Phim Việt: Motif giống nhau, diễn viên nhẵn mặt, xem phim sau quên phim trước
Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 13:21, 31/10/2023
Trong những năm trở lại đây, phim truyền hình Việt đã và đang có bước chuyển mình mạnh mẽ. Với sự ra đời liên tiếp của các tác phẩm mới, phim Việt đã đáp ứng được như cầu của khán giả, dần lấy lại vị thế của mình, không bị phim ngoại lấn lướt hoàn toàn ngay trên sóng truyền hình quốc gia như một thời trước đó.
Đây là nỗ lực rất lớn của các nhà sản xuất phim Việt Nam, trong đó có thể kể tới đầu tàu là VFC – Trung tâm sản xuất phim truyền hình của Đài truyền hình Việt Nam.
Tuy nhiên, bên trong sự trỗi dậy mạnh mẽ ấy, vẫn có những ưu lo mà giới trong nghề và khán giả đều cảm nhận được.
Lý giải về thành công của phim truyền hình Việt, đạo diễn, nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang nhận định với phóng viên VTC News: “Những bộ phim truyền hình được công chiếu gần đây trên VTV đã thoát khỏi lối làm phim theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa kéo dài từ những năm 80 cho đến giữa năm 2015, và thay vào đó, là những thước phim được sản xuất theo phương pháp hiện thực sinh động”.
Theo ông Giang, những bộ phim hiện nay không bám vào ca tụng hình tượng nhân vật theo chủ đề thời đại được định sẵn, mà bám chặt vào những thay đổi dù là nhỏ nhất trong xã hội, trong đời sống gia đình để xây dựng.
Cách thức của dòng phim truyền hình trước đây chủ yếu là phản ánh, giờ đây, thay vào đó là phương pháp thể hiện theo kiểu tự sự, để các nhân vật nói lên những khúc mắc của xã hội hay những yếu tố thời sự đất nước.
“Chúng ta dễ dàng bắt gặp điều này qua những bộ phim như: Về nhà đi con, Gia đình mình vui bất thình lình, Đấu trí, Sinh tử hay Cuộc đời vẫn đẹp sao…. cho thấy những hiện thực sinh động đang diễn ra hàng ngày.
Đó là lý do vì sao khán giả thấy hình ảnh cuộc sống hiện tại quen thuộc qua những thước phim trên. Chính điều này đã đánh thức lương tâm và lòng trắc ẩn nơi con người hiện đại” – Ông Giang nói.
Đạo diễn, nhà nghiên cứu này còn cho biết thêm: “Cùng là đề tài gia đình, làng quê nhưng rõ ràng dưới lăng kính của những nhà làm phim hiện đại, cách khai thác, chuyển tải hoàn toàn khác biệt so với phim cùng chủ đề trước năm 2015.
Trong một xã hội kim tiền thì điều mà khán giả khao khát nhất, chống lại sự mệt mỏi của cuộc sống thường ngày đó là sự bình yên, trong trẻo, là chan hoà cảm xúc giữa người với người, là quẳng gánh lo đi mà sống. Kịch bản phim Việt hiện nay đã chạm đúng tâm lý ấy của người Việt hiện đại.
Do đó nhiều bộ phim truyền hình Việt Nam gần đây dù khai thác về đề tài gia đình, làng quê đã quá quen thuộc với màn ảnh nhỏ, nhưng vẫn có một thứ cảm xúc rất riêng mà tôi gọi là “cảm xúc được tìm lại”.
Rõ ràng chúng ta đã trải qua một giai đoạn khá dài của việc phim ảnh “đánh mất cảm xúc” trước cuộc sống! Và khi đã trải qua sự mất mát giờ được tìm lại thì cảm xúc ấy càng giá trị hơn”.
Có được bước tiến đó là nỗ lực rất lớn từ phía đội ngũ làm phim, từ đạo diễn, biên kịch, diễn viên… Mỗi một người, mỗi một bộ phận đều có ý thức nỗ lực không ngừng để cải tiến chất lượng phim truyền hình Việt.
NSƯT Hoàng Hải chia sẻ với phóng viên VTC News: “Chúng tôi đi làm phim thường nói với nhau: “Nhớ nhé, trên tay khán giả là cái remote có hàng trăm kênh. Nếu chúng ta làm không hay, khán giả sẽ chuyển kênh”.
Các bộ phim hay liên tiếp ra đời như: Người phán xử, Quỳnh búp bê, Sinh tử, Về nhà đi con, Sống chung với mẹ chồng, Thương ngày nắng về, Gia đình mình vui bất thình lình…Có những phim còn được đánh giá là hiện tượng, khi thu hút lượng người xem kỷ lục.
Sau mỗi tập phim lên sóng, công chúng lại sôi nổi bàn tán về các chi tiết trong phim, bình luận diễn xuất của diễn viên, hay háo hức dự đoán những diễn biến tiếp theo. Điều mà trước đây, dường như chỉ diễn ra với những bộ phim của Trung Quốc hay Hàn Quốc.
Các nhà làm phim truyền hình Việt đã phần nào đáp ứng được nhu cầu giải trí của khán giả trong nước, khiến cho những lo lắng như khán giả trẻ dường như thuộc sử Tàu hơn sử Việt (vì xem quá nhiều phim truyền hình Trung Quốc) hay “giới trẻ Việt giờ chỉ thích kim chi, ai còn ăn dưa muối” dần trở nên biến mất.
Phim Việt có sự tăng trưởng lớn về số lượng, đề tài khai thác cũng dần bám chặt vào đời sống hiện thực, thỏa mãn được một phần nhu cầu giải trí của khán giả. Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng, phim Việt vẫn còn rất nhiều bất cập và hạn chế.
Đầu tiên là về đề tài. Đây là điều khiến rất nhiều nhà làm phim và những người quan tâm tới sự phát triển của phim Việt trăn trở.
Nhiều bộ phim truyền hình quanh quẩn vẫn là đề tài cũ, khá an toàn như tình cảm gia đình, mối quan hệ nam – nữ, tiểu tam – chính thất…
Những đề tài như thế này rất quen thuộc với khán giả, dường như khi xem phim, ai cũng sẽ thấy trong mỗi nhân vật dường như có chút gì đó của chính mình, của những người mình đã từng gặp, của những câu chuyện mình đã từng nghe, đã từng chứng kiến. Do đó, phim rất dễ thấm, dễ đi vào lòng người, dễ được đón nhận.
Giải thích cho lý do các nhà làm phim truyền hình Việt thường ưu tiên khai thác những chủ đề an toàn, đạo diễn, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang chia sẻ: “Phim truyền hình Việt sẽ phải trải qua một khâu trình, duyệt với các đơn vị chức năng trước khi sản xuất cả năm trời, thậm chí có phim thời gian trình duyệt trước khi bấm máy tới 2, 3 năm.
Vì vậy khâu kiểm duyệt về nội dung ngay từ lúc đầu đã được bảo đảm chứ không phải sau khi có bản duyệt phim mới có sự kiểm duyệt”.
Những năm trước, chúng ta ít nhiều thấy sự xuất hiện của những bộ phim khai thác những góc khuất trong xã hội, thậm chí bị coi là “vùng cấm” trên truyền hình hình như xã hội đen, cuộc sống của những ông trùm trong giới giang hồ (Người phán xử), thân phận của những cô gái làng chơi (Quỳnh búp bê)…nhưng gần đây, những bộ phim như thế càng trở nên hiếm.
Nói không quá, phim Việt hiện nay cũng chỉ quanh đi quẩn lại khai thác những mâu thuẫn vụn vặt trong cuộc sống gia đình, đời sống tình cảm cảm của các cặp đôi.
Chúng ta hoàn toàn thiếu những tác phẩm khai thác những đề tài gai góc, phản ánh những vấn đề nổi cộm trong xã hội và đặc biệt chưa có những tác phẩm có tính chất cảnh báo, cảnh tỉnh những hiện tượng lệch lạc trong xã hội.
Ăn mãi một món ăn – dù ngon tới mấy cũng nhàm. Khán giả truyền hình bắt đầu thấy nhàm chán với việc các bộ phim giờ vàng trên VTV dường như chị xoay quanh những mâu thuẫn trong gia đình.
Những người làm phim – lẽ tất nhiên cũng nhận biết được điều này. Họ cũng rất nỗ lực để cho ra một số tác phẩm mới. Tuy nhiên, nỗ lực thôi đôi khi còn chưa đủ. Các bộ phim khai thác những đề tài gai góc trong xã hội dường như đều mắc phải những lỗi cơ bản.
Ví dụ khi phim Bão Ngầm công chiếu, nhiều người làm trong lực lượng công an nhân dân cảm thấy thất vọng khi phim không khai thác đúng hình ảnh của họ.
Thậm chí một số chi tiết trong phim còn mắc phải những điều cấm trong ngành, chẳng hạn như để hình ảnh chiến sĩ chinh sát say, hai cán bộ trinh sát trong một vụ án có tình cảm với nhau (Trên thực tế, nếu phát hiện ra có chuyện này, lãnh đạo lập tức ra lệnh rút trinh sát thay bằng phương án khác hoặc tạm dừng chuyên án, tiến hành kỷ luật theo quy định của ngành).
Hồng Diễm – nữ hoàng của dòng phim tình cảm, gia đình đã rất dũng cảm khi thử sức mình ở một vai diễn luật sư trong phim Hành trình công lý. Tuy nhiên, khi phim lên sóng, nữ diễn viên và cả tác phẩm bị khán giả nhận xét tiêu cực, đặc biệt những chi tiết như vai luật sư của Hồng Diễm làm việc cảm tính, phản bội thân chủ rồi lại lại được ca ngợi trên mạng xã hội.
Với những người làm nghề luật, phản bội thân chủ là điều tối kỵ, thế nhưng hành động này trong phim lại còn được ca ngợi trên mạng xã hội. Chỉ một chi tiết nhỏ nhưng sai rất cơ bản đó khiến bộ phim trở nên ngô nghê trong mắt khán giả.
Lý do chính cho sự đơn điệu trong đề tài của các bộ phim truyền hình Việt trong thời gian gần đây chính là sự yếu kém kịch bản.
Trong chương trình Vietnam Cinema 2021, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng chia sẻ cảm giác nhói lòng về thực trạng đầu tư kinh phí của các phim Việt. Trong đó, có những kịch bản phim chỉ được trả ở mức 15 triệu đồng mỗi tập. Trấn Thành khẳng định, anh sẵn sàng trả 2 tỷ đồng để mua một kịch bản hay mà nhiều khi còn không tìm được.
Thiếu kịch bản hay dẫn tới việc phim truyền hình phải vay mượn từ các kịch bản nước ngoài. Nhìn lại thời gian qua những bộ phim làm mưa làm gió như Gạo nếp gạo tẻ, Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử, Cả một đời ân oán, Về nhà đi con, Thương ngày nắng về, Hương vị tình thân…đều là nhưng tác phẩm khai thác lại.
Dù các nhà làm phim đã nỗ lực “Việt hóa” nhưng không thể xóa nhòa độ kênh so với cuộc sống hiện thực.
Đạo diễn Ngô Hương Giang chia sẻ: “Một số kịch bản phim truyền hình do chuyển thể từ kịch bản phim nước ngoài cho nên nhiều chi tiết khi công chiếu trở nên xa lạ với khán giả Việt, thậm chí phi thực tiễn.
Việc chạy theo thị hiếu khán giả là điều các nhà làm phim cần quan tâm, nhưng phim Việt phải có bản sắc văn hoá Việt cũng quan trọng không kém”.
Vị đạo diễn này khẳng định, kịch bản Việt hoá chỉ là một giải pháp tình thế chứ không phải lâu dài. Anh hy vọng ngày càng có nhiều bộ phim made in Việt Nam, do người Việt chấp bút, đạo diễn Việt sáng tạo.
Trong bối cảnh nhu cầu thưởng thức phim truyền hình của khán giả tăng cao, biên kịch, đạo diễn và đoàn làm phim cũng phải đối mặt với áp lực thời gian. Họ lựa chọn sản xuất theo phương thức cuốn chiếu, vừa quay vừa phát sóng để chạy đua cho kịp tiến độ.
Phương thức này có thể giúp nhà làm phim nắm bắt được tâm lý của khán giả, điều chỉnh kịch bản để thêm hấp dẫn, tuy nhiên, nó dẫn tới thực trạng là làm nhanh, làm ẩu, khiến chất lượng phim bị giảm sút.
Hơn nữa, vì chiều lòng khán giả nên những góc nhìn gai góc, những nét riêng, sự sáng tạo của nghệ sĩ bị đánh mất phần nào, khiến cho kịch bản phim và diễn biến tâm lý của các nhân vật nhiều khi bị mâu thuẫn. Không ít đoàn phim vì mải mê chạy theo thị hiếu người xem nên phim cứ bị “bôi” ra.
Đơn cử như bộ phim Về nhà đi con từ thông báo ban đầu chỉ 62-64 tập đã bị phát sinh tới 84 tập phim. Hay gần đây nhất là Gia đình mình vui bất thình lình dự kiến dài 24 tập, cuối cùng tăng lên thành 56 tập khiến kịch bản kéo dài, nhiều chi tiết thiếu thực tế, cách xây dựng tâm lý nhân vật thiếu thuyết phục khiến khán giả ức chế và phải lên tiếng tẩy chay.
Chia sẻ về vấn đề này, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cho biết cá nhân anh cảm thấy sản xuất theo phương thức này, áp lực thời gian dành cho người làm phim là khủng khiếp và có thể bóp nghẹt sự sáng tạo.
Phương thức quay phim cuốn chiếu này đã được truyền hình Hàn Quốc áp dụng từ lâu. Tuy nhiên, để có thể kiểm soát được kịch bản, giảm thiểu hạn chế của việc quay phim cuốn chiếu, các đơn vị sản xuất luôn giới hạn số lượng tập phim trong khoảng 12-16 tập.
Với số lượng tập như vậy, biên kịch và đạo diễn sẽ phải hạn chế rất nhiều yếu tố phụ trong kịch bản. Những gì không cần thiết thì cắt bỏ luôn, như vậy sẽ giữ được độ cô đọng của kịch bản và các tình tiết lại liên kết với nhau chặt chẽ rõ ràng. Tuy nhiên, đây lại là điều mà phim truyền hình Việt chưa làm được.
Không chỉ thiếu hụt kịch bản mà thậm chí cả dàn diễn viên có thực lực hiện đang rất thiếu. Diễn viên chính quanh quẩn vài gương mặt đã quá thân quen, chưa kể dàn diễn viên phụ phim nào cũng có mặt.
Có một thời, ngay trong một buổi tối, khán giả vừa xem Việt Anh ngổ ngáo, lấc cấc trong Người phán xử, ngay sau đó lại thấy anh xuất hiện trong vai trò một doanh nhân lịch lãm, ga lăng trong Sống chung với mẹ chồng.
Hay như Bảo Thanh, từ một cô y tá yếu đuối trong Người phán xử, ngay sau đó lại trở thành một nàng dâu có tính cách khá quyết liệt trong Sống chung với mẹ chồng.
Lẽ dĩ nhiên, phải dành lời khen cho diễn xuất của Việt Anh, Bảo Thanh. Và diễn viên hay ê-kíp sản xuất hai bộ phim này cũng ít có thể ngờ rằng, phim của họ lại được phát ở thời điểm trùng khớp như thế, nhưng điều này ít nhiều cũng tạo nên sự bất tiện đối với không ít người xem.
Không chỉ lên sóng với tần suất dày đặc, một vấn đề khác đang xuất hiện ở phim truyền hình Việt là mô típ vai diễn mà một diễn viên đảm nhận cũng có sự lặp đi lặp lại khiến khán giả đôi khi bị nhầm lẫn, mất cảm xúc khi xem phim.
Ví dụ như cứ thấy Việt Anh xuất hiện 10 phim thì cũng phải có hơn phân nửa vai diễn của anh vướng tới tù tội. Điều này không chỉ khiến khán giả khó chịu mà tới chính nam diễn viên này cũng phát chán. Anh phải nhắn nhủ các đạo diễn: “Nếu vai tù tội thì đừng gọi cho tôi".
Tương tự như Việt Anh, Doãn Quốc Đam cũng thường xuyên xuất hiện trong các vai tù tội. Anh bị các đồng nghiệp gán cho biệt danh “gương mặt vàng trong làng tù tội".
Hay như diễn viên Danh Thái được mệnh danh là “nam diễn viên đi tù nhiều nhất Việt Nam” bởi lẽ, dù chỉ xuất hiện trong các vai phụ nhưng lần xuất hiện nào của anh trên màn ảnh nhỏ cũng gắn liền song sắt nhà tù. Thậm chí, ngay cả trên các tiểu phẩm truyền hình, anh cũng được giao vai tội phạm.
Còn nhắc tới Lan Phương là nhắc ngay tới những vai diễn đồng bóng, diễn như lên đồng… Nữ diễn viên từng tâm sự, trong bộ phim Gia đình mình vui bất thình lình, cô cũng có nguyện vọng được vào vai cô dâu cả hiền lành, cam chịu, nhưng kết cục cuối cùng, vai cô em dâu thứ 2 đành hanh, đanh đá, đồng bóng, ồn ào cũng lại được giao cho cô.
Còn Hồng Diễm thì không thể thoát được vai những người phụ nữ hiền lành, cam chịu, gặp nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Thanh Sơn đóng mác với những vai “soái ca”, Lương Thanh chuyên trị những vai “tiểu tam”…
Có nhiều nguyên nhân khiến phim truyền hình Việt cứ mãi quanh quẩn với dàn diễn viên cũ. Đạo diễn Nguyễn Khải Hưng – nguyên giám đốc của VFC, người đóng vai trò đặt nền móng cho phim truyền hình Việt phía Bắc phát triển từng chia sẻ, phim truyền hình được phát sóng trên giờ vàng của VTV gánh trên vai trọng trách lớn về tỷ suất người xem để kêu gọi quảng cáo. Các bộ phim này còn phải gánh vác thay phần doanh thu cho những chương trình kén người xem.
Có lẽ, chính vì áp lực đó nên các nhà làm phim buộc phải lựa chọn các đề tài an toàn, các đề tài dù có cũ nhưng cũng hút khách, những gương mặt diễn viên vốn có quá quen thuộc nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu diễn xuất.
Đạo diễn Ngô Hương Giang nhận định: “Đây đúng là vấn nạn chung của phim truyền hình. Có nhiều diễn viên một lúc đảm nhận tới 5, 6 bộ phim dài tập, do đó, việc tập trung cảm xúc, thời gian trong quá trình diễn xuất là khó có thể đạt được. Thậm chí nhiều diễn viên đóng một lúc nhiều vai khác nhau, thậm chí cảm xúc trái ngược nhau trong nhiều bộ phim, dẫn đến có hiện tượng “nhầm cảm xúc”, "râu ông này cắm cằm bà kia".
Khi sản xuất phim truyền hình có yếu tố công nghiệp theo kiểu chạy show thì rõ ràng việc tìm kiếm bản sắc cho diễn viên là rất khó. Đó là lý do vì sao ngày nay chúng ta thấy cách diễn xuất của các diễn viên trong các bộ phim truyền hình khác nhau, song lại rất giống nhau về biểu cảm, hành động. Đó chính là mặt trái của ngành công nghiệp sản xuất phim truyền hình”.
Một nguyên nhân khác được chỉ ra là do đặc thù của phim truyền hình, nhà sản xuất phải chạy đua với thời gian để làm phim, vì thế, các diễn viên cũng phải có kinh nghiệm mới có thể đẩy nhanh tiến độ. Diễn viên mới chưa có nhiều kinh nghiệm sẽ làm mất thời gian, khiến phim không kịp ra mắt khán giả.
Diễn viên Lương Mạnh Hải chia sẻ: “Vì đặc thù phim truyền hình có số tập rất nhiều nên thời gian quay rất lâu: 4 tháng, 6 tháng hoặc hơn 1 năm. Và thường quay 2 hoặc 3 ngày cho 1 tập. Rồi một ngày có khi phải học thuộc 20-30 trang kịch bản, phải quay với nhiều diễn viên khác nhau nên yêu cầu diễn viên vừa phải khỏe, vừa phải diễn nhanh, giữ tâm lý tốt để chịu được “nhiệt” trên phim trường.
Bởi vậy nên ít đạo diễn dám chọn diễn viên mới cho vai chính tâm lý nặng, trừ khi người đó quá xuất sắc ở ngoại hình hợp nhân vật hoặc diễn quá hay”.
Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cũng cho rằng diễn viên không hiếm nhưng chọn được người phù hợp thì không hề dễ, đôi khi tìm mãi không ra. Vì thế, lựa chọn diễn viên vừa nổi tiếng vừa hợp vai là điều lý tưởng với các nhà làm phim.
Đạo diễn Ngô Hương Giang, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ đồng tình rằng phim truyền hình Việt vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, tuy nhiên nhìn nhận khách quan để thấy rằng yếu tố tiên quyết của phim truyền hình vẫn là đầu tư tài chính để sản xuất. Đầu tư xứng tầm sẽ có chất lượng xứng tầm, đáp ứng được mong mỏi của khán giả
“Khi có một kịch bản đặc sắc mà chúng ta không quyết liệt đầu tư cho kịch bản đó thì cũng không thể tạo nên một bộ phim tốt. Những đề tài khó thì càng cần có sự chăm chút và nguồn kinh phí lớn cũng như thời gian thực hiện kéo dài hơn. Đó là một bài toán không hề đơn giản!”, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ chia sẻ.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng phim cần có sự nhọc công, tỉ mỉ nghệ thuật trong quá trình sản xuất. Sẽ chẳng bao giờ có được sản phẩm nghệ thuật tốt nếu như mỗi khâu trong quy trình sản xuất đó cẩu thả và lỏng lẻo.
Cùng với đó, đẩy mạnh sức sáng tạo của đội ngũ biên kịch. Thay vì các đơn vị sản xuất tự nỗ lực tìm nguồn cung kịch bản, rất cần có chiến lược đầu tư toàn diện cho công tác đào tạo bồi dưỡng biên kịch.
Không chỉ biên kịch mà diễn viên là linh hồn của bộ phim nhưng các nhà làm phim cũng cần có sự bứt phá trong việc tìm kiếm các gương mặt diễn xuất mới, có năng lực, có nhiệt tâm với nghề hơn là phương án an toàn mời những gương mặt đã xuất hiện cả 30, 40 năm đến mức khán giả cảm thấy nhàm chán.
Có lẽ tới lúc, các nhà làm phim nên chậm lại một chút, để có thời gian tái tạo năng lượng, tìm kiếm những đề tài mới, gai góc, sát với cuộc sống hơn, có tính chất cảnh báo hơn, mang lại cho khán giả những món ăn ngon và chất lượng.