Đau khớp lúc giao mùa dùng thuốc gì?
Sức khỏe - Ngày đăng : 18:00, 31/10/2023
1. Vì sao đau khớp lúc giao mùa ?
Đau khớp lúc giao mùa là tình trạng thường gặp ở người lớn tuổi, nhất là phụ nữ, với các biểu hiện như đau sưng đỏ khớp, cứng khớp. Đau khớp do các khớp bị viêm có thể xảy ra ở gần như tất cả các khớp trong cơ thể, tuy nhiên, thường gặp nhất là khớp tay, vai, cột sống, hông, và đầu gối.
Vào giai đoạn chuyển mùa, đặc biệt là từ thu sang đông và đông sang xuân, thời tiết thường giá lạnh, những người mắc bệnh khớp thường cảm nhận rõ hơn tình trạng đau nhức, tê cứng, khó vận động tại khớp.
Nguyên nhân gây đau khớp là do lưu thông tuần hoàn máu trong cơ thể trở nên kém hơn bình thường khi trời chuyển lạnh và nhiệt độ hạ xuống thấp. Khi lưu thông máu kém sẽ khiến lưu thông dịch khớp cũng như máu nuôi khớp giảm đi, làm tổn thương sụn và màng hoạt dịch khớp, gây đau xương khớp.
2. Triệu chứng đau khớp lúc giao mùa
Các triệu chứng đau khớp lúc giao mùa thường gặp:
- Đau nhức tại các vị trí thường xuyên cử động nhiều như đầu gối, cổ tay, ngón tay. Người bệnh sẽ thấy đau nhức và buốt từ trong xương, các khớp sưng và đỏ, tê cứng làm cản trở vận động.
- Khi thay đổi thời tiết, đau nhức xương khớp có thể phát ra âm thanh mỗi khi cử động.
- Cứng khớp (bệnh đau xương khớp thay đổi thời tiết có triệu chứng nổi bật là cứng khớp), đặc biệt là vào buổi sáng lúc mới thức dậy. Người bị bệnh khớp mạn tính thường nhạy cảm với cơn đau xương khớp hơn do lớp sụn khớp đã bị bào mòn, khiến đầu xương bị trơ ra.
3. Các thuốc điều trị đau khớp
3.1. Thuốc giảm đau trị đau khớp
Các thuốc giảm đau phổ biến nhất là paracetamol (còn có tên gọi khác là acetaminophen), một thuốc giảm đau không kê đơn. Loại thuốc này thường được sử dụng trong các trường hợp giảm đau nhẹ đến vừa. Nhìn chung, paracetamol được đánh giá là một loại thuốc tương đối an toàn với cả người lớn lẫn trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, thuốc vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là khi sử dụng không đúng cách. Thuốc có thể gây nên một số phản ứng dị ứng như phát ban, nổi mẩn đỏ trên da, ngứa da, sưng mặt hoặc môi, sưng lưỡi, sưng họng… Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, người dùng có thể cảm thấy khó thở.
3.2. Thuốc giảm đau kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs)
Nhóm thuốc này giúp giảm đau, giảm viêm khớp, thường dùng gồm ibuprofen, naproxen và diclofenac. Tác dụng phụ thường là đau vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, trướng bụng, chán ăn, khó tiêu, nhức đầu, bồn chồn, tăng các transaminase, ù tai. Người có tiền sử bệnh gan cần theo dõi chức năng gan thường kỳ khi điều trị dài ngày bằng NSAIDs.
3.3. Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD)
Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm có tác dụng lâu hơn so với thuốc giảm đau thông thường, đồng thời giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Thuốc này thường dùng trong viêm đa khớp (polyarthritis). Đây là tình trạng bị đau nhức nhiều khớp (4 – 5 khớp hoặc hơn) do viêm.
Nhìn chung, tình trạng này thường liên quan đến các bệnh tự miễn, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, lupus, hội chứng Sjogren… Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể phát triển sau nhiều lần nhiễm siêu vi.
Nguyên nhân gây đau khớp lúc giao mùa là do lưu thông tuần hoàn máu trong cơ thể trở nên kém hơn bình thường khi trời chuyển lạnh và nhiệt độ hạ xuống thấp. Khi lưu thông máu kém sẽ khiến lưu thông dịch khớp cũng như máu nuôi khớp giảm đi, làm tổn thương sụn và màng hoạt dịch khớp, gây đau xương khớp.
3.4. Thuốc corticoid
Các thuốc corticoid được dùng để giảm viêm, do đó giảm đau trong viêm khớp; có thể dùng dưới dạng thuốc uống hoặc tiêm theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không tự ý mua sử dụng.
Dùng corticoid ngắn ngày thường không gây tác dụng phụ. Liều càng cao thì nguy cơ bị tác dụng phụ ngày càng cao. Đây là lý do tại sao trong những bệnh cần dùng corticoid lâu dài, người ta chỉ dùng với liều thấp nhất vừa đủ để kiểm soát triệu chứng.
Điều trị thông thường sẽ khởi đầu bằng corticoid liều cao để kiểm soát triệu chứng nhanh và sau đó giảm liều dần đến liều duy trì để ngăn triệu chứng quay trở lại. Khi bệnh cải thiện có thể giảm liều dần. Tuy nhiên, thuốc corticoid có rất nhiều tác dụng phụ như gây loãng xương, tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng huyết áp, tăng nguy cơ đục thủy tinh thể, tăng nguy cơ loét dạ dày, tá tràng.
4. Cách dùng thuốc an toàn
Để dùng thuốc trị đau khớp an toàn, người bệnh cần lưu ý:
- Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Không tự ý dùng các loại thuốc nam, thuốc lá để chữa đau khớp.
- Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng thuốc.
- Dùng thuốc đúng liều, đúng thời gian theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là thuốc steroid.
- Không tự ý ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Sau khi dùng thuốc nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần báo cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.