Thời điểm phụ nữ nên đi khám sàng lọc để sớm phát hiện ung thư vú
Tin tức - Ngày đăng : 12:08, 01/11/2023
Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên đi khám tầm soát định kỳ để phát hiện sớm ung thư vú. (Ảnh: Getty Images)
Theo tạp chí National Geographic, đầu năm 2023, Cơ quan Y tế Dự phòng Mỹ (USPSTF) đã đề xuất một số thay đổi trong khuyến nghị về thời điểm và tần suất phụ nữ nên bắt đầu chụp quang tuyến vú để tầm soát ung thư vú.
Theo bác sỹ John Wong, thành viên của USPSTF, các cập nhật được đề xuất sau khi xem xét cẩn thận các bằng chứng mới nhất.
Bác sỹ Wong nói: “Chụp quang tuyến vú không giúp ngăn ngừa ung thư vú phát triển mà nhằm phát hiện ung thư ở thời điểm sớm hơn. Trong dự thảo khuyến nghị mới, chúng tôi đề xuất tất cả phụ nữ từ tuổi 40 nên bắt đầu tầm soát hai năm một lần.”
Đó là một thay đổi so với các hướng dẫn trước đây khi khuyến khích tầm soát hàng năm bắt đầu ở tuổi 50 và điều đặc biệt đáng chú ý là gần 1/10 trường hợp mắc ung thư vú hiện nay xảy ra ở phụ nữ dưới 45 tuổi.
Trong khi nhiều chuyên gia hoan nghênh sự thay đổi trên, nhiều người cũng lo ngại việc kéo dãn tần suất chụp quang tuyến vú thành hai năm một lần có thể dẫn đến nguy cơ phát hiện bệnh muộn và bệnh nhân không được điều trị trong thời gian dài.
Lý do thay đổi đề xuất thời điểm tầm soát ung thư vú
Theo kết quả nghiên cứu hàng thập kỷ qua, ung thư vú phát sinh từ sự kết hợp giữa các nguyên nhân di truyền và môi trường như đột biến gene, thói quen uống rượu, lười hoạt động thể chất, liệu pháp hormone...
Bất kể do nguyên nhân nào, các nhà khoa học đã sử dụng tia X để xác định ung thư vú trong hơn một thế kỷ qua.
Các thử nghiệm chụp X-quang tuyến vú quy mô lớn vào những năm 1980 và 1990 đã dẫn đến một số khuyến nghị phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên chụp X-quang tuyến vú thường xuyên.
Tuy nhiên, qua nhiều năm, USPSTF đã nâng khuyến nghị khi cho rằng phụ nữ từ 40 đến 50 tuổi nên đi tầm soát nếu họ nghĩ điều này có ích lợi.
Bác sỹ kiểm tra hình ảnh chụp quang tuyến vú để sàng lọc ung thư vú. (Ảnh: Getty Images)
Việc chụp quang tuyến vú bằng tia X khiến phụ nữ tiếp xúc với một lượng nhỏ phóng xạ. Hiện không rõ liệu tác hại tiềm tàng từ bức xạ có lớn hơn lợi ích của chụp quang tuyến vú hay không.
Ngoài ra, kỹ thuật này không hiệu quả 100% trong việc xác định ung thư. Nhiều điểm đáng lo ngại được bác sỹ X-quang đánh dấu khi đọc ảnh chụp quang tuyến vú hóa ra không phải là một khối u ác tính.
Những kết quả dương tính giả này gây tốn kém thời gian và tiền bạc, tạo ra sự lo lắng và có khả năng khiến mọi người gặp rủi ro từ các loại thủ thuật khác như sinh thiết.
Một trong những thay đổi lớn nhất trong những năm gần đây là sự gia tăng số lượng phụ nữ dưới 45 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính rằng 9% trong số tất cả các trường hợp ung thư vú mới được chẩn đoán ở phụ nữ dưới 45 tuổi.
Mặc dù USPSTF tiếp tục khuyến khích chụp quang tuyến vú thường xuyên bắt đầu ở tuổi 40, nhưng nhiều phụ nữ đã không được khuyến cáo chính thức. Điều này có nghĩa là họ sẽ chỉ đi kiểm tra khi nhận thấy những biểu hiện bất thường như xuất hiện cục u hoặc sưng tấy...
Đó là lý do USPSTF xem xét đưa ra khuyến nghị giảm độ tuổi bắt đầu chụp X-quang tuyến vú từ 40 tuổi.
Mức độ sàng lọc phù hợp
Tuy nhiên, thay vì chụp quang tuyến vú hàng năm, USPSTF đã thay đổi hướng dẫn thành hai năm một lần. Sự thay đổi này đã làm dấy lên mối lo ngại và chỉ trích từ một số chuyên gia trong lĩnh vực này.
Aviva O'Connell, chuyên gia hình ảnh tại Trung tâm Y tế Đại học Rochester ở New York, cho biết: “Đa phần dữ liệu cho thấy hầu hết bệnh nhân được cứu chữa nhờ tầm soát hàng năm bắt đầu từ tuổi 40. Nếu trì hoãn tầm soát cho đến 50 tuổi và chỉ tầm soát hai năm một lần, sẽ có tới 100.000 phụ nữ tử vong do ung thư vú.”
(Nguồn: Toronto Star)
Ngoài ra, các công ty bảo hiểm có thể thay đổi điều khoản khi chỉ chi trả chi phí chụp quang tuyến vú hai năm một lần như khuyến nghị mới. Điều này có thể tạo ra vấn đề lớn về công bằng sức khỏe, nhất là với phụ nữ da màu.
Phát triển thiết bị tầm soát ung thư vú có thể đeo được
Để giúp giảm bớt gánh nặng tầm soát, các nhà khoa học đang nỗ lực phát triển các công nghệ tầm soát ung thư vú mới và dễ tiếp cận hơn.
Nhà khoa học Canan Dagdeviren tại Viện Công nghệ Massachusetts đang nghiên cứu chế tạo một máy siêu âm có thể đeo được mà phụ nữ có thể sử dụng cùng với áo ngực hàng ngày.
Ngoài ra, thiết bị này còn có khả năng tầm soát, phát hiện các khối u khác, chẳng hạn như ung thư tuyến tiền liệt.
Nhưng trong khi các nhà khoa học phát triển những thiết bị mới này, hiểu rõ và chú ý đến những thay đổi với cơ thể mình vẫn là một trong những chiến lược quan trọng nhất trong phát hiện ung thư./.