Bộ GD&ĐT biên soạn bộ sách giáo khoa riêng, ĐBQH lo nguy cơ độc quyền
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 17:17, 31/10/2023
Trả lời PV VTC News bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nhấn mạnh quan điểm Bộ GD&ĐT vẫn cần biên soạn thêm bộ sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Sách giáo khoa cũng như mặt hàng trên thị trường dù đó là mặt hàng đặc biệt. Vì vậy, càng nhiều nhà cung cấp, nhiều mặt hàng thì mức độ cạnh tranh, lựa chọn càng phong phú, người mua (học sinh, phụ huynh) được chọn mặt hàng phù hợp, chất lượng tốt nhất.
"Vì thế, không thể nói 4 bộ sách là đủ", bà Nga nói.
Số tiền ngân sách bỏ ra để làm một bộ sách giáo khoa đúng là rất lớn, nhưng so với tổng kinh phí để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thì không lớn. Tuy nhiên, khi Bộ GD&ĐT biên soạn bộ sách riêng sẽ xảy ra tình trạng độc quyền sách giáo khoa như với chương trình phổ thông cũ trước đây. Vì thế Chính phủ, Bộ GD&ĐT cần tính toán kỹ lưỡng việc này.
Theo nữ đại biểu, thời điểm thích hợp để biên soạn là khi chúng ta chuẩn bị kỹ điều kiện hạ tầng, tự bản thân mỗi giáo viên, học sinh và phụ huynh đều hiểu rõ về ý nghĩa của việc lựa chọn sách. Đặc biệt, khi việc chọn sách trở nên thoải mái như đi mua đồ siêu thị, không có áp lực nào khiến giáo viên, trường học phải mua mặt hàng này hay mặt hàng kia.
Để thực hiện điều này, bà Nga cho rằng Bộ GD&ĐT cùng toàn thể xã hội phải nỗ lực lớn, nhất là cải thiện hạ tầng về cả giáo viên và cơ sở vật chất.
Cũng về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội bày tỏ, việc biên soạn thêm bộ sách giáo khoa hay dùng nhiều bộ sách không chỉ tính chuyện lãng phí hay không, mà quan trọng nhất chúng ta đang hướng tới mục tiêu gì.
Ông Cường dẫn lại Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới tiên tiến, thể hiện nhận thức tiến bộ trong việc tạo ra môi trường giáo dục khai phóng, tự do cho người học. Người học có quyền lựa chọn các cách thức tiếp cận kiến thức, không “học vẹt”, dập khuôn. Vì vậy, cần phải có nhiều bộ sách chứ không chỉ một bộ sách duy nhất.
Việc duy trì nhiều bộ sách giáo khoa và để người học lựa chọn là quyết định rất tiên tiến trong đổi mới tư duy giáo dục đào tạo. Mặc dù vậy, theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, việc Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách riêng phải cân nhắc kỹ.
Cơ quan chủ quản là Bộ GD&ĐT lại xây dựng một bộ sách thì người ta sẽ ngầm hiểu rằng bộ sách đó là bộ sách được chỉ định. Khi đã được chỉ định như thế thì yếu tố tự do về tư tưởng, lựa chọn, tôn trọng sở thích, mong muốn và cách tiếp cận của mỗi một người học gần như không còn nữa.
"Nguy cơ lớn trở thành độc quyền sách giáo khoa. Do đó, chúng ta phải hết sức cân nhắc việc này", ông Cường lo ngại.
Ông cũng nhận thấy, các bộ sách giáo khoa hiện tại có thể còn những yếu tố chưa được hoàn hảo, nhưng đây không phải là vấn đề quan trọng, bởi sách giáo khoa không phải bắt người học học theo đúng sách mà phải gợi lên nội dung, tri thức để các em học hiểu và diễn đạt theo ý mình.
Quan trọng hơn hết phải tìm ra xem quá trình thực hiện chương trình sách giáo khoa này đang hổng ở chỗ nào. Có lẽ hổng lớn nhất là vấn đề năng lực của đội ngũ giáo viên có đủ năng lực, để chuyển tải được tinh thần của chương trình phổ thông mới.
Qua giám sát ông nhận thấy, một số giáo viên dạy quá máy móc, lệ thuộc vào sách mà xa rời đi tinh thần, yêu cầu cần đạt của chương trình.
Ông Cường lấy ví dụ, ngày hôm nay đến lớp một sự kiện ở xã hội đang rất nóng thì giáo viên phải dùng ngay nội dung đó để đưa ra giảng dạy, xác định rõ mục tiêu truyền tải về mặt tri thức là gì thay vì nhất nhất đi theo nội dung sách giáo khoa.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng Đoàn chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, Bộ GD&ĐT đứng ra biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa mới sẽ gây tốn kém về kinh phí, thời gian, đầu tư chất xám.
Bà Sửu kiến nghị giải pháp, hãy hội tụ chất xám từ những bộ sách đã và đang có để tích hợp đồng bộ, thể hiện trách nhiệm, chuyên nghiệp trong hình thành sản phẩm bộ sách giáo khoa tốt nhất cho học sinh.