Tranh cãi yếu tố lịch sử trong 'Đất rừng phương Nam', đại biểu Quốc hội nói gì?
Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 12:09, 25/10/2023
Bộ phim Đất rừng phương Namcủa đạo diễn Nguyễn Quang Dũng vẫn đang là chủ đề nóng, được công chúng quan tâm. Kể từ khi ra mắt, bộ phim đã vướng nhiều tranh cãi về nội dung, tình tiết bị cho là chưa chính xác so với lịch sử.
Sau đó, Cục Điện ảnh đã thẩm định lại bộ phim, đồng thời nhà sản xuất phải chỉnh sửa lại một số chi tiết, lời thoại trong phim.
Trước những tranh cãi của dư luận về bộ phim, trong buổi thảo luận tại tổ về về các báo cáo kinh tế-xã hội của Quốc hội, đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội cho rằng câu chuyện phim Đất rừng phương Nam không chỉ giới hạn ở một bộ phim, mà rộng ra là cả quan điểm về cách thức làm phim lịch sử, sáng tạo nghệ thuật và cả phát triển thị trường nghệ thuật cho nước nhà.
"Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới đã nhấn mạnh: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá”. Sử dụng chất liệu lịch sử để sáng tác văn học, nghệ thuật là một chủ đề rất đáng khuyến khích nhưng gặp muôn vàn khó khăn.
Khó khăn không chỉ đến từ việc làm sao cân bằng được sự tôn trọng lịch sử và sáng tạo nghệ thuật, để lịch sử trở nên hấp dẫn hơn, gần gũi hơn, thu hút khán giả hiện tại nhiều hơn, mà còn trong cả việc cân bằng đánh giá của công chúng khi mà công chúng giờ đây rất quan trọng, lại có ý kiến trái chiều rất nhiều (cả khen và chê, khen nhiều, chê ít, khen ít, chê nhiều…), lại ở trên không gian mạng rộng lớn, khiến cho việc tạo ra một tác phẩm nghệ thuật có cá tính, sáng tạo trở nên rất khó khăn", đại biểu quốc hội Bùi Hoài Sơn đánh giá.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, tôn trọng lịch sử phải được xem là một nguyên tắc. Sáng tạo đến đâu cũng cần có khuôn khổ. Nhưng làm thế nào để hài hòa hai yếu tố đó ở một mức độ đa số công chúng chấp nhận lại phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức chung của xã hội.
"Chúng ta vẫn thường tấm tắc khen các bộ phim lịch sử của Trung Quốc, Hàn Quốc,… hấp dẫn. Nhưng tôi tin rằng, những bộ phim như vậy mà làm ở Việt Nam chắc chắn cũng gây ra nhiều tranh luận, khó thoát khỏi búa rìu dư luận. Tất nhiên, mỗi nền văn hóa khác nhau, cách thức làm phim phải khác nhau.
Song tôi vẫn luôn nghĩ rằng, nếu khoa học khai mở cho xã hội tri thức về tự nhiên thì văn nghệ sĩ khai mở về cái thiện, cái đẹp, và tình yêu thương.
Trong ba mục tiêu của giáo dục chân, thiện, mỹ thì văn hóa nghệ thuật chiếm đến hai. Nhà văn, nghệ sĩ chân chính luôn là chiến sĩ tiên phong khai mở cho con người ý nghĩa cuộc sống và vì điều đó họ phải xả thân. Một xã hội văn minh là xã hội biết lắng nghe và tạo hành lang tự do cho văn hóa nghệ thuật", ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, trong bối cảnh hiện nay, sáng tạo nghệ thuật về lịch sử cần được nhìn nhận một cách “thoáng” hơn, được lắng nghe theo cách tích cực nhiều hơn, và được ủng hộ nhiều hơn.
Có được điều đó, văn nghệ sĩ mới dám xả thân vì nghệ thuật, vì những giá trị cao đẹp của cuộc sống để khai thác chất liệu lịch sử để tạo nên những sản phẩm văn học, nghệ thuật xứng tầm thời đại.
"Khi chúng ta có được những tác phẩm nghệ thuật ấy thì không chỉ lịch sử trở nên hấp dẫn, sinh động và dễ đi vào tâm trí mọi người hơn, mà những tinh thần, thông điệp quan trọng từ quá khứ sẽ giúp chúng ta có thêm niềm tự hào, củng cố sức mạnh dân tộc từ lịch sử văn hóa của đất nước.
Đó là những nguồn lực vô giá đến từ “lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá” trong giai đoạn hiện nay", ông Bùi Hoài Sơn nói thêm.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn mong muốn những tranh luận vừa qua không làm nản chí các nghệ sĩ tâm huyết khai thác đề tài lịch sử. Bởi lịch sử đất nước là chất liệu tuyệt vời cho các sản phẩm văn học, nghệ thuật, cần tài năng của nghệ sĩ để tỏa sáng.
Khai thác chất liệu đó sẽ giúp chúng ta kể được lịch sử, hình ảnh đẹp, câu chuyện truyền cảm hứng của Việt Nam cho khán giả trong nước và quốc tế, khẳng định vị trí và tầm vóc của dân tộc, hình thành nên sức mạnh mềm cho đất nước.
Ông mong khán giả ủng hộ bộ phim Đất rừng phương Nam nói riêng, điện ảnh và nghệ thuật Việt Nam nói chung, nhất là các tác phẩm văn học, nghệ thuật khai thác chất liệu lịch sử.
Từ đó tiếp thêm động lực tinh thần cho các nghệ sĩ, giúp cho nền văn học, nghệ thuật có thêm sức mạnh, từ đó có thêm sức đề kháng với các sản phẩm văn học, nghệ thuật không phù hợp, xa lạ, phản cảm, ảnh hưởng tiêu cực, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như Nghị quyết của Đảng đã đề ra.