'Tránh trục lợi khi giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu'
Nhịp sống - Ngày đăng : 16:00, 26/10/2023
Ngày 26/10, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, có buổi gặp, đối thoại với đại diện hơn 3.000 người dân nhường đất xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Buổi đối thoại diễn ra trong bối cảnh dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang rất chậm tiến độ so với kế hoạch Chính phủ đề ra.
Mở đầu, ông Lĩnh mong qua buổi đối thoại sẽ nắm bắt được những phản ánh thực tế về khó khăn, vướng mắc; thực trạng về chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ thu hồi, kiểm đếm đất, đơn giá đất, áp khung giá đất… để giải quyết những nguyện vọng chính đáng, phù hợp với quy định.
Tại buổi đối thoại, có 25 ý kiến của người dân TP Biên Hòa và huyện Long Thành liên quan vấn đề giá bồi thường, những hộ dân xây nhà trên đất nông nghiệp, mua bán giấy tay...
Nhiều người mong muốn được bố trí tái định cư tại chỗ chứ không muốn đi xa vì đã sinh sống lâu, quen với đường đi lối lại. Họ nói, do còn mồ mả ông bà tổ tiên nên muốn ở gần để tiện chăm sóc…
Ông Nguyễn Văn Quyết (phường Phước Tân, TP Biên Hòa) mong nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Ông nói lãnh đạo tỉnh cần xem xét cho bà con vì hầu hết người dân mua đất từ đầu những năm 2000 và xây dựng nhà, sinh sống ổn định ngay sau đó.
"Chúng tôi mong được áp giá bồi thường phù hợp để bà con an tâm sinh sống. Đồng thời người dân muốn biết giá bồi thường các khu vực trên toàn tuyến cao tốc", ông Quyết nói.
Còn ông Nguyễn Cao Nam (phường Phước Tân, TP Biên Hòa) muốn được biết sẽ tái định cư ở đâu, mức phí cơ sở hạ tầng hộ chính, hộ phụ. Hiện tỉnh giải phóng mặt bằng có hỗ trợ chi phí và tạo việc làm cho các hộ dân như thế nào?
Cũng theo ông Nam, hiện đa số người dân địa phương sống chủ yếu là nhà ở chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nhiều nhà ở ổn định hàng chục năm nên muốn áp giá bồi thường, tái định cư phù hợp.
Trước kiến nghị của người dân, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết, khi đền bù, địa phương sẽ căn cứ theo luật đất đai, các nghị quyết, nghị định để áp giá đất phù hợp với quy định.
Kết luận buổi đối thoại, Bí thư Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nói rằng Đồng Nai mong muốn ra một chính sách phù hợp nhất, đảm bảo được quyền lợi cho người dân.
Người đứng đầu tỉnh ủy Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan cần nhanh chóng kiểm đếm, xác định giá đất, lập phương án bồi thường hỗ trợ trình phê duyệt. Ngoài ra, cần bổ sung, tăng cường nhân lực cho huyện Long Thành và thành phố Biên Hòa phục vụ công tác kiểm đếm.
Theo ông Lĩnh, phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu tái định cư. Trước mắt cơ quan ban ngành phải quan tâm đến chính sách tạm cư cho các hộ dân trong khi chờ bố trí tái định cư. Song song với đó, cần liên hệ với cơ quan Trung ương về kiến nghị bố trí các hộ dân bị giải tỏa dự án này vào khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn.
Khi được Thủ tướng chấp thuận chủ trương phải nhanh chóng bố trí các hộ dân vào khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn.
"Người dân kiến nghị, khiếu nại ra sao cần hướng dẫn, giải thích, tháo gỡ ngay để người dân hiểu. Kiểm soát ngăn ngừa các vi phạm, tránh trục lợi, sai sót, tiêu cực trong bồi thường giải phóng mặt bằng", Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.
Ông Lĩnh cho biết, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền vận động bà con sớm bàn giao mặt bằng để thi công cao tốc. Cả hai địa phương phải làm song song mới thi công thông toàn tuyến. Nếu Đồng Nai chậm, Bà Rịa - Vũng Tàu nhanh vẫn không thể về đích toàn tuyến.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được khởi công ngày 18/6, được chia thành 3 dự án thành phần.
Cụ thể, dự án thành phần 1 do tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư dài 16km, tổng mức đầu tư 6.012 tỷ đồng.
Dự án thành phần 2 do Bộ GTVT làm chủ đầu tư dài 18,2km, tổng mức đầu tư 6.852 tỷ đồng. Dự án thành phần 3 do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư dài 19,5km, tổng mức đầu tư 4.693 tỷ đồng.