Cha mẹ mắng chửi gây tổn thương ngang bằng xâm hại tình dục

Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 21:15, 28/10/2023

Một nghiên cứu cho thấy cha mẹ mắng chửi, la hét, dọa dẫm con cái sẽ làm chúng tổn thưởng ngang bằng hành vi lạm dụng tình dục. Hãy nuôi dạy một đứa trẻ bằng tình yêu thương để chúng biết cách yêu thương những người xung quanh.
yukt.jpg
Tại sao khi người lớn quát nạt, con trẻ sợ hãi nhưng không hiệu quả? Ảnh minh họa

Trên báo điện tử VnExpress vừa công bố một kết quả nghiên cứu trên tạp chí Child Abuse and Neglect của nhóm các nhà khoa học thuộc ĐH Wingate (Mỹ) và Khoa ngôn ngữ và Tâm lý thuộc ĐH London (Anh). Các chuyên gia này cho rằng vấn đề bạo hành bằng ngôn từ cần được xem như một hình thức ngược đãi để từ đó tìm ra các phương pháp bảo vệ trẻ em.

Có 4 loại ngược đãi trẻ em gồm: Lạm dụng thể chất, lạm dụng tình dục, lạm dụng tình cảm, lạm dụng lời nói. Nếu 3 loại ngược đãi trẻ em kể trên đều có thể thấy được và cũng dễ dàng kết tội, thì lạm dùng lời nói lại diễn ra công khai nhưng dễ dàng bị bỏ qua nên không nhiều người thấy được mức độ tổn thương mà một đứa trẻ phải chịu đựng.

Cũng theo báo VnExpress, giáo sư Shanta Dube của Đại học Wingate cho biết cha mẹ dùng bạo lực bằng lời nói sẽ để lại hậu quả tiêu cực suốt đời cho con trẻ.

Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những hành động mắng chửi, đe dọa, của bố mẹ hay giáo viên hay bất kỳ người lớn nào dành cho trẻ em. Điều đáng lo ngại là những hành vi này nếu diễn ra liên tục trong suốt thời thơ ấu, thì khi lớn lên, đứa trẻ ấy sẽ có những biểu hiện tiêu cực như hay tức giận, khép mình và thậm chí là trầm cảm, sa sút tinh thần.

yujy.png
Lời mắng chửi của ba mẹ tác động tiêu cực đến con cái hơn những gì bạn nghĩ. Ảnh minh họa

Người lớn cho rằng việc này không đáng lo ngại và thường không bận tâm về nó. Nhưng thế hệ trẻ em hiện nay không giống những thế hệ trước, đặc biệt là thời của ông bà, cha mẹ chúng. Chúng ta, những người làm cha mẹ, đã quen với nếp sống, suy nghĩ của thời “cơm đủ no, áo đủ ấm” hay “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho ngào”.

Trẻ em giờ không phải vậy. Mọi thứ đã thay đổi, và bậc cha mẹ cũng buộc phải thay đổi để thích nghi thời cuộc, với con cái. Không dễ dàng, nhưng vì con cái, bạn phải chuyển mình.

Trong khi đó người sáng lập tổ chức bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành lời nói Words Matter, Jessica Bondy, nhấn mạnh rằng trong cuộc sống, người lớn thỉnh thoảng (hoặc thường xuyên) bị căng thẳng quá mức dẫn đến việc la mắng trẻ em một cách vô ý. Nhưng họ buộc phải nhận ra hành động nguy hiểm này và chấm dứt hành vi của bản thân để trẻ em có cơ hội được phát triểt toàn diện.

Trong cuộc sống hiện đại, bất kỳ ai cũng gánh trên lưng trách nhiệm “cơm áo gạo tiền”, mệt mỏi, áp lực là điều không thể tránh. Nhưng xin bạn đừng biến trẻ em thành những tấm thớt để thỏa sức “chém” mỗi khi “giận cá”.

Có thể sẽ có không ít người qua rồi giây phút mắng chửi sẽ giật mình nhìn lại, và trách cứ bản thân vì không kiểm soát được cơn nóng giận mà trút hết lên con mình. Họ sẽ xin lỗi, nhưng bạn cũng cần nhớ rằng có những vết thương sẽ rất khó lành. Đừng biến con trẻ thành nạn nhân như vậy.

dyhe.jpg
Ba mẹ buộc phải thay đổi để thích nghi cách dạy con. Ảnh minh họa

Đáng lưu ý, VnExpress còn đề cập đến việc tổ chức Words Matter đề nghị người lớn nên tránh la hét, quát tháo, xúc phạm đến lòng tự trọng của trẻ em trong các cuộc trò chuyện.

Bạn làm cha mẹ, không có nghĩa bạn có quyền định đoạt mọi thứ. Bố mẹ tốt là người lắng nghe và tôn trọng cảm xúc, suy nghĩ, mong muốn của con trẻ thay vì tự đưa ra quyết định mà không tham vấn chúng. Điều này ngoài việc làm tổn thương trẻ em, còn có thể khiến chúng thiếu đi sự tự tin cần thiết trong việc đưa ra lựa chọn hay quyết định cho mai này.

Vì vậy, tổ chức Words Matter cho rằng cha mẹ cần suy nghĩ kỹ trước khi nói và nếu lỡ làm tổn thương con, hãy chữa lành cảm xúc của trẻ, dù điều này rất khó.

Đến đây bạn nhận ra việc của cha mẹ vốn không dễ dàng gì, đúng vậy, thật khó khăn để nuôi dưỡng một đứa trẻ. Nhưng bạn muốn con mình lớn khôn theo cách nào, bằng yêu thương hay sự bạo lực, dù cả là bạo lực lời nói vốn không được nhìn nhận đúng bản chất như vốn có?

An Nhiên (Tổng hợp MXH)