Chiếm 0,2% dân số, tại sao người Do Thái 'ẵm' nhiều giải Nobel nhất thế giới?
Nhịp sống - Ngày đăng : 16:00, 29/10/2023
Giải thưởng Nobel, do nhà bác học Alfred Nobel thiết lập, là giải thưởng cao quý nhất để tôn vinh các nhà khoa học có đóng góp đặc biệt cho nhân loại trong các lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Y học, Văn học, Hòa bình và Kinh tế.
Xét về mặt sắc tộc, người Do Thái là một trong những dân tộc ghi nhiều dấu ấn nhất trong lịch sử giải Nobel. Chỉ chiếm 0,2% dân số thế giới (khoảng 14,2 triệu người) nhưng người Do Thái lại chiếm 22% tổng số giải thưởng.
Chiến thắng nghịch cảnh
Dân tộc Do Thái sở hữu một trong những nền văn hoá và lịch sử lâu đời nhất nhân loại, cùng thời với văn minh Ai Cập, Lưỡng Hà và Hy Lạp cổ đại. Tuy nhiên, lịch sử khiến dân tộc này phải sống tha hương và phân mảnh để duy trì sự sinh tồn, vượt qua những định mệnh nghiệt ngã của thời đại.
Các làn sóng đàn áp, đặc biệt là sự xuất hiện của Chủ nghĩa Quốc xã vào đầu thế kỷ 20, đã buộc một lượng lớn trí thức và nhà khoa học Do Thái phải di cư để tìm nơi ẩn náu trên toàn cầu. Mặc dù vậy, người Do Thái cần cù, kiên trì và sức sống dẻo dai, không bị đồng hóa và có ý thức vươn lên mãnh liệt.
Đối mặt với sự phân biệt đối xử lan rộng và các rào cản mang tính hệ thống, các cá nhân Do Thái đã thể hiện một quyết tâm kiên định để vươn lên các cấp độ tri thức và học thuật. Họ hướng tới việc theo đuổi trí tuệ không chỉ như một phương tiện để trao quyền cho bản thân mà còn như một con đường để đạt được sự công nhận chính đáng trong xã hội.
Thế kỷ XX bắt đầu với làn sóng người Do Thái di cư ồ ạt sang Mỹ và các nước châu Âu. Một số nhà nghiên cứu cho rằng ở mỗi vùng đất mới, phần lớn người Do Thái đều tìm đến với khoa học vì họ tin đó là cách để có thể vượt lên trật tự thế giới cũ - nơi hầu hết người Do Thái không có chỗ trong quyền lực, giàu sang và địa vị xã hội. “Từ việc thực hiện những khám phá khoa học giải thích thế giới xung quanh chúng ta đến việc tạo ra nền văn học mang lại ý nghĩa cho thế giới và từ việc tiên phong trong những đột phá y học cứu sống vô số sinh mạng đến việc dẫn đầu các sáng kiến kiến tạo hòa bình để cứu sống vô số người, các thế hệ người Do Thái đoạt giải Nobel đã tạo nên một đóng góp to lớn cho thế giới mà tất cả chúng ta đang sống”, lời dẫn của cựu Thủ tướng Anh Theresa May trong cuốn sách Jewish Nobel Prize Winners.
Đặc trưng văn hóa: Nhấn mạnh vào học vấn sự uyên bác
Nhà nghiên cứu chính trị Charles Murray trong một bài tiểu luận Thiên tài Do Thái năm 2007 viết rằng “gen giải thích chỉ số IQ của người Do Thái tăng cao”. Nhà khoa học Israel đoạt giải Nobel Hóa học năm 2005, Aaron Ciechanover, cho rằng: “Bộ não con người là tài nguyên thiên nhiên duy nhất mà Israel sở hữu”. Tuy nhiên, giả thuyết này gấp phải nhiều nghi ngờ.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Ronald Gerstl cho rằng: “Các giá trị văn hóa của người Do Thái dựa trên sự giáo dục của gia đình, sự cống hiến cho giáo dục, động lực bản thân, sự kiên trì, kiên cường khi đối mặt với nghịch cảnh hay đơn giản là làm việc chăm chỉ đã chắc chắn góp phần vào thành công của họ”, theo tờ Jewish Chronicle.
Cốt lõi của truyền thống người Do Thái là sự tôn kính sâu sắc đối với việc học. Sự tôn kính dành cho việc theo đuổi trí tuệ đã ăn sâu bám rễ, thể hiện niềm tin rằng kiến thức là một kho báu vô giá. Người Do Thái tin rằng: “Để bảo vệ một đất nước, bạn cần một đội quân, nhưng để bảo vệ bản sắc, bạn cần một trường học”.
Thái độ này đã dẫn đến văn hóa đọc sách trở thành thói quen. Chủ nhân giải thưởng Nobel Kinh tế 2005 người Israel, ông Robert Aumann cho biết, nhà của mỗi người Do Thái đều đầy chật các giá sách.
Nền tảng văn hóa đó đã đóng một vai trò then chốt trong việc nuôi dưỡng các thế hệ học giả, nhà khoa học và nhà tư tưởng tại các vùng đất có dấu ấn Do Thái. Đầu tư vào giáo dục, cả ở cấp độ gia đình và cộng đồng, đã đóng vai trò là nền tảng để nuôi dưỡng một môi trường thuận lợi cho việc học.
Bên cạnh đó, truyền thống Do Thái từ lâu đã ủng hộ việc tìm hiểu, tư duy phê phán và khám phá trí tuệ. Kinh Talmudic của Do Thái giáo coi trọng việc diễn ngôn nghiêm ngặt và theo đuổi kiến thức, trong đó có răn dạy “trí tuệ còn hơn cả sức mạnh cơ bắp”.
Những nguyên lý văn hóa và tôn giáo này hài hòa hoàn toàn với phương pháp luận khoa học nuôi dưỡng nhân cách người Do Thái trong một môi trường nơi sự đổi mới và khám phá phát triển mạnh mẽ.
Từ năm 1901 đến 2023, trong số 965 cá nhân nhận giải Nobel, 214 người là người Do Thái hoặc có ít nhất cha hoặc mẹ là người Do Thái, chiếm 22% tổng số người nhận. Người Do Thái chỉ chiếm 0,2% dân số thế giới, có nghĩa là tỷ lệ người chiến thắng của họ cao gấp 100 lần tỷ lệ dân số thế giới.
Người Do Thái đã được trao hết cả 6 hạng mục giải thưởng, với tỷ lệ trong các lĩnh vực phân bổ như sau:
Hóa học: 36 (chiếm 19%)
Kinh tế: 38 (chiếm 41%)
Văn học: 16 (chiếm 13%)
Hòa bình: 9 (chiếm 8%)
Vật lý: 56 (chiếm 25%)
Y-Sinh học: 59 (chiếm 26%)
Adolf von Baeyer, người nhận giải Nobel Hóa học năm 1905, là người Do Thái đầu tiên được trao giải. Arthur Ashkin, một người Mỹ gốc Do Thái, 96 tuổi vào thời điểm được trao giải là người lớn tuổi nhất nhận giải Nobel, theo Business Insider.