Đối đầu công nghệ Mỹ - Trung củng cố tham vọng 'trỗi dậy' của Huawei

Cuộc sống số - Ngày đăng : 06:03, 24/10/2023

Các biện pháp của Mỹ hạn chế xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến sang Trung Quốc có thể tạo cơ hội cho Huawei Technologies giành lại thị phần trên sân nhà.

Với thị phần hơn 90%, Nvidia đang là nhà cung cấp chip AI hàng đầu tại Trung Quốc. Tuy nhiên, công ty bán dẫn Mỹ đang vấp phải sự tăng tốc bám đuổi đáng kể từ các doanh nghiệp nội địa Trung Quốc. Những gã khổng lồ công nghệ hàng đầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tìm cách phát triển các phiên bản tương đương GPU A100 và H100.

Chưa thể thay thế Nvidia

Một số chuyên gia trong ngành nhận định, mặc dù con chip AI do Huawei chế tạo, tương tương chip Nvidia về sức mạnh tính toán thô, song chúng vẫn không thể so bì về hiệu suất.

Jiang Yifan, Giám đốc phân tích thị trường tại công ty môi giới Guotai Junan Securities, cho biết một trong những hạn chế lớn của các công ty Trung Quốc là việc phụ thuộc vào hệ sinh thái phần mềm và phần cứng xoay quanh công ty chip vốn hoá lớn nhất thế giới. Dù vậy, điều này trong tương lai có thể sớm thay đổi do các hạn chế xuất khẩu của Washington.

rltzdcvjvbncjatfedgpm4il5y.jpg
Tại một hội nghị vào tháng 7, Huawei cho biết chip AI của họ hiện giúp cung cấp năng lượng cho hơn 30 mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) ở Trung Quốc, quốc gia đang trải qua cơn sốt AI sinh tạo và hiện có hơn 130 LLM.

“Theo tôi, động thái của Mỹ đang mang lại cho chip Ascend (của Huawei sản xuất) một món quà lớn”, Jiang nói trong bài đăng trên tài khoản mạng xã hội Weibo.

Hiện nhiều dự án AI tiên tiến được xây dựng bằng cấu trúc lập trình CUDA mà Nvidia đã đi tiên phong trong nhiều năm qua, với hệ sinh thái toàn cầu rộng lớn, đủ khả năng huấn luyện các mô hình AI có độ phức tạp cao như GPT-4 của OpenAI.

Phiên bản tự phát triển của Huawei được gọi là CANN, theo các nhà phân tích, nó có hạn chế hơn nhiều trong lĩnh vực đào tạo máy học, do đó, con chip của Trung Quốc không thể thay thế sản phẩm của Nvidia bằng cách “plug-and-play”.

Woz Ahmed, cựu Giám đốc thiết kế chip, cho biết để Huawei giành được khách hàng Trung Quốc từ Nvidia, họ phải tái tạo hệ sinh thái mà Nvidia đã tạo ra, bao gồm hỗ trợ khách hàng chuyển dữ liệu và mô hình của họ sang nền tảng mới. Ngoài ra, quyền sở hữu trí tuệ cũng là một vấn đề vì nhiều công ty Mỹ đã nắm giữ các bằng sáng chế quan trọng về GPU.

Sức mạnh điện toán

Nếu Nvidia bị buộc phải thoái lui khỏi thị trường Trung Quốc, khoảng trống của họ gần như chắc chắn sẽ bị thâu tóm bởi Huawei. Điều này được giới phân tích coi như là một chiến thắng khác của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc trước Bộ Thương mại Mỹ kể từ khi bị đưa vào danh sách cấm vận năm 2019.

Cũng trong năm đó, Huawei tung ra GPU Ascend cùng nhiều sản phẩm khác, ví dụ như hệ điều hành Harmony mà công ty khẳng định tự sản xuất 100%.

Tháng trước, công ty này tiếp tục phát đi tín hiệu “không khuất phục” trước các biện pháp kiềm chế của Mỹ, bằng cách tung ra số lượng giới hạn mẫu smartphone sử dụng con chip “Made in China” trên tiến trình tương đối hiện đại, đồng thời tuyên bố đã đạt được những đột phá về công cụ thiết kế chip.

Huawei đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp sức mạnh điện toán chủ chốt cho AI. Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu cho biết vào tháng trước rằng Huawei muốn xây dựng cơ sở điện toán cho Trung Quốc và cung cấp cho thế giới một “lựa chọn thứ hai”.

Charlie Chai, nhà phân tích của 86Research, cho biết sự thống trị của Nvidia với hệ sinh thái không phải là "trở ngại không thể vượt qua nếu người chơi trong nước có đủ thời gian và lượng khách hàng lớn".

(Theo Reuters)