Công ty nông nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương tiếp tục thua lỗ
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 06:08, 30/10/2023
CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (mã: HNG) do tỷ phú Trần Bá Dương làm Chủ tịch vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý III/2023 với doanh thu 160 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn cao hơn doanh thu nên công ty lỗ gộp 100 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 182 tỷ quý III/2022.
Trong kỳ, mảng cây ăn trái của HAGL Agrico chỉ đạt 84 tỷ đồng doanh thu, sản lượng 6.556 tấn, giảm 62% so với cùng kỳ và thấp hơn nhiều so với kế hoạch 19.523 tấn.
Nguyên nhân là do tình trạng thiếu nhân công lao động cùng thời tiết mưa nhiều, kéo dài gây ngập úng làm tăng dịch bệnh dẫn đến năng suất buồng kém, số lượng buồng phải hủy bỏ không thu hoạch tại vườn 43%.
Về mảng cây cao su, trong kỳ HAGL Agrico đạt doanh thu 55 tỷ đồng, sản lượng 1.973 tấn, giảm 13% so với quý III/2022 và thấp hơn so với kế hoạch 3.272 tấn. Nguyên nhân do thiếu khoảng 37% số lượng công nhân cạo mủ cao su, dẫn đến khai thác tập trung chỉ đạt 39% so với tổng diện tích vườn.
Ngoài ra, chi phí giá vốn vườn cây lớn chủ yếu là chi phí khấu hao (chiếm 60%) dẫn đến doanh thu không đủ bù đắp chi phí.
Sau khi trừ các khoản chi phí và thuế, HAGL Agrico báo lỗ sau thuế hợp nhất 199 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 415 tỷ đồng. Không những vậy, kết quả này của HAGL Agrico vẫn lỗ cao hơn mức lỗ 112 tỷ và 135 tỷ của 2 quý trước đó. Đây cũng là quý lỗ thứ 10 liên tiếp của HAGL Agrico.
Sau 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp nhà Chủ tịch Trần Bá Dương đạt tổng doanh thu 438 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 446 tỷ, lần lượt giảm 21% và 59% so với cùng kỳ năm trước. Lỗ lũy kế tăng lên mức 7.450 tỷ.
Kết phiên giao dịch ngày 27/10, cổ phiếu HNG đạt 3.610 đồng/cp.
Tin doanh nghiệp
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
* VSC: Theo BCTC quý III/2023, doanh thu thuần CTCP Container Việt Nam đạt 557,2 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí lãi vay tăng đột biến đã kéo tụt lãi ròng của VSC còn 32,5 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, VSC ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.555,1 tỷ đồng, tăng 4%; lãi ròng 81,4 tỷ đồng, giảm 69%.
* SMC: Trong quý III/2023, CTCP Đầu tư Thương mại SMC ghi nhận doanh thu thuần hơn 3.140 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ. Công ty tiếp tục lỗ ròng 164 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 188 tỷ.
* SRT: CTCP Vận tải Đường sắt Sài Gòn ghi nhận lãi sau thuế khoảng 43 tỷ đồng trong quý III/2023, mức lợi nhuận quý cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, công ty còn lỗ lũy kế gần 312 tỷ đồng, hệ quả từ 9 quý lỗ liên tiếp giai đoạn dịch bệnh.
* VBB: BCTC hợp nhất cho thấy, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín lãi trước thuế 9 tháng đầu năm 2023 gần 419 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước do tất cả nguồn thu đều sụt giảm..
* PVS: Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023 với lãi ròng giảm 27% so với cùng kỳ, xuống 141 tỷ đồng; lãi ròng 9 tháng đầu năm đạt 580 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ.
* DGW: Quý III/2023, CTCP Thế Giới Số ghi nhận kết quả kinh doanh không khả quan do ảnh hưởng từ mảng điện thoại di động. Qua đó, DGW lãi ròng 102 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ; lãi ròng 9 tháng đầu năm đạt 265 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước.
* EIB: Eximbank công bố BCTC hợp nhất quý III/2023 với lãi trước thuế gần 307 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm trước, do nguồn thu chính sụt giảm và chuyển từ hoàn nhập sang dự phòng rủi ro tín dụng. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt hơn 1.712 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ.
* HNI: Ngày 25/10, CTCP May Hữu Nghị thông báo nhận được quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính thuế của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh với số tiền 67 triệu đồng do khai sai dẫn đến tăng số tiền thuế giá trị gia tăng.
VN-Index
Kết phiên giao dịch ngày 27/10, VN-Index tăng 5,17 điểm (+0,49%) lên 1.060,62 điểm, HNX-Index tăng 3,06 điểm (+1,42%) lên 218,04 điểm, UpCOM-Index tăng 0,31 điểm (+0,37% ) lên 83,1 điểm.
Theo Chứng khoán KIS Việt Nam, với các tín hiệu kỹ thuật hiện tại cho thấy xu hướng điều chỉnh ngắn hạn của VN-Index đang khá rõ ràng khi chỉ số “nhúng” dưới các đường trung bình động ngắn và trung hạn (MA20, MA50 và MA100) và đóng cửa dưới ngưỡng 1.100 điểm.
Dù thị trường xuất hiện một số tín hiệu đảo chiều như khối lượng gia tăng đột biến trong phiên 26/10, tâm lý của nhà đầu tư đang trở nên ổn định trở lại nhưng 2 tín hiệu này chưa khẳng định được thị trường có thể đảo chiều ngay, mà cần có sự tích lũy dần trước khi quay lại xu hướng tăng trong ngắn hạn.
Chứng khoán Vietinbank (CTS) cho hay, trong kịch bản thị trường “thủng” 1.000, nhiều rủi ro mà nhà đầu tư có thể xem xét đến. Đó là Fed có thể tăng lãi suất trở lại trong cuộc họp tuần sau, và tiếp tục phát đi tín hiệu sẽ còn một vài đợt tăng lãi suất trong thời gian tới.
Rủi ro địa chính trị tiếp tục leo thang, các cuộc xung đột ở Trung Đông và ở Nga – Ukraine gia tăng trên diện rộng đe dọa phát triển kinh tế cũng như gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng.
Tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, tình trạng thiếu đơn hàng ở các doanh nghiệp tiếp tục diễn ra, đồng thời thúc đẩy đầu tư công không hoàn thành mục tiêu đề ra cũng cần được xem xét đến.