Bóng đá Việt Nam đánh mất mình từ sân chơi lớn

Bóng đá Việt Nam - Ngày đăng : 07:16, 01/11/2023

Đang có một vấn đề rất đáng phải suy nghĩ với bóng đá thời gian gần đây, từ đội tuyển nam, đội tuyển nữ cho đến cấp câu lạc bộ. Đó là chuyện bước ra sân chơi lớn rồi trở về và không còn là chính mình.
Bóng đá Việt Nam đánh mất mình từ sân chơi lớn
Đội tuyển nữ Việt Nam tại Vòng loại thứ 2 Olympic Paris 2024. Ảnh: VFF

Từ đội tuyển nam…

Hãy bắt đầu từ đội tuyển nam, hẳn ai cũng nhớ việc đội có lần đầu tiên lọt vào vòng loại thứ ba World Cup (2022). Khi đó, mặc dù thua đến 8 trận trước các đối thủ mạnh nhưng điều được nói đến nhiều là “những bài học kinh nghiệm rút ra sẽ giúp ích cho các cầu thủ. Tuy nhiên, thực tế diễn ra theo chiều ngược lại. Đội tuyển do huấn luyện viên Park Hang-seo dẫn dắt thất bại tại AFF Cup 2022 - giải đấu của các đội trong khu vực Đông Nam Á.

Đó cũng là kỳ AFF Cup thứ hai liên tiếp đội tuyển Việt Nam thất bại (năm 2021 - giải đấu năm 2020 hoãn lại 1 năm vì COVID-19, thậm chỉ chỉ xếp hạng tư). Nhưng việc vào đến vòng loại thứ ba World Cup 2022 đã mở ra cho bóng đá Việt Nam sự mơ mộng về World Cup, đặc biệt là khi từ giải đấu sắp tới tại Đức vào năm 2026, số lượng đội vào vòng chung kết được tăng lên thành 48.

Đội tuyển dưới thời thầy Park đã đến giới hạn, cùng tham vọng World Cup, bóng đá Việt Nam xác định sự thay đổi để nâng tầm. Vì thế, ông Philippe Troussier được bổ nhiệm. Tuy nhiên, trên một nền tảng chưa vững vàng, công việc của huấn luyện viên người Pháp đang khá vất vả ở giai đoạn khởi đầu.

… Đến đội tuyển nữ

Với đội tuyển nữ, không chỉ vòng loại, thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung thậm chí giành vé đến World Cup 2023, sự kiện đã mang tới cho Huỳnh Như cùng các đồng đội những trận đấu của đẳng cấp thế giới. Một lần nữa, sau những trận đấu là bài học kinh nghiệm. Và cùng với việc World Cup 2023 được ví như một “cú hích”, rất nhiều người hy vọng vào sự thay đổi “từ” bóng đá nữ và “cho” bóng đá nữ.

Nhưng chưa có một sự thay đổi nào tích cực cả. Ngược lại, cũng giống như tuyển nam, trở về từ sân chơi lớn, các tuyển thủ không còn là mình trong một thời gian. Như huấn luyện viên Mai Đức Chung nói là “vẫn còn trên mây”. Kéo theo là thất bại tại ASIAD 19.

Vì sao thất bại ở ASIAD 19? Bởi dường như cách đánh giá về chính mình, về sự kiện ở tầm châu lục, là không phù hợp, nên đội không có các trận giao hữu chính thức, chỉ tập huấn tại Hải Phòng (khác hẳn khi chuẩn bị trước World Cup). Vấn đề ở đây là, khi đã muốn những bước đi lên từ cú hích đã có, ngay cả sự chuẩn bị cũng phải được đảm bảo về chất lượng.

Chưa nói đến chuyện khoảng trống thế hệ hay sự vắng mặt của Huỳnh Như, việc thua 0-7 trước đội hình rất trẻ của Nhật Bản diễn giải cho vấn đề. Nhật Bản quá mạnh ư? Vậy thì trận thua 0-1 trước tuyển nữ Uzbekistan tại vòng loại Olympic 2024 hôm 26.10 vừa qua nói lên rằng, bóng đá nữ Việt Nam đang đi chậm so với các đối thủ có sự phát triển rất nhanh.

… và câu lạc bộ

Ở cấp câu lạc bộ, chuyện tại Hà Nội FC cũng đang là sự lặp lại của đội tuyển nam và nữ quốc gia. Họ có suất dự vòng bảng AFC Champions League lần đầu tiên, nhưng đã thua cả 3 trận lượt đi, kể cả khi có sự đầu tư nhân sự khá rầm rộ. Cũng là kinh nghiệm rút ra để đánh giá rằng, họ sẽ thể hiện sự vượt trội khi trở lại V.League. Tuy nhiên, Hà Nội FC thất bại 3-5 ngay trên sân nhà trước Hải Phòng.

Tất nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định nhưng “dấu hiệu” ở Hà Nội FC cũng có thể đặt vào vấn đề của bóng đá Việt Nam hiện tại. Đó là nền tảng của nền bóng đá, là những đánh giá còn mang tính ngắn hạn, là giới hạn chưa biết cách vượt qua, là rào cản tâm lý trong các cầu thủ…Có rất nhiều vấn đề cần thay đổi, trong đó, bóng đá nữ chuẩn bị kết thúc kỷ nguyên của huấn luyện viên Mai Đức Chung. Sẽ có nhân tố mới, nhưng cũng là bài học từ đội tuyển nam, cần chuẩn bị tốt hơn vấn đề nhân sự - yếu tố mang tính nền tảng trước khi nghĩ đến điều gì xa hơn…

TAM NGUYÊN