Tổng thống Mông Cổ sắp thăm Việt Nam
Nhịp sống - Ngày đăng : 14:08, 27/10/2023
Việt Nam và Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 11/1954, có quan hệ hữu nghị truyền thống, thường xuyên giúp đỡ và ủng hộ lẫn nhau. Từ năm 1992, dù đã chuyển sang chế độ đa nguyên đa đảng, Mông Cổ vẫn coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở khu vực Đông Nam Á.
Trong tiếp xúc gần đây, Mông Cổ nhiều lần nhấn mạnh coi trọng quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại Khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam là đối tác quan trọng nhất tại khu vực Đông Nam Á, theo nhận định của Mông Cổ.
Việt Nam đang xem xét, nghiên cứu đề nghị của Mông Cổ về thiết lập khuôn khổ quan hệ mới "Đối tác toàn diện".
Hai bên đang duy trì cơ chế Tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao (thiết lập năm 2002). Gần đây nhất, hai bên đã tiến hành phiên họp lần thứ 10 tháng 9/2022.
Về đầu tư, tính đến tháng 11/2019, Mông Cổ có 3 dự án đầu tư tại Việt Nam, đứng thứ 96/126 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam. Tổng vốn đầu tư đạt 1,1 triệu USD. Các dự án này không thuộc các khu công nghiệp, khu kinh tế tại Việt Nam.
Trong khi đó, Việt Nam chưa có dự án đầu tư chính thức sang Mông Cổ, ngoài các dự án đầu tư trực tiếp của người Việt Nam tại Mông Cổ, dự kiến trên 10 triệu USD.
Năm 1996, hai bên ký Hiệp định về hợp tác thương mại. Trao đổi ngoại thương những năm 1994-1995 đạt 5-6 triệu USD và tăng trưởng nhanh, đạt 85 triệu USD vào năm 2022.
Trong đó Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các loại hàng nông sản, thực phẩm, đặc biệt là tân dược của Mekopharm, Bidipharm, Hậu Giang, Habaco, thuốc lá Sài Gòn, cà phê G7, phở khô, bia Saigon ...
Hàng Mông Cổ xuất sang Việt Nam chủ yếu là cao ngựa bạch, thảm len lông cừu, các sản phẩm lông dê mịn, các sản phẩm làm từ da, găng tay da...
Hai bên đang nỗ lực triển khai mở rộng các mặt hàng hai bên có thế mạnh như nông sản, thủy sản, tiêu dùng của Việt Nam và các sản phẩm thịt gia súc, da giày của Mông Cổ.