Thanh Hóa tích tụ ruộng đất, thu nhập đến 500 triệu đồng/ha
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 11:32, 02/11/2023
Cho thu nhập 500 triệu đồng/ha
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT), Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên trên địa bàn cả nước ban hành Nghị quyết số 13 ngày 11/1/2019 về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn công nghệ cao.
Nghị quyết ban hành với mục tiêu chung nhằm đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hoá tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hoá, tự động hoá; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Qua sau 4 năm triển khai, đến tháng 6/2023 (tính cả giai đoạn trước), tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao toàn tỉnh đạt 46,3 nghìn ha. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt hơn 18,5 nghìn ha; chăn nuôi 9.500ha; thủy sản 3.400ha; lâm nghiệp 15.000ha...
Tính riêng giai đoạn từ 2021 đến nay, tổng diện tích tích tụ ước đạt 19,6 nghìn ha, đạt 61,1 % so kế hoạch giai đoạn 2021-2025 (32.000 ha).
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa, cho biết, nhờ tích tụ, tập trung được ruộng đất đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết hữu cơ giữa cây trồng với vật nuôi gắn với thị trường tiêu thụ nên thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình như: Liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất hạt giống lúa lai F1, giống lúa thuần và lúa thương phẩm tại huyện Yên Định, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Nông Cống, TP. Thanh Hóa... đã tăng hiệu quả kinh tế từ 1,2 - 1,5 lần so với sản xuất thông thường, lợi nhuận cao hơn từ 30-50 triệu đồng/ha.
Mô hình tích tụ đất để trồng cây ăn quả có múi tại huyện Thọ Xuân, Thạch Thành, Như Xuân,... cho thu nhập 500 triệu đồng/ha, lợi nhuận 350 triệu đồng/ha; mô hình trồng cây dược liệu (huyện Triệu Sơn) cho thu nhập 400 triệu/ha/năm...
Vẫn còn tâm lý bám đất, sợ mất đất
Dù mang lại hiệu quả rõ rệt nhưng theo ông Cao Văn Cường, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc thực hiện nghị quyết chưa chặt chẽ; chưa có hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến công tác tổ chức thực hiện.
Tâm lý bám đất, sợ mất đất của bà con nông dân cũng khiến nhiều hộ thiếu lao động sản xuất nông nghiệp, sản xuất bỏ vụ nhưng cũng không cho tổ chức cá nhân khác thuê lại đất để sản xuất do sợ mất đất.
Hạn mức giao đất nông nghiệp theo Luật đất đai thấp đã ảnh hưởng và kìm hãm về đầu tư tích tụ đất đai sản xuất nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề ra một loạt giải pháp, trong đó nhấn mạnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân. Giải quyết tâm lý hoài nghi bị mất đất, giữ đất của một bộ phận nông dân dẫn đến tình trạng manh mún, nhỏ lẻ; sản xuất không hiệu quả song vẫn không chuyển nhượng, cho thuê đất...
Qua đó, đề nghị Sở TN-MT khẩn trương tham mưu ban hành hướng dẫn trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.
Địa phương cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT rà soát, đề xuất với Quốc hội sửa đổi, bổ sung những bất cập trong Luật Đất đai về hạn mức giao đất nông nghiệp (nâng cao hạn mức giao đất) để tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích nhân dân tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Lê Dương