Vướng mắc về bất động sản, bí thư tỉnh than 'hỏi mãi không ai trả lời'
Nhịp sống - Ngày đăng : 14:52, 24/10/2023
Trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng 24/10, các bí thư tỉnh ủy, thành ủy nêu nhiều bất cập, vướng mắc liên quan chính sách bất động sản tại địa phương.
Đại biểu Lê Trường Lưu (Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế) cho biết thực trạng thu ngân sách từ đất đai ở tất cả địa phương đều giảm sút; thị trường bất động sản đình trệ.
Về nguyên nhân, ông lý giải do trong một giai đoạn phát triển "bong bóng", giá cả đẩy lên cao, sức mua chủ yếu từ vay ngân hàng. Khi ngân hàng thắt chặt tín dụng, ngay lập tức khiến sức mua giảm sút, dẫn đến tiền đất của các địa phương thu không đạt kế hoạch.
Ông cũng nêu thực tế một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bất động sản vẫn còn khó khăn, chưa tháo gỡ được. "Có những việc chúng tôi hỏi mãi không ai trả lời", theo lời ông Lưu.
Vị bí thư tỉnh ủy dẫn chứng việc chuyển tiếp từ Luật Đất đai 2003 đến 2013, một số dự án trước đây cấp đất thông qua thủ tục hành chính, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xong. Nhưng Luật Đất đai 2013 lại yêu cầu giá đất được tính tại thời điểm giao đất.
"Như vậy, những dự án trước đã nộp tiền rồi, đến khi cấp sổ đỏ thì tính theo giá nào. Việc này chúng tôi hỏi mãi không ai trả lời", Bí thư Thừa Thiên Huế nói.
Bên cạnh đó, ông cho biết có một số dự án bất động sản sai phạm đã bị xử lý, xem xét trách nhiệm hình sự cá nhân, nhưng đến nay không rõ cách thức triển khai tiếp. Ông Lưu đề nghị Chính phủ xây dựng cơ chế chung để xử lý các địa phương như nhau.
"Các dự án này, nhà đầu tư đổ vào một lượng lớn kinh phí, người dân cũng đầu tư nhiều tài sản, giờ không xử lý được. Nếu sai sót về thủ tục không đấu giá, giờ có đấu giá được không? Phải có cách thức nào để xử lý, thu được tiền sử dụng đất chênh lệch, bớt thiệt hại cho Nhà nước", ông Lưu nói và cho rằng tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cũng giúp khơi thông nguồn lực phát triển nhiều ngành khác.
Cũng thể hiện quan điểm về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng băn khoăn không rõ cả nước có bao nhiêu dự án bất động sản "đắp chiếu".
Với Hà Nội, ông cho biết có 712 dự án chậm triển khai. "Vừa qua thành phố đã hủy hơn 100 dự án. Sau khi thu hồi, thành phố làm quy trình đấu thầu, đấu giá hàng nghìn hecta", ông Dũng nói.
Bí thư Hà Nội cho biết trước đây, nhiều doanh nghiệp được giao đất thực hiện dự án không qua đấu thầu. Doanh nghiệp nhận đất nhưng không thực hiện dự án gây lãng phí nguồn lực xã hội, nguồn lực Nhà nước.
"Theo quy định pháp luật, việc giao đất cho doanh nghiệp như vậy là sai. Trước đây không đấu thầu, không đấu giá, chỉ giao như vậy là doanh nghiệp bỏ vốn ra làm, cái thì giải phóng mặt bằng xong, cái đầu tư hạ tầng nửa vời", ông Dũng lý giải việc nhiều dự án bất động sản "đắp chiếu" ở Thủ đô.
Để triển khai tiếp các dự án này, Bí thư Hà Nội nói "cũng thấy lo", vì không biết tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế bằng cách nào. Để các dự án này tiếp tục triển khai, ông Dũng đề xuất Quốc hội giám sát tổng thể, sau đó cho chủ trương tính đúng, tính đủ theo giá đất hiện nay, dự án nào không có khả năng triển khai tiếp thì thu hồi.
Theo ông Đinh Tiến Dũng, nếu giải quyết được các dự án chậm triển khai sẽ kích thích được thị trường bất động sản, thị trường vật liệu xây dựng, tạo công ăn việc làm. Ngoài ra, còn góp phần thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.