Loạt công trình nghỉ dưỡng xây dựng lấn chiếm Khu bảo tồn biển Phú Quốc
Nhịp sống - Ngày đăng : 07:51, 26/10/2023
Thời gian qua, Khu bảo tồn biển Phú Quốc ở ấp Cây Sao (xã Hàm Ninh, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) bị hàng loạt công trình du lịch nghỉ dưỡng xây dựng trái phép, lấn chiếm diện tích ven bờ và mặt biển.
Trong năm 2023, chính quyền địa phương đã cưỡng chế tháo dỡ khoảng 14 căn bungalow xây dựng trái phép tại khu vực này.
Sau khi thực hiện cưỡng chế, lực lượng chức năng buộc chủ bungalow phải khôi phục hiện trạng ban đầu đối với diện tích 524,6m2 đất và mặt nước tại ấp Cây Sao. Đồng thời, buộc trả lại diện tích đất đã chiếm dụng trái phép cho nhà nước quản lý.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại những công trình bị cưỡng chế tháo dỡ còn ngổn ngang nhiều trụ đá và cầu dẫn từ bờ ra biển.
Lực lượng chức năng gặp khó khăn trong việc xử lý, tháo dỡ công trình khi không thể dùng máy móc, xe cuốc để tháo dỡ như các công trình xây dựng trên đất liền. Với các cột trụ bê tông và cầu dẫn trên mặt nước, các đơn vị phải triển khai thủ công bằng sức người và cần có sự hỗ trợ của tàu, thuyền.
Hiện tại, trên vùng nước của Khu bảo tồn biển Phú Quốc vẫn còn 9 bungalow sừng sững ngoài phía biển, chưa có dấu hiệu tháo dỡ, khôi phục hiện trạng theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Theo lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, quá trình xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn, hộ vi phạm đã cố tình trì hoãn, kéo dài thời gian xử lý của chính quyền. Cơ quan chức năng đang tiếp tục củng cố hồ sơ, đảm bảo đầy đủ thủ tục pháp lý để sắp tới thực hiện cưỡng chế các bungalow còn lại trên vùng nước của Khu bảo tồn biển Phú Quốc.
Các bungalow được ốp gỗ, phía trên là mái lá, có cầu bằng gỗ dẫn từ bờ ra biển với các trụ bê tông kiên cố.
Loạt bungalow xây dựng trái phép tại Khu bảo tồn biển Phú Quốc, đối diện là núi Đá Bạc.
"Hồi các bungalow này còn hoạt động, du khách đến đây nghỉ dưỡng nhiều lắm. Sau khi chính quyền yêu cầu tháo dỡ thì khách thưa thớt dần. Giờ chỉ còn một dãy bungalow chưa hoàn trả mặt biển, lâu lâu vẫn thấy khách lui tới", một người dân địa phương chia sẻ.
Khu bảo tồn biển Phú Quốc nằm trong vùng biển thuộc huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) thành lập năm 2007, là một trong 11 Khu bảo tồn biển hiện có tại Việt Nam.
Khu bảo tồn biển Phú Quốc là loại hình bảo tồn loài, sinh cảnh với hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và các loài động, thực vật quý hiếm có tổng diện tích 26.863ha.
Trong số đó, diện tích bảo tồn rạn san hô 9.720ha thuộc cụm đảo Hòn Thơm; bảo tồn cỏ biển 6.825ha thuộc địa bàn từ xã Bãi Thơm đến xã Hàm Ninh; vùng phát triển trên 10.000ha.
Khu bảo tồn biển Phú Quốc có vai trò quan trọng trong việc phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển kinh tế biển, góp phần cải thiện sinh kế của người dân ven biển và hải đảo; nghiên cứu khoa học, giáo dục cộng đồng, giải trí, du lịch sinh thái và những vấn đề về môi trường.
Diện tích thảm cỏ biển khá lớn khoảng 10.000ha, tạo điều kiện thuận lợi cho những loài vật biển sinh sôi, phát triển như cá ngựa, cua, ghẹ..
Khu bảo tồn biển Phú Quốc được biết đến với sự có mặt của nhiều loài động vật biển được các tổ chức quốc tế đưa vào sách đỏ như Dugong (bò biển), rùa biển và cá heo. Do sự bảo tồn và chất lượng môi trường tốt, số lượng các loài này những năm trở lại đây có xu hướng tăng.
Với mật độ khách đến với khu du lịch Phú Quốc ngày càng tăng và sự khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản, hiện chính quyền địa phương đang tìm những giải pháp hiệu quả để cùng một lúc thực hiện hai nhiệm vụ lớn đó là bảo tồn thiên nhiên ở Khu bảo tồn Phú Quốc và phục vụ phát triển du lịch.