Ngân hàng vẫn đổ tiền cho vay bất động sản: Gần 1 triệu tỷ đồng rót vào các dự án

Bất động sản - Ngày đăng : 13:05, 26/10/2023

Tính đến hết tháng 8, dư nợ tín dụng cho kinh doanh bất động sản đạt 986.477 tỷ đồng, tăng thêm hơn 26.000 tỷ đồng so với cuối tháng 7.

Tiền tiếp tục đổ vào bất động sản

Báo cáo của Bộ Xây dựng dẫn dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thấy, về dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản đạt gần 1 triệu tỷ đồng.

Trong đó, các khoản dư nợ tín dụng tăng trong tháng 8 như đối với các dự án đầu tư xây dựng khi đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 266.248 tỷ đồng (tăng gần 12.000 tỷ đồng so với cuối tháng 7);

Các dự án văn phòng đạt 40.622 tỷ đồng (tăng gần 700 tỷ đồng). Dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 56.571 tỷ đồng (tăng 4.700 tỷ đồng). Dự án nhà hàng, khách sạn đạt 64.211 tỷ đồng (tăng gần 900 tỷ đồng). Xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 132.165 tỷ đồng (tăng 4.000 tỷ đồng). Đầu tư kinh doanh bất động sản khác 310.099 tỷ đồng (tăng 600 tỷ đồng).

Tuy nhiên dư nợ của một số khoản có xu hướng giảm như dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 53.860 tỷ đồng (giảm 1.600 tỷ đồng); cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 62.701 tỷ đồng (giảm gần 500 tỷ đồng).

Nguồn: Ngân hàng nhà nước (Đồ hoạ: Hồng Khanh) 

Đối với thị trường trái phiếu lĩnh vực bất động sản, tính đến ngày 15/9, doanh nghiệp bất động sản chiếm 46% giá trị phát hành (56.900 tỷ đồng).

Theo số liệu tổng hợp của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, lũy kế tính đến ngày công bố thông tin 31/8, có 17 đợt phát hành công chúng trị giá 16.476 tỷ đồng (chiếm 12,4% tổng giá trị phát hành) và 101 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 115.882 tỷ đồng (chiếm 87,6% tổng số). Trong đó, nhóm bất động sản với 46.765 tỷ đồng (chiếm 35,3%).

Về nguồn vốn FDI "bơm" vào lĩnh vực bất động sản, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến quý III, vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 1,94 tỷ USD, chiếm hơn 9,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, bằng 55% so với cùng kỳ.

Gói 120.000 tỷ đồng giải ngân èo uột 

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, đến nay đã có 20 tỉnh, thành phố công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay vốn, nhu cầu hơn 25.800 tỷ đồng.

Trong đó, 49 dự án nhà ở xã hội (NOXH) có nhu cầu vay hơn 24.600 tỷ đồng, còn lại là 3 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, nhu cầu vay khoảng 1.230 tỷ đồng.

Đến nay, một số dự án đã được giải ngân với số vốn khoảng 83/1.095 tỷ đồng đã ký hợp đồng vay vốn.

Trao đổi tại hội thảo mới đây, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) nêu 4 nguyên nhân khiến việc giải ngân chương trình 120.000 tỷ đồng còn chậm.

Thứ nhất, nguồn cung hạn chế. Hiện mới có 20/63 tỉnh thành công bố danh mục dự án NOXH, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ với tổng số 51 dự án.

W-nha-o-xa-hoi-vietnamnet-2.jpeg
Nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế. (Ảnh: Hồng Khanh)

Thứ hai, một số dự án NOXH chưa thực sự hấp dẫn với người mua nhà, có dự án mở bán nhiều lần không có người quan tâm. Điều này cho thấy, vấn đề quy hoạch, vị trí dự án, môi trường sống… rất quan trọng.

Thứ ba, hiện điều kiện được hưởng chính sách NOXH còn chưa phù hợp, cần điều chỉnh để thuận tiện hơn cho người dân khi tiếp cận NOXH.

Thứ tư, chương trình 120.000 tỷ đồng là chương trình dài hơi; để giải ngân cần có khối lượng thực hiện, giải ngân theo tiến độ thi công của công trình, phải có hợp đồng mua bán… Do đó, thời gian đầu chương trình có thể chưa nhanh, nhưng với sự quyết tâm của Chính phủ, bộ ngành thì sau này khi chương trình được đẩy mạnh, tốc độ giải ngân sẽ nhanh hơn.

Có chính sách khuyến mại tín dụng đặc biệt cho dự án khả thi

Tại công điện mới nhất vừa được ban hành (24/10) về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản, có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất.

Có chính sách khuyến mại tín dụng đặc biệt dành cho các dự án bất động sản khả thi, tiến độ triển khai nhanh, tạo động lực cho tăng trưởng và thúc đẩy thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng rà soát kỹ các thủ tục điều kiện cho vay thuận lợi thông thoáng, kiểm soát được và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.