì nhận thấy đang phải đấu giá chống lại chính mình.
Cuộc đấu giá thất bại cho thấy thách thức khi bán bất kỳ tài sản nào mà giá trị chủ yếu nằm trong mắt (hoặc trong trái tim) của nhà đầu tư hơn là trong dòng tiền cơ bản. Điều này cũng phản ánh sự khan hiếm của những người mua cho một CLB hàng đầu Ngoại hạng Anh.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy sợ hãi trước tính chất hoang đường của Premier League. Tại Anh, họ phải đối mặt với một hệ thống không giới hạn lương (ngoại trừ các quy tắc công bằng tài chính được thi hành yếu kém), thuế suất cao và thiếu ưu đãi, cũng như hậu quả tài chính khôn lường nếu không giành được vé dự Champions League hoặc tồi tệ hơn nữa là rớt hạng.
Bộ phim kinh dị đang diễn ra tại Chelsea thời hậu Roman Abramovich chính là bài học nhãn tiền cho mọi doanh nhân dự định đầu tư vào bóng đá Anh.
Ratcliffe không phải nhà đầu tư ngoại quốc. Ông lớn lên cùng tình yêu Man Utd và hiểu rõ lịch sử, văn hóa của đội bóng vĩ đại nhất xứ sở sương mù.
Ông chứng kiến cả hai giai đoạn vàng son nhất của Man Utd, một dưới sự dẫn dắt của Sir Matt Busby từ năm 1945 đến 1969 và một là kỷ nguyên của Sir Alex Ferguson từ năm 1986 đến 2013, và ông hiểu rằng thành công của đội bóng được xây dựng từ nền tảng là những tài năng "cây nhà lá vườn".
Đối chiếu với những năm tháng hoang tàn thời hậu Sir Alex, trong đó tuyển dụng 9 huấn luyện viên, tiêu tốn hơn 1 tỷ USD trên thị trường chuyển nhượng nhưng chỉ giành vỏn vẹn 4 danh hiệu, không hề có Premier League hay Champions League, Man Utd đang ngày càng tụt dốc.
Ê chề hơn nữa cho người hâm mộ Quỷ đỏ, là sự trỗi dậy mạnh mẽ của Man City, đội bóng nhiều năm chỉ là cái bóng của Man Utd ở thành Manchester.
Dưới sự dẫn dắt của Pep Guardiola, nhà cầm quân xuất sắc nhất trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại, Man City đã giành tổng cộng 15 danh hiệu từ năm 2016 đến nay, bao gồm "cú ăn ba" mùa giải trước, san bằng kỷ tích Man Utd xác lập vào năm 1999, nhiều năm trước khi chân sút Rasmus Hojlund ra đời.
Ngoài việc cung cấp cho Man Utd thế hệ cầu thủ tiếp theo, vốn cần ít nhất 5 năm để thấy được kết quả, những ông chủ mới của CLB sẽ đối diện với một thách thức khác: sân vận động. Old Trafford đáng tiếc đang dần mất đi phần hồn và sự hấp dẫn đối với các ngôi sao hàng đầu.
Không chỉ vấn đề tiền bạc mà còn danh tiếng. Real Madrid vẫn là giấc mơ của mọi siêu sao cho dù không phải lúc nào đội bóng này cũng đưa ra đề nghị nhiều tiền nhất. Giá trị cốt lõi của đội bóng Hoàng gia là tinh thần quật khởi, khát vọng tận hiến của từng cầu thủ khoác lên mình màu áo trắng.
Man Utd cũng sở hữu lịch sử đầy hiển hách nhưng 10 năm lụn bại cùng cung cách điều hành vô cảm và tham lam của nhà Glazer đã khiến khí phách được xây dựng từ thời Sir Alex dần mai một. Hai trận thua cùng tỷ số 0-3 trước Man City (Premier League) và Newcastle (Cúp Liên đoàn Anh) cho thấy Man Utd thời Ten Hag đang đi đến khủng hoảng.
Vì lẽ đó, di sản Man Utd ngày càng bị hoen ố. Với tư cách một người hâm mộ Man Utd lâu năm, hy vọng Ratcliffe hiểu rõ vấn đề thay vì chỉ xem đội bóng này như một công cụ kiếm tiền.