Điểm tin công nghệ 28/10: Apple chính thức xác nhận iPhone 15 lỗi sạc không dây trên ôtô

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 28/10/2023

Loạt tỉnh/thành triển khai Zalo mini app, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện; Mỹ đề xuất cấm nhập khẩu mẫu Apple Watch vi phạm bản quyền sáng chế
1_2634b9ec-675d-4ca7-b15b-7221e91d0e74.jpg

- Apple chính thức xác nhận iPhone 15 lỗi sạc không dây trên ôtô

Apple xác nhận vấn đề chip NFC có trên dòng iPhone 15 gặp sự cố khi sạc bằng bộ sạc không dây trên xe BMW và Toyota.

Theo MacRumors, Apple thừa nhận một số lượng nhỏ bộ sạc điện thoại không dây được tích hợp trong một số mẫu xe BMW và Toyota có thể tạm thời vô hiệu hóa chip NFC của iPhone 15 series.

Apple cho biết trong 1 thông báo việc sạc iPhone 15, iPhone 15 Plus, iPhone 15 Pro và iPhone 15 Pro Max qua sạc không dây tích hợp trên một số mẫu xe BMW và Toyota Supra "có thể tạm thời vô hiệu hóa NFC của thiết bị".

Táo khuyết không đưa ra nguyên nhân cụ thể cho vấn đề này.

Chip NFC trên iPhone hỗ trợ các tính năng như Apple Pay và Digital Key. Apple khuyên các kỹ thuật viên khởi động lại chip NFC trên iPhone 15 bị ảnh hưởng bằng cách khởi động lại chip bằng công cụ phần mềm có trong Apple Service Toolkit 2. Trong trường hợp vẫn không xử lý được lỗi, các kỹ thuật viên nên tiến hành sửa chữa phần cứng.

Apple cho biết vấn đề này sẽ được giải quyết trong bản cập nhật phần mềm vào cuối năm nay, đồng thời, khuyên những khách hàng bị ảnh hưởng nên ngừng sử dụng tính năng sạc không dây trên ô tô.

- Oppo tham vọng vươn lên số 1 thị trường điện thoại gập tại Việt Nam

Mặc dù đi sau so với đối thủ, nhưng Oppo, hãng điện thoại đang chiếm thị phần số 2 tại Việt Nam, muốn vươn lên vị trí số 1 thị phần điện thoại gập.

Chia sẻ trên được ông Văn Bá Luýt, Giám đốc sản phẩm của Oppo Việt Nam đưa ra tại buổi ra mắt sản phẩm điện thoại gập Find N3 và Find N3 Flip tại TP.HCM tối ngày 26/5 tại TP.HCM. Đây là lần đầu tiên Oppo ra mắt một lúc 2 dòng sản phẩm smartphone cao cấp (flagship) ở thị trường Việt Nam.

Với 10 năm có mặt trên thị trường và 25 triệu khách hàng đã mua sản phẩm Oppo, hãng điện thoại này đang tự tin với tham vọng đó.

Trong báo cáo mới đây về điện thoại gập, IDC cho biết, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của dòng điện thoại này là 27,6% từ năm 2022 đến 2027 và đến năm 2027 số lượng điện thoại gập sẽ đạt con số 48,1 triệu chiếc. Đại diện IDC cũng kỳ vọng dòng điện thoại này sẽ tăng trưởng lên đến 50,5% vào năm 2023 và sẽ là xu hướng trên thị trường điện thoại thông minh trong thời gian tới.

- Loạt tỉnh/thành triển khai Zalo mini app, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện

Đầu tháng 3/2023, Tây Ninh trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước ra mắt mini app “Tây Ninh Smart” trên Zalo. Phiên bản mini app “Tây Ninh Smart” trên Zalo cung cấp các tiện ích như: Nộp hồ sơ trực tuyến, phản ánh hiện trường, hỏi đáp trực tuyến, đăng ký cửa hàng 4.0, thanh toán học phí trực tuyến, xem truyền hình, radio trực tuyến, cập nhật tin tức tuyên truyền từ chính quyền địa phương…

Trong khi đó, với phương châm đặt người dân và DN là trung tâm để nâng cao chất lượng phục vụ, tỉnh Long An triển khai Zalo mini app “Long An Số”. Bên cạnh các tính năng để người dân tiếp cận các dịch vụ công, việc tích hợp "Sàn nông sản Long An" vào mini app được coi là bước đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh, bởi không chỉ người dân được bổ sung một kênh tiếp cận nông sản an toàn mà chính DN nông sản cũng có thêm đầu ra mới.

Đắk Lắk cũng là một trong những tỉnh sớm triển khai mô hình Zalo mini app. Việc phát hành phiên bản ứng dụng của địa phương trên nền tảng Zalo nhằm góp phần đơn giản hóa thao tác sử dụng, tạo kênh tương tác hiệu quả giữa chính quyền và người dân

Với đặc thù là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc nhất cả nước, việc tuyên truyền, vận động người dân sử dụng các nền tảng số một cách đồng bộ cũng là một thách thức của tỉnh Đắk Lắk. Do vậy, khi tận dụng Zalo, nền tảng số quen thuộc, dễ sử dụng với đại đa số người dân, chính quyền tỉnh sẽ tiết kiệm được nguồn lực và thời gian tuyên truyền, hướng dẫn; đồng thời phát huy tối đa hiệu quả tương tác, xử lý yêu cầu giữa chính quyền và người dân.

Mới đây, ngày 06/10, tỉnh Lào Cai cũng đã cho ra mắt ứng dụng mini app “Lào Cai Số” trên nền tảng Zalo. Với quan điểm người dân ở đâu, chính quyền ở đó, trên cơ sở hơn 400.000 người dân Lào Cai sử dụng Zalo, mini app sẽ là một kênh tương tác thân thiện giữa người dân và chính quyền.

Cụ thể, phiên bản mini app “Lào Cai Số” trên Zalo hiện đã được tích hợp nhiều tính năng: Quét mã QR; liên hệ đường dây nóng; theo dõi tình hình thời tiết; nộp hồ sơ, tra cứu hồ sơ; theo dõi kết quả phản ánh; đọc báo, theo dõi tin nổi bật từ Cổng Thông tin điện tử tỉnh Lào Cai, báo Lào Cai; xem truyền hình, theo dõi lịch phát sóng từ chức năng liên kết Truyền hình Lào Cai.

Ngày 10/10 vừa qua, tỉnh Đồng Nai đã chính thức ra mắt Zalo mini app “Đồng Nai Smart” sau 2 tháng thử nghiệm, đây được xem như một hoạt động nổi bật trong tuần lễ Chuyển đổi số của tỉnh. Cùng ngày, hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang cũng đã công bố đưa vào vận hành thử nghiệm Zalo mini app “Kiên Giang S” cung cấp loạt tiện ích công cho người dân trên địa bàn tỉnh.

- Viettel công bố chip 5G và trợ lý ảo AI

Tại triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) diễn ra từ ngày 28/10 – 1/11/2023, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) công bố nghiên cứu thành công Chip 5G và Trợ lý ảo AI.

Dòng Chip 5G DFE đầu tiên của Việt Nam thuộc hệ sinh thái sản phẩm 5G do kỹ sư Viettel làm chủ hoàn toàn thiết kế. Là thành phần phức tạp nhất của hệ sinh thái 5G, dòng Chip này đóng vai trò xử lý các thuật toán 5G DFE, điều khiển toàn bộ các hoạt động của 5G RRU (Khối thu/chuyển tín hiệu) và giao tiếp tốc độ cao với các khối xử lý 5G khác. Chip 5G DFE có mức độ phức tạp tương đương chip Apple A7, có năng lực tính toán 1.000 tỷ phép tính/giây và được các đối tác uy tín như Synopsys đánh giá cao.

Viettel cũng trình diễn hai sản phẩm tiêu biểu trong hệ sinh thái AI của Viettel gồm Trợ lý ảo pháp luật đang được sử dụng hiệu quả trong ngành toà án và giải pháp hỗ trợ chăm sóc khách hàng tự động - Viettel AI Video KYC.

Viettel kết hợp xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính trên nền tảng Big Data và Cloud… để giải quyết linh hoạt các bài toán của tổ chức, doanh nghiệp và xã hội.

- Mỹ đề xuất cấm nhập khẩu mẫu Apple Watch vi phạm bản quyền sáng chế

Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ khuyến nghị cấm nhập khẩu các mẫu đồng hồ thông minh Apple Watch vi phạm bản quyền công nghệ sử dụng tín hiệu ánh sáng đo mức oxy trong máu.

Mỹ khuyến nghị cấm nhập khẩu các mẫu đồng hồ thông minh Apple Watch vi phạm bản quyền công nghệ sử dụng tín hiệu ánh sáng đo mức oxy trong máu. Ảnh: PhoneArena

Ngày 26/10, công ty công nghệ y tế Masimo cho biết Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC) khuyến nghị cấm nhập khẩu các mẫu đồng hồ thông minh AppleWatch vi phạm bản quyền công nghệ sử dụng tín hiệu ánh sáng đo mức oxy trong máu do hãng Masimo phát triển.

Cụ thể, USITC đã ban hành “lệnh loại trừ có giới hạn”, có hiệu lực sau 60 ngày, trừ khi chính quyền Tổng thống Joe Biden phủ quyết lệnh kể trên.

Giám đốc điều hành (CEO) của Masimo, Joe Kiani cho biết phán quyết của USITC đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng ngay cả tập đoàn lớn nhất thế giới cũng phải tuân thủ pháp luật, đồng thời thể hiện nỗ lực buộc Apple chịu trách nhiệm về hành vi chiếm dụng trái phép công nghệ được cấp bằng sáng chế của Masimo.

Apple cho biết sẽ kháng cáo lên tòa án liên bang và cho rằng Masimo đã khiếu nại sai mục đích lên USITC nhằm ngăn chặn một sản phẩm có khả năng cứu sống hàng triệu người tiêu dùng Mỹ, đồng thời quảng bá cho sản phẩm đồng hồ thông minh của Masimo.

- Cuộc gọi hiển thị tên định danh là gì?

Từ hôm 27/10, tất cả các số điện thoại của các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và nhà mạng khi gọi đến người dân đều sẽ hiển thị tên định danh.

Thời gian qua, một số đối tượng đã sử dụng số thuê bao cố định, di động giả mạo, tự xưng là Bộ Thông tin và Truyền thông, Công an, Viện kiểm sát, Ngân hàng, Nhà mạng viễn thông … gọi điện cho người dân nhằm thu thập thông tin, hù dọa, lừa đảo, từ đó chiếm đoạt tài sản của người dân. Hiện tượng này đang có xu hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Để phòng chống hình thức lừa đảo mạo danh này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo triển khai cấp tên định danh (Voice brandname) cho các số điện thoại là các số đường dây nóng của các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, cấp tên định danh cho các nhà mạng viễn thông di động, cố định như VNPT, Viettel, MobiFone, FPT…

Nghĩa là khi người dùng nhận được cuộc gọi từ phía nhà mạng như VinaPhone, cuộc gọi sẽ được hiển thị tên VinaPhone thay vì chỉ hiển thị số điện thoại như trước đây.

Giải pháp này sẽ giúp người dân nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để lừa đảo giả mạo.

Việt Báo (Tổng hợp)