Sau 3 lần kết hôn cuối cùng tôi cũng hiểu, trong hôn nhân đôi khi thứ bạn thiếu không phải là người chồng tốt

Gia đình - Ngày đăng : 07:38, 30/10/2023

Hôn nhân không chỉ đơn giản là tìm được một người bạn đời hoàn hảo mà cần cả hai bên phải cùng nhau nỗ lực và duy trì.

Những năm gần đây, tỷ lệ ly hôn tăng lên, mọi người ngày càng thoải mái hơn trong chuyện ly hôn. Nếu thấy người bạn đời không tốt, không phù hợp với mình thì ly hôn để đi tìm hạnh phúc mới. Và, tôi cũng vậy.

Trong cuộc hôn nhân đầu tiên, tôi nghĩ mình đã tìm được người bạn đời hoàn hảo, cả hai yêu nhau và bắt đầu cuộc sống tuyệt vời sau khi kết hôn. Tuy nhiên, dần dần tôi bắt đầu cảm thấy cuộc hôn nhân này ngày càng nhàm chán và mâu thuẫn vợ chồng ngày một gia tăng, vì chồng kiếm tiền ít, kinh tế không vững vàng. Thế rồi, tôi ly hôn.

Lần thứ 2 lên xe hoa, cô kết hôn với một người đàn ông có sự nghiệp thành đạt nhưng anh ta thường xuyên đi công tác. Cho nên mọi việc nhà cửa, chăm lo con cái rồi việc hai bên nội ngoại đều do một mình tôi gánh vác. Điều này khiến tôi cảm thấy bơ vơ, mệt mỏi, có chồng cũng như không rồi dần dần tôi nảy sinh tâm lý chán ghét chồng, chán ghét gia đình rồi ly hôn.

Sau 3 lần kết hôn cuối cùng tôi cũng hiểu, trong hôn nhân đôi khi thứ bạn thiếu không phải là người chồng tốt-1

Trong cuộc hôn nhân thứ ba, tôi tìm được một người đàn ông trẻ tuổi hơn mình và tài giỏi. Tôi hy vọng cuộc hôn nhân này sẽ giúp tôi lấy lại được niềm tin trong tình yêu và hôn nhân, cũng như khiến tôi lấy lại nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Nhưng, tôi dần phát hiện ra chênh lệch tuổi tác dẫn đến sự khác biệt về thói quen, lối sống và suy nghĩ. Tôi luôn cảm thấy chồng không thể hiểu được suy nghĩ, cảm xúc của mình, cũng cảm thấy không xứng với chồng.

Tuy nhiên lần này tôi không bồng bột ly hôn nữa, mà dần dần ngộ ra được những chân lý trong hôn nhân.

1. Không ai là hoàn hảo, nên trong hôn nhân, đôi khi thứ bạn thiếu không phải là người chồng tốt mà vấn đề là ở bạn

Con người không ai là hoàn hảo khi vừa sinh ra. Tình yêu là sự lớn lên của hai con người đầy khuyết điểm cùng nhau thay đổi và hoàn thiện bản thân.

Ngay cả bạn cũng vậy thôi, bạn cũng chẳng phải là người hoàn hảo gì. Vậy hà cớ gì lại đòi hỏi sự hoàn hảo ở nửa kia? Trong hôn nhân, đôi khi thứ bạn thiếu không phải là người chồng tốt mà vấn đề là ở bạn. Là do bạn không biết đủ, có tâm lý đứng núi này trông núi nọ, dễ yêu cũng dễ chán.

Người hạnh phúc trong hôn nhân, không phải vì họ gặp được người yêu hoàn hảo, mà vì họ học cách tha thứ cho những khiếm khuyết và khám phá ra sự quý giá của nhau. Nếu không biết cách kiểm soát cảm xúc của mình, cho dù người chồng tốt đến đâu thì trong mắt bạn đôi khi cũng tràn ngập khuyết điểm mà thôi.

2. Hôn nhân muốn hạnh phúc thì cả hai phải cùng nhau nỗ lực và duy trì nó

Hôn nhân không chỉ đơn giản là tìm được một người bạn đời hoàn hảo mà cần cả hai bên phải cùng nhau nỗ lực và duy trì. Trong hôn nhân, hai vợ chồng đều cần cống hiến cho bản thân và gia đình chứ không thể chỉ dựa dẫm vào đối phương.

Một ngôi nhà cần 2 vợ chồng vun đắp, cần các thành viên trong gia đình tô điểm. Nếu chỉ có một người vun, người còn lại ngồi hưởng thụ hoặc phá hoại, tổ ấm đó sẽ nhanh chóng lụi tàn.

Chỉ khi hai vợ chồng cùng nhau làm mọi thứ, chung tay xây dựng gia đình thì họ mới thấu hiểu sự vất vả của đối phương hơn, từ đó trân trọng nửa kia và có trách nhiệm với gia đình hơn.

3. Đừng chỉ tập trung vào nhu cầu của bản thân mà hãy quan tâm tới cảm nhận của nửa kia

Khi kết hôn, nhiều người luôn tính toán nửa kia đã làm được gì cho mình, sau khi lấy chồng mình nhận được thứ gì, thậm chí cho rằng nếu ngày đó mình không chọn anh ta mà chọn người khác, có khi mình sẽ có cuộc sống tốt hơn. Nói chung, họ chỉ biết đòi hỏi ở nửa kia, xem nửa kia đáp ứng được nhu cầu của mình hay không mà bỏ qua cảm nhận của đối phương.

Một cuộc hôn nhân tốt đẹp cần được xây dựng trên sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Nếu chỉ biết nghĩ cho mình, không biết tôn trọng và thấu hiểu, bao dung thì bạn sẽ khiến trái tim nửa kia bị tổn thương, hôn nhân dễ rạn nứt.

Tốt hơn hết nên đặt mình vào vị trí của nửa kia để cảm nhận, đồng thời cố gắng tìm ra điểm chung giữa hai người để nói chuyện, để tăng sự kết nối giữa vợ chồng. Khi gặp vấn đề, hai vợ chồng cũng nên nói cho nhau nghe về cảm xúc, suy nghĩ của mình, từ đó tìm cách giải quyết. Như vậy vấn đề sẽ trở nên dễ dàng và cả hai sẽ không bị ức chế, dẫn đến sự bùng nổ xung đột cho cuộc hôn nhân. Có như vậy, hôn nhân mới bền được.

Theo Báo PNTĐ