Chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia 2000 năm độc nhất Việt Nam tại Bảo tàng Thanh Hóa

Dòng chảy - Ngày đăng : 08:33, 24/10/2023

Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đang lưu giữ, trưng bày 3 bảo vật quốc gia trong đó có 'Kiếm ngắn núi Nưa' từ thời Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2000 năm.

Kiếm ngắn núi Nưa

Ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa cho biết, Kiếm ngắn núi Nưa niên đại văn hóa Đông Sơn, cách nay khoảng 2000 năm.

Kiếm gồm 2 phần: phần lưỡi và phần cán. Lưỡi hình lá tre, mỏng, có hai rìa sắc, nhọn, chắn tay hình sừng trâu. Cán kiếm là khối lượn tròn được đúc liền với lưỡi kiếm.

Người phụ nữ tóc búi cao, đeo đồ trang sức, trang phục áo, váy kín đáo được dệt may công phu, trang trí hoa văn dạng hình học với những đường vạch ngắn song song, đường trong đồng tâm mang đặc trưng của Văn hóa Đông Sơn.

W-a4bbbbbbbbbbbbbbbb.jpg
Bảo vật quốc gia được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa
a1bbbbbbbbbbbbbbbbbbbb.jpg
Kiếm ngắn núi Nưa
av2bbbbbbbbbbbbbbbbbbbbbb.jpg
Cán kiếm là khối lượng tròn thể hiện người phụ nữ đeo trang sức
W-a3bbbbbbbbbbbbbbbbbbb.jpg
Phần lưỡi kiếm đã bị mất phần mũi

Kiếm ngắn núi Nưa có giá trị đặc biệt, gắn liền với lịch sử dựng nước của dân tộc nói chung và Thanh Hóa nói riêng những năm đầu thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên. Kiếm được phát hiện dưới chân núi Nưa (xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) – căn cứ khởi nghĩa chống quân Ngô của Bà Triệu năm 248.

Kiếm ngắn núi Nưa được các nhà nghiên cứu đánh giá là kiếm ngắn đẹp nhất trong các kiếm ngắn có khối tượng người ở Việt Nam thời kỳ Văn hóa Đông Sơn.

Trống đồng Cẩm Giang

Trống đồng Cẩm Giang là bảo vật loại H1 (theo phân loại của Heger), nhóm C1, có niên đại Văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2000 năm. Trống đồng Cẩm Giang phát hiện tại gia đình ông Bùi Đức Tậu (thôn Phú Lai, xã Cẩm Giang, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) năm 1992.

W-a5bbbbbbbbbbbbbbbbbbbb.jpg
Trống đồng Cẩm Giang.
W-a6bbbbbbbbbbbbbbbbb.jpg
Chính giữa trống là hình ngôi sao 16 cánh.
a7bbbbbbbbbbbbbbbbbbb.jpg
Rìa mặt trống có 4  khối tượng vịt quay theo hướng ngược kim đồng hồ

Trống đồng Cẩm Giang có hình dáng đẹp, cân đối. Thân trống được chia làm 3 phần rõ rệt: tang, lưng và chân. Chính giữa trống là hình ngôi sao 16 cánh với hoa văn trang trí phong phú, sinh động mang đặc trưng của nền Văn hóa Đông Sơn, như: hoa văn trám lồng, chim lạc bay cách điệu, người hóa trang lông chim… Đặc biệt, rìa mặt trống có 4  khối tượng vịt quay theo hướng ngược kim đồng hồ (đã mất 1 con, 1 con bị hỏng).

Với những nét độc đáo, tiêu biểu, trống đồng Cẩm Giang làm phong phú thêm bộ sưu tập trống đồng Đông Sơn ở Việt Nam; phản ánh kỹ thuật đúc đồng đạt đến trình độ cao thời kỳ Văn hóa Đông Sơn; khẳng định trí tuệ, tài năng, sáng tạo của các nghệ nhân xưa, góp phần tạo nên bức tranh sinh động về lịch sử, văn hóa, xã hội của cư dân Việt cổ thời đại các Vua Hùng.

Vạc đồng Cẩm Thủy

W-a8bbbbbbbbbbbbbbb.jpg
Vạc đồng Cẩm Thủy lớn nhất Việt Nam
W-a9bbbbbbbbbbbb.jpg
Miệng gắn 6 quai to trang trí vặn thừng cách đều nhau…
W-a10bbbbbbbbbbbbb.jpg
Vạc do Tạo Quận công Phạm Ngô Cầu – quan Khâm sai huyện Cẩm Thủy cho đúc ngày 28/11/1752.
W-a11bbbbbbbbbbbbbbbbb.jpg
Chữ thể hiện thông tin được viết lên phần miệng của chiếc Vạc.

Vạc đồng Cẩm Thủy do Ban Chỉ huy Quân sự TP Thanh Hóa sưu tầm được ở khu vực ngã ba Đình Hương (TP Thanh Hóa) vào khoảng đầu những năm 1980 sau đó bàn giao cho bảo tàng tỉnh vào ngày 1/8/2002. Đây là 1 trong 3 bảo vật quốc gia đang được trưng bày tại Bảo tàng Thanh Hóa.

Hiện vật có đường kính miệng 134,4cm, đường kính đáy 115cm, cao 79,8cm, có hình trụ, miệng hơi loe. Miệng Vạc gắn 6 quai to trang trí vặn thừng cách đều nhau…

Căn cứ vào dòng minh văn cho thấy, Vạc do Tạo Quận công Phạm Ngô Cầu – quan Khâm Sai huyện Cẩm Thủy cho đúc ngày 28/11/1752.

Mặc dù còn nhiều vấn đề cần khảo cứu song cùng với 15 chiếc Vạc đồng hiện còn ở Huế thì Vạc đồng ở Thanh Hóa là to nhất Việt Nam, kỹ thuật đúc đồng đã đạt đến độ hoàn hảo.