Mối nguy từ các hội nhóm trầm cảm trên mạng xã hội

Tin Y tế - Ngày đăng : 05:17, 25/10/2023

TPHCM - Hiện nay, trên các mạng xã hội, dễ dàng thấy nhiều nhóm trầm cảm trực tuyến với những thành viên mắc bệnh tâm lý. Thay vì động viên lẫn nhau vượt qua khó khăn, một số bài viết trên những nhóm này thường khiến tâm trạng của người trầm cảm càng dễ mất kiểm soát.
Mối nguy từ các hội nhóm trầm cảm trên mạng xã hội
Một bệnh nhân khám trầm cảm tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Ảnh: Nguyễn Ly

Tìm kiếm các từ khóa như "trầm cảm" hoặc "lo âu" trên Facebook, hàng loạt nhóm có số lượng thành viên, người theo dõi lên tới hàng nghìn như "Vượt qua trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc", "Những người sống chung với bệnh trầm cảm" hoặc "Hội trầm cảm"...

Anh T.N, 25 tuổi, đến từ tỉnh Lâm Đồng, tham gia nhóm "Vượt qua trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc" đã được hơn một năm. Anh N tham gia nhóm này để tìm kiếm sự hỗ trợ và chia sẻ tâm trạng của mình. Theo anh N, anh thường trải qua cảm giác lo lắng, tim đập nhanh, khó tập trung vào công việc. Vì vậy, anh thường tìm đến mạng xã hội để chia sẻ về vấn đề của mình.

Tương tự, chị Hà Phương (tên đã được thay đổi), ngụ tại TPHCM bị trầm cảm sau sinh. Đôi khi, chị Phương chỉ muốn kết thúc cuộc đời và suy nghĩ về việc này thường xuyên. Trên mạng xã hội, chị cũng chia sẻ tâm sự và gặp được những người có cùng suy nghĩ. Khi tâm trạng trầm cảm bùng phát, chị gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, cảm thấy bị kẹt giữa thực tại và ý muốn tự tử.

Thực tế các hội nhóm trực tuyến liên quan đến bệnh lý về sức khoẻ tâm thần vẫn chưa được quản lí bởi cơ quan nào. Những nhóm này thường được tự thành lập và đăng bài không qua sự kiểm duyệt. Theo các chuyên gia, điều này rất nguy hiểm.

Th.S.BS Đào Thị Thu Hương, chuyên viên tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, cho biết, trong lĩnh vực tâm lý, có phương pháp trị liệu theo nhóm mà một số người cùng mắc phải các vấn đề tương tự để hỗ trợ lẫn nhau.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, có thể dẫn đến việc tụ tập, xảy ra sự tụt hậu tinh thần. Có người sẽ thuyết phục rằng họ đang giúp đỡ lẫn nhau thoát khỏi tình trạng khó khăn. Nhưng suy nghĩ của người trầm cảm thường rất tiêu cực, và nhóm tự thành lập mà không được kiểm soát có thể gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm, tăng nặng nguy cơ bệnh tâm lí trầm cảm và thậm chí gây tử vong.

Trước đó, Sở Y tế TPHCM cũng đã bắt đầu triển khai thí điểm các mô hình quản lí điều trị trầm cảm không dùng thuốc cho các rối loạn trầm cảm từ nhẹ đến vừa tại 5 trạm y tế trên địa bàn TPHCM, bao gồm Trạm Y tế An Thới Đông (huyện Cần Giờ), Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), Tân Hưng Thuận (Quận 12), Phú Trung (quận Tân Phú) và Trạm Y tế Phường 15 (quận Tân Bình).

Cũng theo Sở Y tế TPHCM, rối loạn trầm cảm là một trong những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần phổ biến trên toàn cầu, gây tác động không chỉ đến sức khỏe của người bệnh, mà còn ảnh hưởng đến các mối quan hệ gia đình và xã hội.Trầm cảm có thể bắt đầu ở mọi độ tuổi, không phân biệt giới tính và có thể trở thành một bệnh mạn tính nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

NGUYỄN LY