Nơi những đứa trẻ tự kỷ vẽ nên cuộc sống của mình
Tổ ấm - Ngày đăng : 18:00, 28/10/2023
Đều đặn suốt một năm nay, cứ đến thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, lớp học lại rộn rã tiếng nói cười của phụ huynh và các em nhỏ bị mắc hội chứng tự kỷ. Lớp học đặc biệt này được sáng lập bởi chị Tâm Trang (còn gọi là SiSi) - một người mẹ đơn thân có con bị tự kỷ - với mục đích tạo ra một sân chơi an toàn, nơi mà các em nhỏ bị tự kỷ được gặp gỡ mọi người, có cơ hội tương tác với bạn bè, được yêu thương và khuyến khích phát triển sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật. Điều đặc biệt nằm ở chỗ, My Corner hoàn toàn miễn phí, các em nhỏ tham gia lớp học được chị Trang hỗ trợ toàn bộ chi phí và dụng cụ học tập.
Ước mơ của mẹ
Nói về lý do mở lớp học, chị Trang chia sẻ, tất cả đều vì con. Chị Trang chào đón con trai đầu lòng vào năm 40 tuổi và chị hạnh phúc vì điều đó. Giống như những bà mẹ khác, bằng tất cả sự hân hoan, chị Trang dành mọi kỳ vọng vào con của mình. Mọi thứ đều diễn ra êm đẹp cho đến khi Dorjee được 15 tháng tuổi, bác sĩ chẩn đoán em mắc hội chứng phổ tự kỷ, người mẹ này như rơi đến tận cùng của nỗi thất vọng và đau khổ.
Suốt 10 năm ròng rã, chị Trang tìm mọi cách, mọi phương tiện tốt nhất để dạy con, cho con theo học ở trường quốc tế, các trung tâm uy tín,... với mong muốn giúp con phát triển như những đứa trẻ bình thường và hòa nhập với xã hội. Nhưng sau nhiều năm theo đuổi, chị nhận ra rằng, con chị không có khả năng học cao hơn, ước mơ con phát triển như bao đứa trẻ khác là điều không thể.
Đây cũng là lúc chị Trang thay đổi cách nhìn nhận về sự phát triển của con mình. “Tôi đặt ra câu hỏi, liệu rằng mình có đang làm tốn thời gian của con hay không khi đặt con vào một môi trường không có sự phù hợp hay thích ứng với năng lực của con, thay vì cho con cơ hội làm những điều con thích”, chị nói.
Sau những tháng ngày nỗ lực đưa đón con theo học ở trường quốc tế, tập trung vào việc hướng Dorjee phát triển như những đứa trẻ khác, chị quyết định cho con học tại nhà và bắt đầu đồng hành cùng Dorjee trong thế giới riêng của con. Bởi hạnh phúc của một người mẹ chính là nụ cười của con, mong con luôn bình an, nhẹ nhàng khôn lớn.
Chị Trang bộc bạch: “Tôi cảm thấy điều quan trọng nhất là con phải trở thành người tử tế. Con phải biết đối nhân xử thế, biết cảm ơn và xin lỗi; con biết yêu thương, con biết mang ơn; biết tính tiền, biết gọi đồ ăn trên mạng,... thế là đủ rồi. Thời gian còn lại của con là để học chữ, biết đọc, biết viết. Nếu con đi lạc, con biết liên lạc cho ai, biết mượn điện thoại của ai để gọi cho mẹ,... Những điều đó quan trọng hơn tất cả những thứ khác với những bé như con nhà tôi”.
Và rồi, để con không phải chịu sự cô đơn, đối mặt với bốn bức tường khi học ở nhà, chị Trang mở ra không gian nghệ thuật My Corner Art Studio, một môi trường học tập tại nhà (homeschooling) dành cho trẻ em tự kỷ. Đó là cách mà My Corner bắt đầu chặng hành trình của mình.
Lớp dạy vẽ cho trẻ em tự kỷ
“Ngôi nhà” nhỏ rộng đâu đó chừng 30 mét vuông, trên tường treo chật kín mấy bức tranh vẽ đủ màu sắc, mà tác giả của chúng chính là những em nhỏ mắc hội chứng tự kỷ đang theo học tại My Corner. Mỗi bức tranh mang một nội dung, là chuyến dạo chơi gần nhà, là người mà em yêu quý, là những kỷ niệm đẹp trong cuộc sống hay những giấc mơ màu nhiệm,... Không chỉ thể hiện điều được nhìn thấy, những bức tranh còn là nơi các em vẽ lên cảm xúc, suy nghĩ và thế giới riêng của mình.
Phía cuối lớp học được bố trí tủ và kệ chứa đầy cọ, sáp màu. Còn giữa gian phòng là chiếc bàn lớn - "không gian" chính cho các em sáng tạo nên những bức tranh đa dạng, phong phú, mang đậm màu sắc cá nhân.
Xuất phát điểm là một người mẹ có con tự kỷ, chị Tâm Trang hiểu được tâm trạng thấp thỏm của những người làm cha làm mẹ khi cho con bước vào môi trường hòa nhập. Bởi thực tế, tự kỷ vẫn còn là khái niệm xa lạ với phần đông xã hội, vì thế, không phải cha mẹ nào có con tự kỷ cũng có đủ thông tin và kỹ năng để can thiệp, hỗ trợ cho con theo hướng tốt nhất.
Đưa con đi đâu để học, mô hình nào là phù hợp với từng giai đoạn phát triển của con, đó là câu hỏi chung của rất nhiều phụ huynh có con bị tự kỷ. Còn chưa kể đến, với những gia đình không khá giả, việc tự “bơi” với những khoản chi phí không hề nhỏ để điều trị cho con, để con được học hành,... là điều vô cùng khó khăn. Hiểu được điều này, chị Trang đã sẵn lòng mở rộng My Corner để các em nhỏ bị tự kỷ có nơi học tập, kết bạn, và phụ huynh thì có nơi để gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau.
“Đằng nào thì tôi cũng thuê chỗ cho con học, đằng nào cũng có cô giáo tới dạy cho con thì không có lý do gì mà không mở rộng ra để cho các bạn khác cùng tới học. Vì thực sự, các phụ huynh không phải ai cũng có điều kiện. Họ chỉ là những người thực sự muốn con mình vui, muốn con có bạn, muốn con được hòa nhập, nên họ sắp xếp công việc để đưa con đến đây 2 ngày/ tuần.
Nhưng mà, nếu đưa con đến những trung tâm khác, vào lớp chung thì cũng khó, người ta không hoan nghênh con đâu!. Mà nếu học một kèm một thì không có đủ chi phí, không đi đường dài được, và rồi con cũng không có bạn, con sẽ cô đơn. Nên là, tôi mở lớp như một cái duyên, một việc làm dễ thương nhưng mang lại biết bao nhiêu niềm vui, niềm hạnh phúc cho các mẹ, các con”, chị Trang chia sẻ.
Không chỉ là lớp học vẽ, My Corner còn là nơi giúp các em nhỏ tự kỷ định hướng nghề nghiệp, giúp các em có thể kiếm ra tiền dựa trên sức lao động của chính mình. Sự trăn trở về tương lai cho các em nhỏ tự kỷ khiến chị Trang luôn băn khoăn: “sau khi vẽ ra tác phẩm, liệu các con có sống được với những thứ mình làm ra hay không?”.
Chính vì điều này, ngay từ những ngày đầu thành lập My Corner, chị Trang không chỉ chú trọng đến việc giúp các em phát triển khả năng bản thân, mà còn giới thiệu các tác phẩm hội họa của các em đến với cộng đồng thông qua việc khai thác hình ảnh, in chúng lên các sản phẩm đa chất liệu như áo thun, túi xách, khăn,... và đăng bán trên các trang mạng xã hội. Với mỗi sản phẩm, các em sẽ nhận về 50.000 đồng tiền tác quyền.
Chị bày tỏ: “Tôi muốn giúp các con hiểu được rằng, muốn mua được những món đồ chơi thì mình phải lao động. Bởi vì, phụ huynh nuôi con tự kỷ rất khó khăn. Nếu có thể để con tự làm, tự bán để mua đồ chơi thì điều này rất tuyệt vời. Rồi vài ba năm nữa, các con sẽ có ý thức lao động nhiều hơn, chất lượng tranh vẽ tốt hơn, các con có thể kiếm sống bằng việc hội họa của các con”.
Tưởng chừng chỉ là lớp học vẽ, thế nhưng, đến với My Corner, các em còn được học thêm về cách giao tiếp xã hội, và phụ huynh cũng có cơ hội tìm hiểu rõ hơn về sở thích của con cái. Sau một khoảng thời gian đưa con đến lớp học vẽ My Corner, chị Vũ Thị Hải Yến (53 tuổi) - mẹ của Minh Quân (13 tuổi) - không khỏi vui mừng khi nhìn thấy sự thay đổi tích cực từ nét vẽ cho đến cảm xúc của con. “Trước đây, nét vẽ của Minh Quân cứng nhắc chứ không được sinh động như bây giờ. Nhìn con thay đổi theo từng ngày, tôi mừng vì con có suy nghĩ, có cảm xúc riêng và con biết mình yêu thích điều gì”, chị Yến cười nói.
Chị Yến còn cho biết thêm, Minh Quân rất thích đến lớp học vẽ, tuần nào em cũng mở lịch đếm từng ngày, mong cho tới ngày đến lớp vẽ. Chị kể: “Hôm nào đi học vẽ Minh Quân cũng hào hứng. Đến lớp vẽ, tinh thần của con cũng thoải mái, thư giãn và nhẹ nhàng hơn. Không chỉ vậy, vào lớp con có thêm bạn, con không bị phán xét, các con bình đẳng như nhau và tương tác được với nhau. Các cô cũng hiểu được và cũng yêu thương các con”.
Hiểu để dạy
Ở lớp học vẽ đặc biệt này, cô giáo không xem các em là học viên, mà xem như các con trong nhà, ân cần, kiên nhẫn hướng dẫn cho các em họa từng nét bút, vẽ nên câu chuyện của chính mình. Xuất thân là cử nhân ngành kiến trúc, chưa từng học qua một lớp đào tạo sư phạm hay khóa học tâm lý nào, chị Uyên (32 tuổi, giáo viên hướng dẫn tại MCAS) cho biết, tình yêu thương và sự kiên nhẫn là phương pháp mà chị áp dụng mỗi khi đứng lớp cùng các em.
“Tôi vừa dạy vừa làm bạn để có thể kết nối với các em, cho đến khi các em cho phép tôi bước vào thế giới riêng của mình, chịu cho tôi hướng dẫn. Điều tôi cần làm là kiên nhẫn. Kiên nhẫn trò chuyện, khuyến khích và khen ngợi các em; kiên nhẫn lắng nghe và kiên nhẫn chờ đợi các em mở lòng. Tôi tin rằng, nếu mình kiên trì và yêu thương, các em sẽ trả lại cho tôi những nụ cười và những tiến bộ tuyệt vời. Sự thật đã diễn ra đúng như vậy”, chị Uyên chia sẻ.
Tùy vào mức độ và khả năng tiếp thu của mỗi em, chị Uyên sẽ đưa ra những cách truyền đạt, hướng dẫn khác nhau để giúp các em có thể hiểu và khuyến khích khả năng sáng tạo của các em trong từng buổi học. Kiến thức tích lũy từ những năm đi dạy cho các trung tâm chuyên biệt cùng niềm đam mê với mỹ thuật của mình đã giúp chị Uyên phần nào hiểu được tính cách và những điều mà các em muốn thể hiện thông qua bức tranh của mình.
Là người theo sát và đồng hành cùng các em trong lớp học, chị Uyên đánh giá: “Các bạn tự kỷ tuy tuổi đã lớn nhưng suy nghĩ chỉ như đứa trẻ tầm 3, 4 tuổi. Thế nhưng, dường như ông trời có sự bù trừ khi các bạn lại có năng khiếu về thị giác, nghệ thuật,… rất tốt. Tất cả các bạn đến lớp đều yêu thích vẽ, với tôi thì bấy nhiêu đó là đủ, rồi dần dần, tôi sẽ giúp các em nâng cao kỹ năng hội họa của mình”.
Với chị Uyên, được hướng dẫn và đồng hành cùng các em là điều khiến chị cảm thấy hạnh phúc. Mỗi ngày đứng lớp là một niềm vui, vừa giúp chị có thêm những trải nghiệm mới mẻ, phong phú, vừa khám phá ra những chân trời sáng tạo tiềm ẩn trong chính bản thân mình. “Tôi học được nhiều điều khi ở bên các em. Tôi học được cách kiên nhẫn chờ đợi, cách cảm thông chia sẻ, cách lắng nghe thấu hiểu để có thể gần gũi và yêu thương các em hơn”, chị Uyên bộc bạch.
Một năm là khoảng thời gian không dài nhưng lớp học vẽ dành cho trẻ tự kỷ My Corner Art Studio đã và đang gieo lên những “mầm xanh” hy vọng về tương lai của các em. Chắc chắn rồi đây, số học sinh sẽ tăng lên và giá trị nhân văn mà chị Tâm Trang “ươm mầm” sẽ tiếp tục được lan tỏa nhiều hơn nữa.