Chuyên gia cảnh báo một căn bệnh tâm lý ở trẻ, không phải trầm cảm nhưng nguy hiểm chẳng kém
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 17:21, 01/11/2023
Giáo sư Hà Lĩnh Phong, một chuyên gia Tâm lý nổi tiếng của Trung Quốc từng chia sẻ câu chuyện về vợ chồng một vị giáo sư đại học khác đưa con trai 14 tuổi đến gặp ông. Cậu con trai 14 tuổi, từng cắt cổ tay và nhảy khỏi ban công nhiều lần.
Cậu bé hỏi: "Thầy Hà, thầy có nghĩ con người sớm hay muộn sẽ chết không?". Giáo sư nói: "Có". Đứa trẻ nói tiếp: "Con năm nay 14 tuổi, bố mẹ đều là Giáo sư đại học nên từ nhỏ đã trải qua đủ thứ ăn, chơi. Con cảm thấy cuộc đời mình không có gì phải hối tiếc.
Nếu bây giờ con không chết, năm sau sẽ thi vào cấp 3. Nếu không đỗ vào trường tốt, bố mẹ con sẽ rất xấu hổ. Sau khi vào được một trường trung học tốt, con cũng cần phải vào một trường đại học tốt, và sau đó, phải học Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ. Dù có đọc bao nhiêu đi chăng nữa, có thể con cũng không thể giỏi bằng bố mẹ. Nhìn hai người họ xem, quan hệ vợ chồng không tốt, suốt ngày cãi vã, chiến tranh lạnh, học nhiều thì có ý nghĩa gì?.
Tại sao con lại phải bị cả xã hội hành hạ rồi chết? Sớm muộn gì cũng sẽ chết, chết bây giờ chẳng phải là tốt sao?".
Ảnh minh họa
Nghe đứa nhỏ nói xong, Giáo sư Hà thực sự cảm động: "Cuộc sống khó khăn thật. Nhưng thế thì con cũng có thể chơi game mỗi ngày!". Cậu bé trả lời: "Chơi game chẳng ích gì. Trò chơi nào con cũng chơi hết, thế thôi".
Cuộc trò chuyện khiến nhiều người thấy lòng mình thắt lại. Chuyện gì đã xảy ra với con cái chúng ta? Có thực sự chỉ là trầm cảm?
Tiến sĩ Từ Khải Văn, từng làm việc tại Trung tâm Tư vấn và Giáo dục Sức khỏe Tâm thần Sinh viên của Đại học Bắc Kinh đã bài phát biểu tại một hội nghị. Ông gọi trường hợp này là: "Bệnh tim rỗng". Một đứa trẻ mắc hội chứng tim rỗng điển hình sẽ mô tả bản thân như thế này:
"Tôi cảm thấy như đang ở trên một hòn đảo bị chia cắt. Tôi không biết mình đang làm gì, muốn đạt được thứ gì và thỉnh thoảng tôi cảm thấy sợ hãi. Trong 19 năm qua, tôi chưa bao giờ sống cho chính mình và tôi chưa bao giờ được sống".
Bệnh tim rỗng trông giống như trầm cảm, tâm trạng chán nản, mất hứng thú. Nếu đến bệnh viện tâm thần thì chắc chắn sẽ được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm, nhưng vấn đề là thuốc nào cũng không có tác dụng.
Có thể nói, trẻ em thế hệ này được giáo dục tốt nhất và được hưởng những điều kiện vật chất tốt nhất. Nhưng thế giới tinh thần của họ dường như trở nên cằn cỗi hơn bao giờ hết. Một đứa trẻ nội tâm nghèo nàn và không có ý thức tự nhận thức về bản thân sẽ khó có được hạnh phúc trong cuộc sống, dù có xuất sắc đến đâu.
Vậy làm thế nào để con chúng ta tránh xa "bệnh tim rỗng"?
Trở lại câu chuyện bên trên, Giáo sư Hà hỏi cậu bé: "Con thấy cuộc sống bây giờ còn điều gì thú vị nữa?". Cậu bé lắc đầu: "Không có gì đâu, nhưng cuối tuần con sẽ đến quán cà phê mèo tình nguyện hai tiếng". Khi được hỏi: "Tại sao?", em nói: "Vì con thích mèo".
Sau khi họ trò chuyện xong, Giáo sư nói với cha mẹ của đứa trẻ: "Những gì con bạn nói có lý, tôi không thể thuyết phục được nó". Cặp vợ chồng lo lắng: "Đến anh còn không thuyết phục được đứa nhỏ thì chúng tôi làm sao bây giờ?".
Giáo sư Hà trả lời: "Tại sao anh chị không cho con một con mèo? Tôi không nghĩ cha mẹ có thể an ủi đứa trẻ, nhưng mèo thì có thể". Cuối cùng, ông kết luận: "Nếu bạn muốn một người sống một cuộc đời có ý nghĩa, bạn phải để anh ta thiết lập mối liên kết với thế giới".
Nhà văn Mai Thập Anh (Trung Quốc) từng nói rằng mối liên hệ của chúng ta với thế giới bao gồm ba khía cạnh chính: 1 - Liên kết với mọi người. 2 - Liên kết với thiên nhiên. 3 - Liên kết tới mọi thứ. Sự kết nối với thế giới càng sâu sắc, cuộc sống càng trở nên có ý nghĩa.
Kết hợp ba điểm trên, cha mẹ nên tặng con mình ba món quà để giúp trẻ thiết lập mối liên hệ với thế giới.
Kết nối với thiên nhiên
Trẻ em ngày nay, từ mẫu giáo đến đại học đều được nuôi "trong lồng". Nhiều trẻ em bị mắc kẹt trong học tập và thiếu trải nghiệm thực tế cuộc sống, điều này dễ khiến con người nghèo nàn nội tâm. Cha mẹ cần cho con biết rằng cuộc sống không chỉ có bài tập về nhà và lớp học mà còn có những điều ý nghĩa khác.
Cha mẹ có thể đưa con đi du lịch nhiều hơn, điều này có thể giúp trẻ mở rộng hoàn toàn các giác quan, mở rộng phạm vi nhận thức và làm phong phú thêm trái tim.
Cho con theo đuổi sở thích
Có câu này: "Khi bạn có một sở thích trong đời, bạn sẽ không bao giờ cô đơn hay tuyệt vọng, và điều đó thực sự có giá trị".
Một người chia sẻ: "Con gái tôi vốn rất thích khiêu vũ nhưng vì khối lượng học tập quá nặng ở cấp 2 nên tôi đành buộc phải dừng học. Nhưng đã hơn một lần tôi thấy con lén lút nhảy cẫng lên trước gương trong nhà. Sau khi xem video của Giáo sư Hà, lần này tôi đặc biệt tặng con một đôi giày khiêu vũ thật đẹp, mong con có thể theo đuổi sở thích này.
Tôi nghĩ một đứa trẻ nên có sở thích riêng của mình, chẳng hạn như bóng đá, khiêu vũ, vẽ tranh,... Đối với một đứa trẻ có sở thích, cuộc sống luôn tươi mới và sống động, tinh thần trọn vẹn và có ý nghĩa".
Đôi khi, một sở thích chính là liều thuốc tốt trong cuộc sống cho trẻ, đủ chữa lành mọi u sầu. Ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ có thể chú ý đến những gì con yêu thích và giúp con tìm ra điều con thực sự đam mê.
Trò chuyện thư giãn - xây dựng kết nối
Các bậc cha mẹ nên giao tiếp nhiều hơn với con cái và thiết lập mối liên hệ sâu sắc. Trong giao tiếp, chúng ta có thể giúp trẻ tìm ra mục tiêu sống của riêng mình và hướng dẫn trẻ nỗ lực hết mình vì mục tiêu đó. Với sự kết nối tình cảm với mọi người, trẻ sẽ không còn cô đơn và cảm thấy ấm áp, hạnh phúc.
Có người đã từng nói điều này: "Tôi không sinh ra trên thế giới này một cách vô ích. Tôi muốn ngắm bình minh và hoa nở, tôi muốn gặp một số người thú vị. Cuộc đời tôi không phải là sự tiếp nối của cha mẹ tôi, cũng không phải là phần tiền truyện của các con tôi".
Một đứa trẻ có trái tim giàu có và đầy đủ giá trị phải tràn đầy tình yêu thế giới, hay mơ mộng và biết tại sao mình sống. Hy vọng mỗi bậc cha mẹ có thể nuôi dưỡng cho con cái mình một tinh thần phong phú và mạnh mẽ, để chúng có thể trải nghiệm hạnh phúc trong cuộc sống dù tương lai có gặp phải hoàn cảnh nào.
Theo Phụ nữ mới