Giá xăng dầu hôm nay 25/10/2023: Xu hướng hạ nhiệt

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 09:05, 25/10/2023

Giá xăng dầu hôm nay 25/10/2023 trên thị trường thế giới có xu hướng hạ nhiệt. Giá dầu giảm khi rủi ro địa chính trị tạm lắng xuống và các nỗ lực ngoại giao ở Trung Đông được tăng cường.

Giá xăng dầu trong nước hôm nay 25/10/2023

Giá bán lẻ các loại xăng dầu hôm nay ở thị trường trong nước được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 23/10 của liên bộ Tài chính - Công Thương. Giá xăng dầu theo đó được điều chỉnh tăng nhẹ.

Cụ thể, giá xăng E5 tăng lên 22.360 đồng/lít. Giá xăng RON 95 lên mức 23.510 đồng/lít.

Giá dầu diesel tăng lên 22.480 đồng/lít. Giá bán lẻ dầu hỏa tăng lên mức 22.750 đồng/lít.

Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:

Mặt hàngGiá từ 23/10 (đơn vị: đồng/lít)So với kỳ trước
Xăng RON 95-III23.510+470
Xăng E5 RON 92-II22.360+460
Dầu diesel22.480+70
Dầu hỏa22.750+290

Giá xăng dầu thế giới hôm nay 25/10/2023

Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 25/10 có xu hướng hạ nhiệt.

Hôm 24/10, giá xăng dầu đi lên vào đầu phiên nhưng sau đó quay đầu đi xuống.

Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h24' ngày 24/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 90,32 USD/thùng, tăng 0,49 USD, tương đương 0,55% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 85,93 USD/thùng, tăng 0,44 USD, tương đương 0,51% so với phiên liền trước.

Đến 20h53' ngày 24/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent xuống mức 89,33 USD/thùng, giảm 0,5 USD, tương đương 0,56% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 84,95 USD/thùng, giảm 0,54 USD, tương đương 0,63% so với phiên liền trước.

Giá dầu hạ nhiệt khi rủi ro địa chính trị tạm thời lắng xuống và các nỗ lực ngoại giao ở Trung Đông được tăng cường.

reuters dau 1 1340 1264.jpg
Giá xăng dầu thế giới hạ nhiệt (Ảnh: Reuters)

Sau chuỗi ngày tăng mạnh do lo ngại rủi ro xung đột ở khu vực Trung Đông gia tăng thì giá dầu đã dần ổn định sau khi nhiều nước tăng cường nỗ lực ngoại giao ở Trung Đông nhằm ngăn xung đột giữa Israel và Hamas leo thang.

Reuters thông tin, các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu sẽ kêu gọi Israel và Hamas thực hiện ngừng bắn nhân đạo trong tuần này để hàng viện trợ có thể đến tay người dân Palestine ở Gaza. Cùng với đó, các nhà lãnh đạo của Pháp và Hà Lan sẽ đến thăm Israel trong tuần này.

Vào cuối tuần qua, các đoàn xe viện trợ từ Ai Cập đã bắt đầu đến Dải Gaza.

Điều này làm giảm bớt lo ngại của giới đầu tư về khả năng gián đoạn nguồn cung dầu ở Trung Đông.

Vào tuần trước, nhằm làm giảm sức ép nguồn cung dầu vốn đã bị thắt chặt sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+) cắt giảm sản lượng, Mỹ đã quyết định dừng các biện pháp trừng phạt Venezuela (thành viên của OPEC) sau khi chính phủ Venezuela đạt được thỏa thuận với phe đối lập. Việc này có thể giúp Venezuela xuất khẩu dầu ra thị trường.

Tuy nhiên, rủi ro vẫn tiềm ẩn. Giới phân tích nhận định, giá dầu có thể tăng trở lại nếu xung đột địa chính trị leo thang.

Bên cạnh yếu tố địa chính trị, giá dầu có thể sẽ biến động giằng co trước hàng loạt thông tin quan trọng trong tuần này. Tâm điểm chú ý của thị trường là dữ liệu tăng trưởng GDP quý III của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Năm (ngày 26/10) và chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ dự kiến được công bố vào thứ Sáu (ngày 27/10).

Nếu dữ liệu lạm phát cao hơn dự kiến có thể làm tăng mối lo ngại về việc nâng lãi suất trong cuộc họp ngày 1/11 tới đây của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).